Cấp bách hoàn thiện pháp luật về trẻ em và người chưa thành niên

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước về Quyền Trẻ em, tuy nhiên Việt Nam lại là một trong 2 quốc gia tại ASEAN chưa có Luật Tư pháp người chưa thành niên - Đó là trăn trở của ông Nguyễn Hòa Bình (khi đó là Chánh án TAND tối cao) tại buổi thảo luận tổ ngày 8-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cũng tại thời điểm đó, Báo SGGP đã có 2 bài viết với chủ đề “Băn khoăn xử lý người chưa thành niên phạm tội”, qua đó phản ánh thực trạng không có sự phân biệt giữa việc giải quyết những vụ án do người chưa thành niên thực hiện với những vụ án do người thành niên thực hiện.

Tại TPHCM, quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên và tỷ lệ áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế như tạm giữ, tạm giam với người chưa thành niên còn cao.

Từ thực tế trên, việc xây dựng và ban hành dự án Luật Tư pháp cho người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Không chỉ hình phạt đối với người chưa thành niên mà cả với người trưởng thành, pháp luật Việt Nam đặt mục tiêu nhân đạo hóa chính sách về trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nghị quyết 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có luật hình sự theo mục tiêu đảm bảo dân chủ, công bằng, nhân đạo.

Chủ trương của việc giảm hình phạt tù và tăng cường hiệu quả của các hình phạt cộng đồng cần một giải pháp đồng bộ xuyên suốt cho toàn bộ các giai đoạn tố tụng và thi hành án. Các hình phạt chuyển hướng, các hình phạt cộng đồng… đặt trọng tâm của việc giáo dục, cải tạo người phạm tội dựa trên sự hỗ trợ từ cộng đồng, nhằm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người phạm tội và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong tư pháp hình sự.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 này là một giải pháp cụ thể để hoàn thiện chính sách về trách nhiệm hình sự, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”.

Qua đó sớm ban hành luật và các văn bản hướng dẫn để việc thực hiện hoạt động tố tụng liên quan đến người chưa thành niên được thống nhất, góp phần phòng ngừa tội phạm hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của Việt Nam và hội nhập quốc tế.

THÀNH TRỌNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cap-bach-hoan-thien-phap-luat-ve-tre-em-va-nguoi-chua-thanh-nien-post764844.html