Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Gia hạn thời gian cải tạo đất nông nghiệp

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chấp thuận việc gia hạn thời gian thực hiện đối với 4 dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp nhằm phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Trước đó, ngày 24/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc vật liệu san lấp dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai cho phép tiếp tục giải quyết việc cung cấp vật liệu san lấp, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cho thêm thời gian gia hạn để tháo gỡ nguồn đất đắp.

Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cho thêm thời gian gia hạn để tháo gỡ nguồn đất đắp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng như kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, ngày 12/4, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3432/UBND-KTN về việc chấp thuận gia hạn thời gian cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp chỉ để phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi ký.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho gia hạn lấy đất đắp đến 30/04/2023 đối với bốn dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp, chỉ để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác (liên danh Vinaconex - Trung Chính, Công ty cổ phần 66 Gia Khang, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thời Việt, Công ty cổ phần Xây lắp và Dịch vụ thương mại Sài Gòn) có trách nhiệm thực hiện nghiêm theo phương án cải tạo đất nông nghiệp chỉ để phục vụ thi công đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được cấp có thẩm quyền cho phép và các cam kết bảo vệ môi trường.

Đồng thời, rà soát, xác định khối lượng thu hồi còn lại, khối lượng đất mặt đã thực hiện thu gom phục vụ hoàn thổ sau khi ngưng thu hồi vật liệu san lấp. Trong đó, lưu ý xác định rõ khối lượng còn lại cung cấp thi công đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu sau khi hoàn thành việc lấy đất đắp, các doanh nghiệp phải đo vẽ bản đồ hiện trạng sau khi hoàn thổ lớp đất mặt, cải tạo đất tăng độ phì và phân tích mẫu đất đảm bảo chất lượng để thực hiện hoàn thổ, cải tạo đất, trồng cây theo phương án được duyệt.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ môi trường và an toàn giao thông mà xe vận chuyển vật liệu đi qua để phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

 Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm tiến độ do thiếu vật liệu đắp

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chậm tiến độ do thiếu vật liệu đắp

Năm 2022, để phục vụ thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho các đơn vị liên quan thực hiện 4 dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp (cải tạo đất nông nghiệp) tại các vị trí trên địa bàn H.Cẩm Mỹ và H.Xuân Lộc. Các dự án này có thời hạn khai thác đến hết ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, thời điểm các dự án cải tạo đất nông nghiệp hết thời hạn khai thác, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn còn cần khoảng 620 ngàn m3 đất đắp để hoàn thiện các hạng mục đường song hành, đường gom dân sinh và đường dẫn các đầu cầu vượt trên tuyến. Đây là điểm nghẽn khiến cho tiến độ dự án bị ảnh hưởng trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ngành chức năng Đồng Nai đã nỗ lực trong việc giải quyết nguồn đất đắp phục vụ dự án. Tỉnh gia hạn thời gian cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp đáp ứng mong mỏi của các đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, thời gian gia hạn 18 ngày là quá ngắn. Các nhà thầu không thể khai thác đủ đất phục vụ dự án trong khoảng thời gian này. Ban điều hành dự án sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cho thêm thời gian gia hạn để tháo gỡ nguồn đất đắp.

“Trước đây, việc vận chuyển đất dễ dàng nên các nhà thầu có thể huy động nhiều máy móc, phương tiện đồng loạt khai thác đất. Hiện nay, tuyến chính cơ bản đã xong nên xe chở đất phải hạn chế lưu thông. Vì vậy, các xe này phải di chuyển theo các đường dân sinh, xen lẫn khu dân cư tập trung nên khó đáp ứng yêu cầu về tải trọng, tốc độ”, đại diện liên danh gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết.

Yến Thanh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cao-toc-phan-thiet-dau-giay-gia-han-thoi-gian-cai-tao-dat-nong-nghiep-76800.html