Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 7
Bài 7: Chiến thắng biên giới 1950
Chiến dịch Phan Đình Phùng kết thúc, ngày 27/5/1950, thực dân Pháp tập trung lực lượng chiếm lại Đông Khê thuộc huyện Thạch An để giữ con đường tiếp tế cho quân Pháp đóng ở thị xã Cao Bằng. Nhằm bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, quân ta tạm rút khỏi Đông Khê. Địch thừa cơ tăng cường càn quét, phá hoại, nhất là ven trục đường số 4. Ta chủ động ngăn chặn chúng, gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải rút về co cụm tại thị xã Cao Bằng.
Nhằm đưa cuộc kháng chiến phát triển lên bước mới, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới mang tên Lê Hồng Phong II, với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Cao Bằng đến Thất Khê, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Để lãnh đạo quân và dân thực hiện mục tiêu Chiến dịch Lê Hồng Phong II, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết nghị thành lập Đảng ủy Mặt trận gồm 5 đồng chí do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm bí thư đảng ủy mặt trận.
Sau khi trinh sát, nghiên cứu tình hình địch, ngày 16/8/1950, Đảng ủy Mặt trận họp nhận định: Đánh địch ở thị xã Cao Bằng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì hệ thồng đồn bốt, pháo đài kiên cố, quân địch đông, vũ khí trang bị còn rất nhiều; đánh Đông Khê chắc thắng hơn. Mất Đông Khê, thị xã Cao Bằng bị cô lập. Vì vậy, Đảng ủy quyết định đánh trận mở màn vào Đông Khê.
Để giành thắng lợi, ta tập trung lực lượng ưu thế hơn hẳn địch gấp 6 - 7 lần về bộ binh và pháo binh. Đây là lần đầu tiên, bộ đội ta dùng xe ô tô vận chuyển vũ khí, lương thực kết hợp với các phương tiện thồ thô sơ, khênh vác. Trung ương giao cho tỉnh Cao Bằng huy động dân công vận chuyển vũ khí được viện trợ từ Thủy Khẩu - Tà Lùng đến Án Lại, rồi qua Nà Danh, Canh Biện, Nước Hai (huyện Hòa An), vì quân Pháp chiếm đóng Thị xã; đồng thời kịp bổ sung cho các đơn vị chủ lực khoảng 700 tân binh. Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho bộ đội địa phương tỉnh nhiệm vụ chặn đánh quân địch vào Án Lại, Nước Hai, Bản Tấn (huyện Hòa An) và chặn đường rút lui của chúng về Bắc Kạn, Đông Khê, truy kích tiêu diệt địch và bảo vệ toàn bộ kho tàng trên các trục đường chính để phục vụ chiến dịch.
Ngày 8/9/1950, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh đánh Đông Khê. Ngày 9/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng: Tiếp tục giúp đỡ bộ đội đánh thắng to, giúp cho chiến dịch được thắng lợi. Ngày 11/9/1950, Người đến Sở chỉ huy chiến dịch gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ, xác định quyết tâm đánh thắng trận này và trực tiến đến Sở chỉ huy tiền phương tại làng Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An) để quan sát đồn Đông Khê. Tại đây, Bác Hồ đã làm bài thơ “Chống gậy lên non xem trận địa/Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu/Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”. Tin Bác ra trận làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Cao - Bắc - Lạng. Khắp nơi nô nức giết giặc lập công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: T.L
Ngày 16/9/1950, hai Trung đoàn 174 và 209 có pháo binh yểm trợ đã nổ súng đánh đồn Đông Khê. Sau 4 giờ quân ta chiếm được cứ điểm Yên Ngựa, Phja Khóa, sau đó lần lượt đánh chiếm đồn Cạm Phầy, Pò Đình, Pò Hẩu, Nhà Phủ Thiện, Nha Cũ. Dựa vào công sự, lô cốt, hầm ngầm kiên cố, có máy bay yểm trợ, quân địch phản kích chiếm lại các vị trí đã mất. Đến chiều 17/9/1950, ta mở đợt tấn công mới quyết liệt và nhanh chóng chiếm được ngoại vi và khu vực trung tâm. Đến ngày 18/9/1950, quân ta làm chủ hoàn toàn đồn Đông Khê. Sau 54 giờ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, thu toàn bộ vũ khí trang bị, đạn dược, lương thực.
Đông Khê thất thủ, hành lang biên giới bị lung lay, phân khu Cao Bằng bị cô lập, phân khu Thất Khê (thuộc xã Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) nằm trên đường số 4 của địch bị uy hiếp, khốn đốn. Để cứu vãn tình thế đó, ngày 30/9/1950, Trung tá Lơ Pagiơ chỉ huy binh đoàn Bay A với 3.000 quân xuất phát từ Thất Khê lên định chiếm lại Đông Khê, hợp quân với phân khu Cao Bằng. Các đơn vị bộ đội của Đại đoàn 308 và Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 209 đã cùng quân, dân địa phương chặn đánh quyết liệt buộc địch phải co cụm về Cốc Xá. Tại phân khu Cao Bằng, Trung tá Sactông biết tin binh đoàn Lơ Pagiơ bị khống chế, không thể lên Nặm Nàng đón chúng như dự định được; theo lệnh cấp trên, Sáctông mở cuộc hành quân “Bão táp” rút nhanh khỏi Cao Bằng vào sáng 3/10/1950. Khi đến Nặm Nàng, chúng phá hủy xe, pháo và chạy vào rừng theo hướng Bản Ca, Quang Liệt để hội quân cùng Lơ Pagiơ tại điểm cao 477.
Ngày 6/10/1950, Bác Hồ gửi thư động viên bộ đội ta quyết tâm tiêu diệt địch, giành thắng lợi và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: phải bắt sống Lơ Pagiơ. Khí thế xung trận mãnh liệt, quân ta tăng cường thêm 3 tiểu đoàn của Đại đoàn 308, 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 209 quyết tâm bao vây, chia cắt tiêu diệt địch. Sáng 7/10/1950, quân ta mở đợt tiến công binh đoàn Lơ Pagiơ ở Cốc Xá và cánh quân Sáctông. Quân địch tan rã hoàn toàn, ta tiêu diệt 677 tên địch, bắt sống 1.386 tên, trong đó có Trung tá Sáctông, tên tỉnh trưởng ngụy Nông Ngọc Tu cùng Trung tá Lơ Pagiơ và bộ tham mưu xin đầu hàng, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và tài liệu quân sự.
Chiến dịch Biên giới bước vào giai đoạn cuối cùng. Ta tiếp tục truy kích địch trên đường số 4. Trước sức mạnh tiến công mạnh mẽ của quân ta, ngày 10/10/1950, quân Pháp ở Thất Khê rút chạy về Lạng Sơn. Đến ngày 15/10/1950 hàng loạt cứ điểm: Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập lần lượt bị tan rã.
Sau 29 ngày đêm chiến đấu quả cảm, oanh liệt, Chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của chúng ở Đông Dương, thu trên 3.000 tấn vũ khí, xe ô tô và các loại quân trang, quân dụng khác.
Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu kiên cường, không quản hy sinh gian khổ, đó là: Tiểu đội trưởng liệt sĩ Lý Viết Mưu (quê ở xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên, nay là Quảng Hòa) dù bị thương nặng, nhưng vẫn dùng khối bộc phá 12 kg phá tung hầm ngầm địch; Tiểu đội phó La Văn Cầu (quê ở xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh), nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương cho đỡ vướng, ôm bộc phá lao lên dập tắt hỏa lực địch; Đại đội trưởng liệt sĩ Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, để quân ta ào ạt xông lên chiếm lĩnh trận địa. Trên 50% dân công hỏa tuyến là phụ nữ trực tiếp ra chiến trường tiếp lương, tải đạn, cáng thương binh. Nhiều chị em đã được Bác Hồ tuyên dương và được Chính phủ tặng Huân chương chiến công hạng Hai như các chị: Triệu Thị Soi, Đinh Thị Đậu, Đinh Thị Bỏng, Đàm Thị Nhay, Đinh Thị Mẩn, Nguyễn Thị Bé, Nông Thị Đuông… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen đồng bào Cao - Bắc - Lạng: “Đồng bào Cao - Bắc - Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến. Tôi chắc rằng đồng bào ba tỉnh sẽ luôn cố gắng thêm để giữ địa vị vẻ vang mà tôi chắc rằng đồng bào các nơi khác sẽ thi đua với đồng bào Cao - Bắc - Lạng”.
Quân và dân Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với lòng mong muốn của Bác. Ngày 3/10/1950 là ngày sạch bóng quân xâm lược thực dân Pháp trên quê hương Cao Bằng, và cũng là ngày Cao Bằng hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng Biên giới có ý nghĩa trọng đại, ta giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất quan trọng suốt dải biên cương dài 750 km, gồm 35 vạn dân, địa bàn căn cứ địa Việt Bắc rộng mở thông thương nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tạo nên thế và lực mới trong cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta; quân Pháp rơi vào thế bị động, lúng túng; quân và dân ta nắm quyền chủ động trên chiến trường. Những bài học quân sự trong chiến dịch Biên giới đã được kế thừa, vận dụng thành công dẫn tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu năm 1954, mang lại niềm tự hào vinh quang cho dân tộc Việt Nam.