Cao điểm xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thông, mực nước và nguồn nước còn chịu ảnh hưởng đợt triều cường ở mức cao trong khoảng từ ngày 28-2 đến ngày 5-3. Mực nước cao nhất tại Mỹ Tho từ 1,55 - 1,65 m (cao hơn báo động III 5 cm).

Dòng chảy qua Kratie (Campuchia) sẽ tiếp tục giảm chậm trong tuần tới, ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm ngoài và lớn hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 8%. Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1 - 1 m nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Trạm Chiang Saen (Thái Lan) là cửa ngõ đón nước xả từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc). Từ đầu mùa khô đến nay, đập này có 3 lần xả vào các ngày 17-1, ngày 10 và ngày 19-2. Do đó, mực nước ở Trạm Chiang Saen tăng từ 1,59 lên 2,28 m (ghi nhận vào ngày 24-2) làm cho mực nước ở Viêng Chăn (Lào) tăng lên và duy trì nguồn nước ở trung và thượng lưu sông Mê Kông.

* Phóng viên (PV): Qua những số liệu về nguồn nước và dòng chảy, đồng chí dự báo như thế nào về tình hình xâm nhập mặn sắp tới?

* Đồng chí Võ Văn Thông: Từ những số liệu về nguồn nước, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long và mực nước triều trong thời gian tới, dự báo tình hình xâm nhập mặn trong tháng 3 và trong thời gian tới của mùa khô 2022 như sau:

Từ ngày 26-2 đến ngày 31-3, sông Tiền có 2 đợt xâm nhập tăng cao, đây là thời kỳ cao điểm của xâm nhập mặn trong mùa khô 2022 này. Đợt 1 từ ngày 26-2 đến ngày 5-3 trùng với triều cường đầu tháng 2 âm lịch, biên mặn 1 g/l có khả năng xâm nhập từ 50 - 53 km (cầu Rạch Miễu - Bến đò Bình Đức). Đợt xâm nhập thứ 2 là đợt xâm nhập cao nhất trong năm từ ngày 14 đến ngày 19-3, biên mặn 1 g/1 có khả năng xâm nhập từ 53 - 58 km (Bên đò Bình Đức - Bến phà tạm Rạch Miễu).

Tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn (trong ảnh: Đập thép ngăn mặn trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành trên địa bàn huyện Châu Thành).

Tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn (trong ảnh: Đập thép ngăn mặn trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành trên địa bàn huyện Châu Thành).

Trên nhánh sông Hàm Luông, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với mùa khô 2020 - 2021, biên mặn 4 g/1 lấn sâu từ 50 - 55 km, biên mặn 1 g/l lấn sâu vào nội đồng cách cửa sông 65 - 75 km vào nửa cuối tháng 3-2022.

* PV: Nhận định tình hình khí tượng thủy văn từ tháng 3 đến tháng 8-2022 như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Võ Văn Thông: Dự báo hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina đến hết mùa Xuân 2022 với xác suất khoảng 65% - 75%. Sau đó, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 7-2022 với xác suất khoảng 50% - 60%.

Tháng 3-2022, có tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với TBNN từ 10% - 30%. Từ tháng 4 đến tháng 5-2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10% - 20% so với TBNN. Từ tháng 6 đến tháng 8-2022, tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn từ 10% - 20% so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa năm 2022 trên địa bàn tỉnh có khả năng bắt đầu sớm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, sớm hơn TBNN từ 5 - 7 ngày.

Nhiệt độ trung bình phổ biến từ tháng 3 đến tháng 4-2022 thấp hơn TBNN từ 0 - 0,5oC, nhiệt độ trung bình từ 27 - 28oC. Tháng 5-2022 nhiệt độ trung bình xấp xỉ TBNN với nhiệt độ từ 27,5 - 28,5oC. Từ tháng 6 đến tháng 8-2022, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn từ 0 - 0,5oC so với TBNN với nhiệt độ từ 27 - 28oC.

Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông từ tháng 3 đến tháng 5-2022. Từ tháng 6 đến tháng 8-2022, bão và ATNĐ có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông ít hơn so với TBNN cùng thời kỳ, tập trung vào khoảng từ cuối tháng 7 đến tháng 8-2022. Các cơ quan chức năng và người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc trong giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4 đến tháng 6-2022.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

CAO THẮNG (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202203/giam-doc-dai-khi-tuong-thuy-van-tinh-tien-giang-vo-van-thong-cao-diem-xam-nhap-man-xuat-hien-tu-cuoi-thang-2-den-cuoi-thang-3-945257/