'Cánh tay nối dài' của chính quyền cơ sở

Nhiều năm nay, ông Giàng Chù Di, người uy tín ở bản Mường Tỉnh B, xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) luôn tích cực tham gia hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương, góp phần hạn chế tình trạng đơn khiếu nại vượt cấp. Không chỉ vậy, ông Di còn phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Người có uy tín trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông tham gia tập huấn kiến thức, tuyên truyền vận động.

Người có uy tín trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông tham gia tập huấn kiến thức, tuyên truyền vận động.

Ông Giàng Chù Di cho biết: “Ðược bình chọn là người có uy tín, tôi càng ý thức mình phải gương mẫu. Khi người dân thấy được việc hay, cách làm đúng mới thực hiện theo mình. Từ năm 2021 đến nay, tôi cùng tổ hòa giải của bản tham gia hòa giải trên 100 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình và những vấn đề khác, có trên 80% số vụ thành công”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc nào có hại cho dân thì hết sức tránh”, ông Giàng Chù Di phối hợp cùng Ban chi ủy, cán bộ, đảng viên vận động bà con góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt hệ thống loa truyền thanh để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Ông luôn gương mẫu đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Với ông Giàng Dạ Chứ, người có uy tín bản Nậm Ngám B, xã Pu Nhi được bà con trong bản rất quý trọng. Suốt những năm qua, không chỉ nêu gương trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế gia đình, ông Chứ đã cùng lực lượng Công an xã đến từng nhà tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước. “Có lúc cán bộ nói bà con không nghe đâu, nhưng người có uy tín đến trò chuyện là bà con có chuyển biến trong nhận thức đấy. Mấy năm gần đây, trên địa bàn không có tệ nạn xã hội, đời sống người dân ngày càng được cải thiện” - ông Chứ chia sẻ.

Khẳng định sức ảnh hưởng của người có uy tín tại địa phương, ông Lò Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Pu Nhi cho biết: Người có uy tín thật sự là điểm tựa tại cơ sở trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhờ vai trò rất lớn của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, nói đi đôi với làm mà đến nay xã Pu Nhi đã đạt nhiều kết quả xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 52%, nhiều hộ dân chăm lo phát triển kinh tế.

Tỉnh ta có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đã phát huy vai trò của người có uy tín ở thôn, bản, khu dân cư để thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Ðây chính là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc; từng bước từ bỏ các tập tục lạc hậu. Nhờ đó, giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh có trên 171.800 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”; 2.109 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận là thôn, bản, tổ dân phố văn hóa.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, người có uy tín luôn là những người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện. Người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong sản xuất, áp dụng cách làm hay nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, người có uy tín đã vận động được trên 25.500 hộ dân ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; cung cấp 232 tin tố giác xuất, nhập cảnh trái phép và thực hiện có hiệu quả hoạt động phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” với 9 cặp cụm dân cư. Tại cơ sở, người có uy tín giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm; cung cấp nhiều tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.658 khu dân cư triển khai phòng, chống tội phạm với 182 hòm thư tố giác tội phạm. Tình trạng di, dịch cư tự do giảm dần hàng năm, nhiều vụ tranh chấp đất đai, tài sản được hòa giải thành công tại cơ sở.

Ðánh giá về vai trò của người có uy tín, ông Lò Xuân Nam, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh Ðiện Biên lựa chọn, công nhận 6.859 người có uy tín; riêng năm 2022 có 1.246 người uy tín. Ðội ngũ người có uy tín có thể coi là “những cánh tay nối dài của Ðảng, chính quyền”, một lực lượng quan trọng trong việc vận động nhân dân các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Ðảng và Nhà nước. Ðể phát huy vai trò của những người có uy tín, hàng năm tỉnh đều chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương bình chọn người có uy tín. Người có uy tín được quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hoặc được tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội; được phổ biến các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Anh Khôi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/208769/%E2%80%9Ccanh-tay-noi-dai%E2%80%9D-cua-chinh-quyen-co-so