Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng mức thu phí xe từ ngày 5/5
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết từ ngày 5/5, mức phí sử dụng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ được điều chỉnh tăng 7% nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư...

Ảnh minh họa - Nguồn: VETC.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 0h ngày 5/5 tới đây. Quyết định này được VEC đưa ra, sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền về việc doanh nghiệp này thực hiện tăng phí theo lộ trình.
Theo đó, mức phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng từ 2.100 đồng/PCU (đơn vị quy đổi theo xe con)/km lên 2.240 đồng/PCU/km, tương ứng với mức tăng 7% (đã bao gồm thuế VAT).
Giai đoạn từ nay đến ngày 30/6/2025, mức thuế giá trị gia tăng là 8% căn cứ Nghị định số 180/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội.
Giai đoạn sau ngày 30/6/2025 hoặc thời điểm cấp có thẩm quyền kết thúc chính sách giảm thuế giá trị gia tăng thì mức thuế giá trị gia tăng là 10%.
Với mức tăng phí 7% và bao gồm 8% thuế VAT, từ ngày 5/5 xe dưới 12 chỗ, dưới 2 tấn và xe buýt công cộng đi suốt tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ có mức phí 112.126 đồng.
Đối với các loại xe khác cụ thể: Xe từ 12 đến 30 chỗ, xe tải đến 4 tấn chịu mức phí 168.188 đồng; Xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn chịu mức phí 224.093 đồng; Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở container dưới 40 feet có mức phí 215.116 đồng; Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở container từ 40 feet trở lên chịu mức phí 448.948 đồng.

Biểu phí các loại xe đi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ ngày 5/5/2025 - Nguồn: VEC.
Trước đó, VEC cho biết các dự án đầu tư đường cao tốc của công ty, trong đó có dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được Bộ Giao thông vận tải (cũ) phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc tại Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2021. Trong đó, quy định về mức thu, lộ trình tăng giá 3 năm/lần và tỷ lệ tăng 12%/lần để đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án, đảm bảo khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư.
Vào cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải chỉ chấp thuận cho VEC tăng phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thêm 5% do quy định mức giá tối đa theo Thông tư 28/2021. Tuy nhiên, ngày 13/11/2024, Bộ đã ban hành Thông tư 32, bãi bỏ Thông tư 28 và quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng đường bộ với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật Giá 2023 không quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc. Do đó, việc tăng phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thực hiện lộ trình điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ (thường được gọi là phí) theo quy định nêu trên, nhằm đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh và dòng tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính của VEC.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 722/QĐ-TTg ngày 6/4/2025 về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (Dự án).
Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Chủ tịch Hội đồng; Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Xây dựng; Quốc phòng; Công an; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Định và Gia Lai.
Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước. Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định, trong đó khẳng định rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Chi phí thẩm định của Hội đồng thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP.