Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Tháo gỡ cơ chế để tư nhân cùng tham gia

Nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, song nhiều ý kiến cho rằng, đáng tiếc khi không huy động được sự tham gia của tư nhân.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: “Chúng ta đã có Luật PPP rồi mà không thực hiện được, quay sang đầu tư công toàn bộ thì rất tiếc”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: “Chúng ta đã có Luật PPP rồi mà không thực hiện được, quay sang đầu tư công toàn bộ thì rất tiếc”.

Cần 146.990 tỷ đồng cho 729 km

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Chính phủ đề xuất phạm vi đầu tư Dự án trên gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Chính phủ cũng kiến nghị phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (tương tự quy mô giai đoạn phân kỳ phần lớn các dự án giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 52/2017/QH14).

Theo tính toán, quy mô giai đoạn phân kỳ đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khẳng định.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Ông Lâm cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai, nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (khoảng 18,6% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho Dự án và Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật, Chính phủ sẽ xem xét trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó.

“Tinh thần là ưu tiên cho địa phương, nhưng trường hợp địa phương không xung phong thì Bộ GTVT sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư”, ông Thể nói.

Tháo gỡ cơ chế để dân cùng tham gia

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và nhiều ý kiến khác đều tán thành sự cần thiết phải đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, về hình thức đầu tư, về nguồn vốn vẫn còn khá nhiều băn khoăn.

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp vào cuối tuần này, Dự án trên dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây.

Lý do để chọn hình thức đầu tư công cả 12 dự án là do các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá các dự án đầu tư đường bộ cao tốc theo phương thức PPP vẫn là lĩnh vực không hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối vốn.

Chính vì vậy, các dự án PPP đường bộ cao tốc mặc dù bảo đảm hiệu quả tài chính theo quy định, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ triển khai thành công do phụ thuộc vào thị trường, khả năng thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng huy động tài chính từ các tổ chức tín dụng.

“Chúng ta đã có Luật PPP rồi mà không thực hiện được, quay sang đầu tư công toàn bộ thì rất tiếc”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc đảm bảo yêu cầu chất lượng của công trình giao thông quan trọng, tránh tình trạng chất lượng xấu do chủ quan, để lại dư luận xấu. Công trình cấp quốc gia phải đảm bảo quản lý thống nhất và Bộ phải chịu trách nhiệm cuối cùng, từ bảo hành, bảo dưỡng, an ninh quốc phòng...

Cũng liên quan đến hình thức đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, công trình nào dân và doanh nghiệp thấy khó quá thì Nhà nước bỏ tiền ra làm, như thế thì đúng trách nhiệm, nhưng thất bại là đã không huy động được sức dân.

Ông Lộc cũng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, đó là thay vì bỏ vốn thì Nhà nước lập quỹ đầu tư kết cấu hạ tầng hoặc quỹ hỗ trợ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho tư nhân với lãi suất thấp.

“Bối cảnh này cũng có thể có cơ chế đặc thù, đâu phải có một con đường duy nhất là Nhà nước làm toàn bộ”, ông Lộc phát biểu.

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, cần tính đến cơ chế đột phá kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp mà không quá phụ thuộc vào ngân hàng.

Phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng muốn phát hành trái phiếu để hình thành quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng để các nhà đầu tư trúng thầu vay, nhưng đến nay chưa làm được.

Liên quan đến nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, nếu cơ quan có thẩm quyền chấp nhận gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thì mới triển khai được dự án này, còn nếu không thì không có nguồn.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cao-toc-bac---nam-phia-dong-thao-go-co-che-de-tu-nhan-cung-tham-gia-d156901.html