Cao Bằng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giúp phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc. Có 10 đơn vị cấp huyện, thành phố gồm: 1 thành phố, 9 huyện và 161 xã, phường, thị trấn trong đó: 33 xã, phường thuộc khu vực I có 43 thôn đặc biệt khó khăn; 4 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực II có 15 thôn đặc biệt khó khăn; 124 xã thuộc khu vực III có 938 thôn đặc biệt khó khăn; có 7 huyện biên giới, 40 xã, thị trấn biên giới; có 7 huyện nằm trong 74 huyện nghèo nhất cả nước. Toàn tỉnh có 35 thành phần dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô. Trong những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình MTQG, xây dựng đời sống đồng bào DTTS và miền núi ngày càng no ấm.
So với mặt bằng chung, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn; trình độ dân trí của một số vùng trên địa bàn khá thấp, chênh lệch mức thu nhập giữa các dân tộc trong vùng còn lớn… Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, việc triển khai Chương trình đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh là 5.979,081 tỷ đồng. Lũy kế bố trí vốn từ năm 2021 đến năm 2024 là 3.996,554 tỷ đồng. Theo số liệu tại Báo cáo số 64/BC-BDT ngày 16/1/2024 của Ban Dân tộc thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023, trong năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh thực hiện Chương trình MTQG 1719 là hơn 2.095,4 tỷ đồng (bao gồm hơn 584,7 tỷ đồng vốn năm 2022 chuyển sang). Đến hết năm 2023, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn này đạt tỷ lệ 59%, tương đương hơn 1.242,7 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2023 tỉnh đã thực hiện giải ngân cho Dự án 1 - giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 99.605 triệu đồng; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết 39.671 triệu đồng; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị 267.375 triệu đồng; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc 598.981 triệu đồng; Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 133.825 triệu đồng…
Năm 2024, tỉnh đã nỗ lực giải ngân nguồn vốn năm 2023 và vốn chuyển nguồn từ năm 2022 của các dự án thành phần. Trong đó, Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) đạt tỷ lệ 65%; Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết), Cao Bằng giải ngân đạt 88% kế hoạch vốn; Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) đạt tỷ lệ 55 %; Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) đạt tỷ lệ 49 %;...
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 2.240,116 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2023 chuyển sang). Tính đến ngày 14/8/2024, toàn tỉnh thực hiện giải ngân được 581,992 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn.
Đối với Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS có nhu cầu bức thiết. Trong Kế hoạch số 2015/KH-UBND ngày 08/8/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh phấn đấu trong cả giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hỗ trợ 360 hộ về đất ở và 1.167 hộ về đất sản xuất. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức rà soát, đối chiếu, xác định hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi thiếu hoặc chưa có đất ở, chưa có đất nông nghiệp có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp.
Vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã thực hiện rà soát đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp trên địa bàn, gửi Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trong điều kiện trên 90% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đá, sông suối; đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên thì việc bố trí quỹ đất để hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ có nhu cầu là rất khó khăn.
Tiêu biểu như ở Phong Châu (huyện Trùng Khánh). Xã có diện tích tự nhiên rộng (2.577ha) nhưng chủ yếu núi đá; diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 367,11ha. Trong khi toàn xã có 518 hộ, với khoảng 2.065 nhân khẩu. Không chỉ khó mở rộng diện tích đất canh tác cho người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất, mà ở xã Phong Châu, quỹ đất ở cũng rất hạn hẹp. Toàn xã có 374,77ha đất phi nông nghiệp, đã cơ bản được bố trí để xây công trình trụ sở hành chính, công trình phục vụ kinh tế - xã hội, dân sinh và đất ở. Vì thế, không ít hộ trên địa bàn xã thuộc diện nghèo vì thiếu đất ở, nhà ở, một hộ có nhiều nhân khẩu cùng chung sống.
Hay tại huyện Quảng Uyên có 9.576 hộ đồng bào DTTS thì có tới 1.566 hộ thiếu đất sản xuất, 22 hộ thiếu đất ở. Đặc biệt, toàn huyện có 115 hộ dân tộc Mông thì cả 115 hộ đều thiếu đất sản xuất, trong đó có 3 hộ thiếu đất ở.
Huyện Hà Quảng có tổng diện tích tự nhiên hơn 81.000 ha, nhưng địa hình chủ yếu đồi núi, có độ dốc lớn, diện tích đất sản xuất chỉ gần 13.000 ha, chiếm tỷ lệ trên 16% tổng diện tích đất tự nhiên. Từ những thực tế khó khăn đó, thời gian qua, tỉnh đã linh hoạt trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Theo Báo cáo số 111/BC-UBND ngày 13/5/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng, thực hiện Thông tư 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nội dung hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh chuyển sang thực hiện hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ (máy cày, máy tuốt lúa...). Tính đến tháng 5/2024 đã triển khai mua sắm được cho 66 hộ, dự kiến năm 2024 sẽ hỗ trợ cho trên 613 hộ có nhu cầu.
Để giúp địa phương khắc phục phần nào khó khăn cũng như thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, thúc đẩy tiến độ giải ngân Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, ngày 11/10/2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Tờ trình số 2722 trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó đề cập đến 4 nội dung quan trọng: Chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu; chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống; quỹ đất để thực hiện chính sách về đất đai; các trường hợp không được hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS; nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai. Các chính sách được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 16 của Luật Đất đai 2024, được hướng dẫn thi hành tại Điều 8 của Nghị định 102/2024/NĐ-CP và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố nắm chắc tình hình trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chương trình MTQG 1719.