Cao tốc nối Thanh Hóa, Nghệ An chính thức lưu thông
Từ 1/9, các phương tiện lưu thông theo hướng Bắc - Nam đã được lưu thông vào đoạn tuyến cao tốc mới QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.
Sáng 1/9, các phương tiện từ Hà Nội về hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trên cao tốc Bắc - Nam chính thức đưa vào vận hành, rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Riêng từ Hà Nội về Nghệ An chỉ còn 3 tiếng đồng hồ thay vì 4 tiếng trước đây.
Ghi nhận của PV, tại nút giao Đông Xuân, thuộc tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 (đoạn tiếp giáp với cao tốc QL45 - Nghi Sơn), đúng 7h ngày 1/9, sau khi tháo dỡ rào chắn, các phương tiện được chính thức lưu thông theo hướng Thanh Hóa - Nghệ An.
Trước đó, do có sự cố nên đơn vị quản lý dự án đã buộc phải dựng rào chắn ở nút giao Đông Xuân để xử lý (khoảng 30 phút). Thời điểm này, hàng trăm phương tiện đã phải dừng lại để chờ được thông xe.
Việc đưa vào khai thác tạm thời một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 nhằm kịp thời phục vụ người dân lưu thông trong cao điểm dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Theo đó, từ ngày 1/9, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa vào khai thác tạm thời đối với phân đoạn từ nút giao Đông Xuân đến cuối tuyến (dài 9,7km) của dự án đoạn Mai Sơn - QL45, dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn và dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.
Ba dự án thành phần được thông xe góp phần tạo trục cao tốc xuyên suốt từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An với tổng chiều dài 251km.
Nhằm tạo thuận lợi, an toàn tuyệt đối cho người dân lưu thông trên các tuyến cao tốc mới thông xe, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo Cục Đường bộ VN phê duyệt phương án tổ chức giao thông kể từ ngày 1/9.
Cụ thể, đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô con, ô tô khách, ô tô tải từ 10 tấn trở xuống. Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc gồm: Xe tải trên 10 tấn, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ từ 70km/h trở xuống, xe thô sơ, người đi bộ.
Trong thời gian các dự án được đưa vào khai thác tạm, Bộ GTVT đề nghị các địa phương phối hợp với chủ đầu tư, các lực lượng chức năng kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các trường hợp phương tiện thô sơ di chuyển trên cao tốc, đối diện nguy cơ mất an toàn.
Bộ cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện, sớm đưa vào khai thác các hạng mục còn lại như đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước, đảm bảo thuận lợi trong quá trình khai thác đồng bộ dự án.
Mời độc giả xem thêm video 11.100 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: