Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và Biên Hòa -Vũng Tàu: Thúc đẩy phát triển vùng sau sáp nhập

Hai dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) nếu sớm thông qua chủ trương đầu tư sẽ phát huy hiệu quả liên kết vùng, logistics.

Hiện thức hóa chiến lược phát triển vùng sau sáp nhập

Góp ý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đại biểu Nguyễn Thị Yến -Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự án rất cần thiết nhằm thực hiện đồng bộ các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược. Đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.

Tuyến cao tốc sẽ hình thành trục kết nối hiệu quả giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, khai thác tối đa lợi thế cảng biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đồng thời, đây cũng là tuyến kết nối hai trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh Gia Lai trong tương lai sau khi sáp nhập với Bình Định, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn sau này” - bà Yến nhấn mạnh.

Theo đại biểu, việc Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án sẽ góp phần hiện thực hóa các chiến lược phát triển vùng, tạo dư địa mới cho tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất thông suốt trong tổ chức thực hiện giữa Trung ương và địa phương.

Đối với dự thảo Nghị quyết chủ trương Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, dự án không chỉ là một công trình hạ tầng giao thông quan trọng mà còn là động lực chiến lược để phát triển vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt trong kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Việc Quốc hội cho chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư là cần thiết nhằm kịp thời cập nhật các yếu tố phát sinh trong thực tiễn triển khai, nhất là chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và các hạng mục kỹ thuật phát sinh cần thiết khác. Qua đó, bảo đảm hiệu quả đầu tư tính đồng bộ, ổn định và an toàn trong quá trình khai thác công trình.

Thông tin về tổng mức đầu tư điều chỉnh tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 59/2022/QH15, đại biểu cho biết, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 7.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng là kết quả của quá trình triển khai sát thực tế, bảo đảm phản ánh đầy đủ các yếu tố phát sinh hợp lý trong điều kiện thi công hiện nay.

Theo đại biểu, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư được cập nhật trên cơ sở kết quả kiểm đếm, áp giá cụ thể và điều chỉnh đơn giá theo biến động thực tế của từng địa phương. Việc chuẩn hóa này thể hiện tính kịp thời trong quản lý đầu tư công.

Cần sớm xác định tổng mức đầu tư để tránh điều chỉnh kéo dài

Góp ý vào 2 dự án trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương cho biết: Hiện, Quốc hội đang cho ý kiến sửa đổi bổ sung một số điều gắn liền với Nghị quyết của 2 dự án trên, đó là dự án 1 luật sửa 7 luật, trong đó, có dự án Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát các quy định tại dự thảo 2 Nghị quyết trên để đồng bộ, phù hợp với quy định trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ lưỡng năng lực thực tế của các nhà thầu hiện nay để bảo đảm họ đủ khả năng thi công hiệu quả các dự án lớn đang được triển khai đồng loạt.

Ông cảnh báo, nếu không kiểm soát tốt, tình trạng các nhà thầu, đơn vị tư vấn phải chia sức cho quá nhiều công trình cùng lúc sẽ khiến tiến độ bị kéo dài và chất lượng thi công không được đảm bảo. Vì vậy, việc đánh giá toàn diện năng lực nhà thầu là rất cần thiết.

Đồng tình với ý trên, đại biểu Trần Quốc Nam - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Tổ trưởng Tổ 3 cho rằng, hiện quá nhiều dự án đầu tư cùng một thời điểm là điều mà đại biểu lo lắng về năng lực tư vấn, tổ chức triển khai thực hiện, thi công ...

Đại biểu Trần Quốc Nam - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Tổ trưởng Tổ 3 phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ vào chiều 21/5. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu Trần Quốc Nam - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Tổ trưởng Tổ 3 phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ vào chiều 21/5. Ảnh: Thu Hường

"Làm nhanh quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đặc biệt là công trình đường cao tốc. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, kỹ thuật phức tạp, không phải đơn vị thi công hay tư vấn nào cũng làm được" - Đại biểu Trần Quốc Nam băn khoăn.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước đề xuất của nhiều địa phương mong muốn được giao làm “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, tức là được trực tiếp, trọn gói triển khai dự án. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là năng lực thực hiện của các địa phương đến đâu, trong khi thực tế cho thấy, nhiều ban quản lý dự án cấp tỉnh vẫn còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu dồn toàn bộ về Bộ Xây dựng, lại lo ngại quá tải.

Đại biểu đề nghị cần có sự cân đối hợp lý giữa Trung ương và địa phương, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm phù hợp với năng lực từng bên.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cao-toc-quy-nhon-pleiku-va-bien-hoa-vung-tau-thuc-day-phat-trien-vung-sau-sap-nhap-388667.html