Cao điểm của mùa ô nhiễm không khí, thời điểm nào ô nhiễm nhất?

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí ở mức nguy hại cho sức khỏe.

Vì sao Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất nước?

Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Việt Nam trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết. Hằng năm, ô nhiễm không khí tập trung từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm tiếp theo. Dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong ngày, ô nhiễm không khí tập trung từ nửa đêm đến sáng.

Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất nước.

Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất nước.

Ông Nguyễn Minh Tấn - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Hà Nội là một trong hai thành phố lớn nhất của Việt Nam. Với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số nhanh chóng, ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết.

TP Hà Nội hiện có khoảng 1,1 triệu xe ô tô; 6,9 triệu xe máy, 10 Khu công nghiệp; 70 Cụm công nghiệp; 1370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những hoạt động cần được chú ý, kiểm soát trong công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất lượng không khí của thành phố Hà Nội nói riêng.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT (25 µg/m3). Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu (tính trung bình các trạm) chiếm tỉ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (VN_AQI trên 200).

Theo Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn, có tới 29/30 quận/huyện/thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Giữa các quận, huyện, thị xã có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm, trong đó nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì).

Nồng độ bụi PM2.5 trong mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng và điều kiện khí quyển không ổn định, làm hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm. Vào mùa hè, chất lượng không khí thường có xu hướng tốt hơn khi có mưa cuốn trôi ô nhiễm không khí và gió đông nam (từ Biển Đông) là gió chính có khả năng vận chuyển, khuếch tán chất ô nhiễm cao.

Thời điểm nào ô nhiễm lớn nhất?

TP Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông. Theo số liệu năm 2019, tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn, hơn 50% số này đến từ nguồn thải tại chỗ. Trong đó, hoạt động giao thông, bụi đường lớn nhất, chiếm 56%. Thành phố có 1,1 triệu ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.

Kết quả quan trắc từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường nặng nhất vào các khung giờ từ 6-8h và 17-19h chiều, đúng vào giờ đi làm và tan tầm.

Tuy nhiên, tại các khu vực khác nhau, chất lượng không khí cũng có sự khác biệt đáng kể. Các trạm đặt tại Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm thường có kết quả quan trắc thông số bụi cao hơn các khu vực khác. Theo dõi diễn biến chất lượng không khí trong ngày cho thấy, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 thường cao nhất vào buổi đêm vào sáng sớm.

Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân được lý giải do quy luật diễn biến chất lượng không khí hàng năm, tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa đông.

Kết quả phân tích của một số nghiên cứu giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

Ô nhiễm không khí cao nhất thường vào buổi đêm và sáng sớm. Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường tại www.vea.gov.vn hoặc qua ứng dụng VNAir trên điện thoại di động để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động như: hạn chế ra ngoài vào buổi sáng sớm và buổi đêm, đóng các cửa chính, cửa sổ vào những thời điểm ô nhiễm tăng cao và đeo khẩu trang chống bụi đảm bảo tiêu chuẩn khi ra đường...

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cao-diem-cua-mua-o-nhiem-khong-khi-thoi-diem-nao-o-nhiem-nhat-169241123073326741.htm