Cao tốc Bắc - Nam dần nối liền một dải

Các tuyến cao tốc đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tai nạn giao thông.

"Trong những năm qua, Bộ GTVT đã đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, kết quả đã hoàn thiện, đưa vào khai thác thêm 730 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên toàn quốc lên gần 1.900 km. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và cũng là bước ngoặt mang tính lịch sử của ngành giao thông” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đầu tư cao tốc những năm vừa qua.

Đồng lòng "chỉ bàn làm, không bàn lùi"

. Phóng viên: Như ông vừa nói, hiện cả nước đã có gần 1.900 km đường bộ cao tốc, vậy những kết quả, thành tựu này của ngành giao thông có được là nhờ đâu?

+ Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trước tiên, chúng ta có một quyết tâm chính trị rất cao. Cụ thể, tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Mục tiêu là đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông và đến năm 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc.

Từ định hướng trên, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, tích cực với Quốc hội trong việc phân bổ vốn, cho chủ trương đầu tư các dự án. Đặc biệt, Bộ GTVT không còn đơn độc trong hành trình xây dựng hệ thống đường cao tốc mà đã nhận được sự “chia lửa” từ nhiều địa phương, bằng việc phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án cao tốc quan trọng.

Tiếp đó là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành để xử lý nhanh, hiệu quả các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các địa phương cũng nâng cao trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện dự án.

Với vai trò chủ đầu tư, đơn vị quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng như hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật. Đến nay, các dự án đã khởi công và triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng như các dự án đường vành đai 4 - Hà Nội, đường vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

. Thế nhưng có những thời điểm chúng ta thấy các dự án dường như thi công cầm chừng?

+ Khó khăn của các dự án là thời điểm khởi công đúng vào lúc bùng phát dịch COVID-19. Khi đó, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các dự án đều gặp nhiều khó khăn trong huy động thiết bị, phương tiện thi công cũng như nhân lực vận hành. Đến năm 2022, thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều nơi cũng phần nào ảnh hưởng tới công tác thi công.

Khi thi công được, các dự án lại không có nguồn đất đắp, nhất là nguồn cát đắp khu vực ĐBSCL. Rồi giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có những thời điểm biến động khá lớn…

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, đặc biệt là sự ra đời kịp thời của Nghị quyết 60/2021 và Nghị quyết 133/2021 cho phép việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án. Cùng với đó là sự vào cuộc đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các khó khăn của dự án từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho nhà thầu bứt tốc thi công.

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng là “chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó”, lãnh đạo ngành GTVT, trực tiếp là bộ trưởng Bộ GTVT thường xuyên đến công trường dự án đôn đốc nhà thầu tăng cường “ba ca, bốn kíp” để thi công…

Có thể nói hàng ngàn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày đêm, vì công việc, vì tình yêu đất nước, yêu nghề đã vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, những nhớ nhung, xa cách người thân và gia đình kể cả trong những ngày lễ, Tết đoàn viên để bám máy, bám công trường thi công không nghỉ.

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, vượt qua những khó khăn, thách thức, các dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ. Đây phải nói là những nỗ lực rất lớn, mang tính lịch sử của toàn ngành nói riêng và cả nước nói chung.

 Các đơn vị tiến hành thảm nhựa mặt cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Các đơn vị tiến hành thảm nhựa mặt cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Kinh tế các tỉnh chuyển biến rõ rệt nhờ đường bộ cao tốc

. Việc hàng loạt tuyến cao tốc trải dài từ Bắc tới Nam được đưa vào khai thác đã mang lại những thuận lợi gì cho phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

+ Thực tế cho thấy các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều có mức tăng trưởng bình quân cao hơn mức bình quân chung cả nước. Các tuyến cao tốc đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội, đóng góp một phần vào tăng trưởng GRDP của các tỉnh nằm trên các tuyến cao tốc, tốc độ tăng trưởng thêm khoảng 1%-2,1%.

Các tuyến đường bộ cao tốc như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ… đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực.

Cụ thể về kinh tế, các dự án làm tăng cường năng lực lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển. Mở rộng thị trường, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị với các khu vực khác; rút ngắn khoảng cách và khắc phục sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền.

Thêm vào đó, cao tốc còn giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia; giúp giảm tai nạn giao thông đường bộ.

Theo số liệu thống kê từ năm 2018 đến 2022, chỉ có 0,74% vụ tai nạn xảy ra trên mạng lưới cao tốc so với con số hơn 42% tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên mạng lưới quốc lộ. Kinh nghiệm về đánh giá kinh tế của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy trong các dự án đầu tư đường cao tốc, lợi ích kinh tế do giảm tỉ lệ tai nạn giao thông sẽ chiếm khoảng 5%-10% tổng lợi ích kinh tế của dự án.

Cũng cần nói thêm, việc lưu thông trên đường cao tốc có chất lượng mặt đường tốt, tốc độ cao và ít tăng giảm tốc độ cũng làm giảm chi phí khai thác phương tiện so với lưu thông trên quốc lộ. Đơn cử, sau khi trừ phí bảo trì đường bộ, xe con chạy trên cao tốc sẽ tiết kiệm được bình quân 2.300 đồng/km so với lưu thông trên quốc lộ.

Như vậy, có thể thấy hiệu quả mà đường bộ cao tốc đem lại rất lớn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho các tỉnh có tuyến đường bộ cao tốc đi qua mà còn thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, các vùng trong phạm vi cả nước.

. Xin cảm ơn ông.•

Năm 2024, khởi công 14 dự án cao tốc

Hiện cả nước đang thi công 37 dự án, dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam và các cao tốc kết nối Đông - Tây, với tổng chiều dài 1.658 km. Trong đó, một số dự án đang gặp khó khăn về cát, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm…

Hiện Bộ GTVT đã tham mưu cho Thủ tướng tiếp tục thúc các bộ, ngành, địa phương phối hợp, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các thủ tục và khai thác được đủ nguồn vật liệu cho dự án, đáp ứng tiến độ. Đồng thời, chính quyền các tỉnh cũng phải đẩy nhanh bàn giao mặt bằng sớm để các nhà thầu thi công.

Tôi hy vọng thời gian tới, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn kỹ thuật, kỹ sư, công nhân và người dân nơi dự án đi qua sẽ cùng vào cuộc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường”, làm việc “ba ca, bốn kíp” xuyên lễ, Tết... để các dự án sớm về đích đúng hẹn.

Trong năm 2024, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành và đưa vào khai thác hai dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo (thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020) với chiều dài 129 km, để nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.

Bộ GTVT cũng sẽ khởi công tiếp ba cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, hỗ trợ các tỉnh hoàn thành thủ tục để khởi công 11 dự án cao tốc do địa phương làm chủ đầu tư.

Cụ thể, các dự án gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Hòa Bình - Mộc Châu và đường vành đai 4 TP.HCM.

Với lộ trình đó, tôi tin trong nhiệm kỳ này chúng ta sẽ hoàn thành vượt mức mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là đến năm 2025, cả nước có gần 3.000 km đường cao tốc. Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta sẽ có trên 5.000 km đường cao tốc. Từ đó giúp giải cơn khát cao tốc, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Thứ trưởng Bộ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ

6 bài học được Thủ tướng đúc rút từ phát triển hạ tầng giao thông

Phát biểu tại lễ khánh thành các dự án cao tốc hôm 24-12 tại Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việc khánh thành cùng lúc bốn công trình giao thông (dự án mở rộng sân bay Điện Biên; dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án cầu Mỹ Thuận 2) với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng là một dấu mốc lịch sử.

Thủ tướng cũng chỉ rõ từ thực tiễn đã chứng minh GTVT nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội.

Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành bốn dự án giao thông quan trọng ở đầu cầu tỉnh Điện Biên, ngày 24-12. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành bốn dự án giao thông quan trọng ở đầu cầu tỉnh Điện Biên, ngày 24-12. Ảnh: VGP

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ ra sáu bài học trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.

Trong đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân. Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, phân bổ nguồn lực phù hợp và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai các dự án.

Các địa phương phải tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại. Khi gặp khó khăn, vướng mắc, thử thách thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Công tác phối hợp giữa các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải chặt chẽ, kịp thời, chủ động, tích cực, hiệu quả. Cạnh đó, phải tranh thủ sự ủng hộ và vào cuộc của nhân dân cho giải phóng mặt bằng để thực hiện kịp thời, nhanh chóng.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khai thác, sử dụng các công trình có hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đồng bộ hóa các hạng mục, các công trình liên quan; rà soát đảm bảo đời sống của người dân đã nhường đất cho các dự án tại nơi ở mới phải tốt hơn, ít nhất là bằng với nơi ở cũ…

“Tinh thần là đổi mới tư duy, cách làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, tất cả vì lợi ích chung” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Giảm chi phí, tăng kết nối vùng miền

Có thể nhận thấy thời gian qua tốc độ đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc rất nhanh. Chỉ tính trong khoảng hơn hai năm trở lại đây, Bộ GTVT và các tỉnh đã khởi công, đưa vào khai thác hàng trăm kilomet đường bộ cao tốc. Việc này giúp người dân di chuyển thuận tiện và an toàn hơn.

Đối với doanh nghiệp vận tải, các tuyến cao tốc sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất phương tiện, có sự lựa chọn về tuyến đường, giảm chi phí vận tải…

Chỉ tính riêng tuyến Hà Nội - Nghệ An, nếu di chuyển trên Quốc lộ 1 mất hơn 5 giờ thì nay chỉ còn 3-3,5 giờ. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định lợi ích mà đường bộ cao tốc mang lại là rất lớn.

Với những kinh nghiệm đã có, tôi hy vọng thời gian tới chúng ta tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc đã được quy hoạch, giúp hình thành mạng lưới cao tốc phủ khắp cả nước, tăng tính kết nối giữa các vùng miền. Cạnh đó, cần có mức thu phí phù hợp nhằm giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế:

Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế

Hiện nay, chúng ta có ba nút thắt quan trọng là hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực và cơ cấu kinh tế.

Ở nhiệm kỳ này chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ưu tiên đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng cơ sở, bởi đây là điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Với quan điểm trên, ngay khi nhậm chức, người đứng đầu Chính phủ đã phân cấp cho các địa phương thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án đường bộ cao tốc, thay vì chỉ Bộ GTVT thực hiện như trước để đẩy nhanh tiến độ và góp phần giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Năm 2023, vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng là mức “khổng lồ”, dù giải ngân chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn đạt cao nhất so với nhiều năm trước.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 như đã đề ra cần chi phí rất lớn. Theo tôi, ngoài ngân sách nhà nước, chúng ta phải khai thác thêm nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia mới mong đạt được mục tiêu này.

Dù vậy, chúng ta cũng cần chú trọng chất lượng, tránh việc cao tốc vừa làm xong đã hỏng như tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhà nước cũng cần kiểm soát chi phí đầu tư để có mức thu phí phù hợp.

Ông PHẠM THIỆN NGHĨA, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:

Vui vì lần đầu có cao tốc đi qua

Trước đây, địa phương còn yếu kém về hạ tầng giao thông nhưng nhờ sự quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT mà các điểm yếu này dần được cải thiện và có chuyển biến tích cực.

Chúng tôi rất vui mừng khi lần đầu có cao tốc đi qua tỉnh với tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 10 km vừa được khánh thành. Ngoài ra, tuyến Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 dài 17 km đã khởi công trong tháng 6, tuyến Cao Lãnh - Mỹ An dài 28 km cũng dự kiến được khởi công trong năm 2024.

Về cung ứng nguyên liệu cát cho cao tốc, Đồng Tháp luôn thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện tỉnh đã cung cấp xong cát cho tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Với chỉ tiêu 7 triệu m3 cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT, đặc biệt là Ban Mỹ Thuận đã giới thiệu bảy mỏ cát với sản lượng trên 7 triệu m3 cho bảy nhà thầu. Đến nay đã có năm nhà thầu đi vào khai thác với sản lượng khoảng 1,3 triệu m3.

Tỉnh cũng cân đối trữ lượng cho các tuyến cao tốc trên địa bàn như Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Mỹ An với khoảng 6,5 triệu m3.

Đồng Tháp đã có đánh giá trữ lượng từng mỏ để giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Quốc hội. Tuy vậy, lượng cát của ĐBSCL còn rất hạn chế, do đó tôi đề nghị Bộ GTVT sớm có chỉ đạo thay thế bằng cát biển.

VIẾT LONG ghi

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cao-toc-bac-nam-dan-noi-lien-mot-dai-post769635.html