Cạnh tranh 'Ngân hàng số' - Cuộc đua không hồi kết?

Động thái VietinBank dự kiến chấm dứt hoạt động 7 phòng giao dịch trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6, sau khi đã đóng cửa 10 phòng giao dịch trong quý I/2025, là một minh chứng rõ nét cho xu hướng tái cấu trúc mạnh mẽ để thích ứng với thời đại số. Tại Đại hội đồng cổ đông gần đây, lãnh đạo nhà băng này xác định rõ chiến lược: cắt giảm điểm giao dịch vật lý, tập trung phát triển nền tảng số để nâng cao trải nghiệm người dùng.


Từ những tòa nhà kiên cố vốn quen thuộc với quy trình giấy tờ, các ngân hàng truyền thống đang buộc phải "thay áo" để bước vào cuộc đua công nghệ, nơi chỉ một cú chạm màn hình có thể thay thế cả một chuỗi quy trình giao dịch cồng kềnh.
Ngân hàng số giờ đây không chỉ là một xu hướng mà là điều kiện sống còn. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể mở tài khoản, đăng ký khoản vay, thậm chí tham gia đầu tư mà không cần rời khỏi nhà.
Hành vi tiêu dùng số, đặc biệt từ thế hệ Gen Z - những người “sinh ra cùng công nghệ”, trở thành ngọn sóng mạnh mẽ cuốn theo cả ngành tài chính. Theo số liệu từ NHNN, đến năm 2025, hơn 90% giao dịch tài chính cá nhân tại các ngân hàng lớn được thực hiện qua kênh số. Điển hình, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số. Còn số giao dịch tại quầy, giảm đều đặn từng năm.


Các ngân hàng như MB, TPBank, Techcombank, ACB, Vietcombank... đang gấp rút tăng tốc số hóa. MB với hệ sinh thái tài chính tích hợp và giao diện cá nhân hóa, TPBank với LiveBank và AI phê duyệt hồ sơ chỉ trong vài giây, Vietcombank đầu tư vào nền tảng VCB Digibank, tất cả cho thấy một bước nhảy vọt cả về công nghệ lẫn tư duy vận hành.

TPBank hiện là một trong những ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi số với 98% giao dịch thực hiện qua kênh số, tổng giá trị chiếm 86% toàn hệ thống.
Số liệu từ NHNN cho thấy, từ năm 2017-2023, giao dịch thanh toán qua mobile và QR code tăng trưởng trung bình trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày. Đây là nền móng quan trọng thúc đẩy ngân hàng số phát triển bền vững.
Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng là hàng loạt thách thức. Chuyển đổi số không đơn thuần là nâng cấp ứng dụng hay thêm vài tính năng. Đó là cuộc tái cấu trúc toàn diện về hạ tầng công nghệ, dữ liệu, nhân sự và văn hóa doanh nghiệp.
Như cách các chuyên gia mô tả: "Chuyển đổi số ngân hàng giống như xây lại ngôi nhà ngay khi bạn đang sống trong đó".

Tuy nhiên, đi cùng với đó, an ninh mạng vẫn là nỗi lo lớn. Trong 2 tháng đầu năm 2025, giao dịch trên hệ thống thanh toán liên ngân hàng tăng 32%, đồng nghĩa với áp lực bảo mật gia tăng.



Theo khảo sát Decision Lab (2025), gần 70% thế hệ Gen Z sử dụng ít nhất một ứng dụng ngân hàng số, trong đó hơn 40% chọn app dựa trên yếu tố giao diện thân thiện, sinh động. Họ yêu cầu cao hơn ở trải nghiệm: chuyển tiền phải “mượt như lướt mạng xã hội”, tiết kiệm như chơi game, đầu tư chỉ cần vài cú chạm.
Bạn Trần Nguyễn Chí Thiện (22 tuổi) chia sẻ: “Giờ vào quán uống nước cũng chuyển khoản, dần thành thói quen”. Còn bạn Nguyễn Thị Phương Thảo (19 tuổi) cho biết chọn ứng dụng vì có biểu tượng cảm xúc dễ thương và nhắc chi tiêu vượt hạn mức rất nhẹ nhàng.
Theo Deloitte Việt Nam (2025), có đến 52% Gen Z sẵn sàng chuyển sang ngân hàng khác nếu app hiện tại thiếu tính năng thông minh như: chatbot AI, đầu tư vi mô hay cảnh báo chi tiêu. Gen Z không trung thành với thương hiệu mà trung thành với trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Gen Z đề cao giá trị bền vững. Họ ưu tiên ứng dụng thể hiện trách nhiệm môi trường, minh bạch và truyền thông qua TikTok, YouTube Shorts, Instagram Reels...
Các ngân hàng cần làm mới tư duy, coi Gen Z như những "cá thể tài chính" đang định hình hành vi tiêu dùng mới. Họ cần một "stylist tài chính" hơn là một "người gác két".

Ngân hàng số thuần túy (pure digital bank) là mô hình ngân hàng không có chi nhánh vật lý, hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số. Vikki Bank - ngân hàng số thế hệ mới sau tái cấu trúc Đông Á Bank sang HDBank - là cái tên đầu tiên tại Việt Nam hiện thực hóa mô hình này.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhận định: "Ngành Ngân hàng tiên phong trong ứng dụng công nghệ, góp phần giảm chi phí vận hành, hỗ trợ chuyển đổi số và xanh cho nền kinh tế". Ông kêu gọi phát triển ngân hàng số, thanh toán điện tử, đảm bảo tiện ích khách hàng, đồng thời khuyến khích cấp vốn cho các dự án xanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo nguyên tắc "cả hai cùng thắng".
Tuy nhiên, để ngân hàng số thuần túy phát triển bền vững, cần tháo gỡ rào cản pháp lý. Hiện nay, hành lang quản lý cho ngân hàng số vẫn còn nhiều khoảng trống. Đặc biệt là đối với AI, cho vay trực tuyến, bảo mật dữ liệu tài chính cá nhân.

Theo các chuyên gia, khung pháp lý linh hoạt và rõ ràng sẽ là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy ngân hàng số, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dùng.
Việt Nam là thị trường tiềm năng nhờ dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và smartphone phổ biến. Nhưng để hiện thực hóa tiềm năng này, cần sự đồng hành giữa ngân hàng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp công nghệ để xây dựng hạ tầng, an toàn bảo mật và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Có thể nói, ngân hàng số thuần túy chính là tương lai của ngành tài chính, mở ra cơ hội tiếp cận tài chính cho mọi người dân. Nhưng muốn chinh phục hành trình số này, các ngân hàng cần nhiều hơn là công nghệ, đó là tầm nhìn, khát vọng và lòng kiên trì để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua không giới hạn.
Sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

Công Thái
Đồ họa: Lê Thành
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/canh-tranh-ngan-hang-so-cuoc-dua-khong-hoi-ket-164654.html