Cấp bách xử lý sự cố trên các tuyến đê

Từ cuối tháng 6, cống xả Cẩm Bào dưới đê tả Cầu (Hiệp Hòa) bị sụt, lún; cánh cống Bún trên đê hữu Thương (TP Bắc Giang) cũng gặp sự cố mất an toàn. Với tinh thần khẩn trương, cấp bách, nỗ lực cao nhất, các doanh nghiệp, địa phương triển khai nhiều giải pháp khắc phục sự cố, bảo vệ an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão.

Nhiều vị trí sụt, lún nguy hiểm

Bắc Giang có gần 400 km đê; 162 cống qua đê phục vụ hoạt động tưới, tiêu thoát nước. Những năm qua, các công trình đê điều thường xuyên được tỉnh quan tâm cải tạo, nâng cấp song do quá trình vận hành lâu dài, lại chịu tác động trực tiếp của môi trường và nhiều yếu tố bất lợi khác nên một số hạng mục đã xuống cấp.

 Hiện trạng sạt lở khu vực cống xả Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm.

Hiện trạng sạt lở khu vực cống xả Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm.

Cống xả Cẩm Bào tại Km20+300 dưới đê tả Cầu thuộc thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) xây dựng từ năm 1970. Qua hơn 50 năm vận hành, gần đây xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, sụt, lún. Quan sát trên kênh dẫn nước từ cống ra phía bờ sông thấy gạch lát mái bị xô nghiêng. Trên bờ xuất hiện vết nứt mới chạy dài ăn sâu xuống kênh. Đây là dấu hiệu nền đất rất yếu, nguy cơ tiếp tục sạt lở đe dọa an toàn đê cũng như các công trình nhà ở của người dân.

Bà Ngô Thị Thìn, 73 tuổi, người dân địa phương cho biết: “Xung quanh khu vực này có nhiều hộ dân xây nhà kiên cố sinh sống hàng chục năm. Gần đây, nước sông dâng cao hơn thường lệ, vì vậy chúng tôi nơm nớp lo sợ, nhiều lần làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm khắc phục”. Hiện UBND xã Xuân Cẩm đã phối hợp với Trạm bơm Cẩm Bào tổ chức cắm biển cảnh báo, giăng dây làm rào chắn khu vực nguy hiểm.

 Vết nứt dài mới xuất hiện trên cống xả Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa).

Vết nứt dài mới xuất hiện trên cống xả Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa).

Cống Bún nằm trên đê hữu Thương được xây dựng từ năm 1908. Hơn 100 năm qua, cống có nhiệm vụ chống lũ sông Thương, tiêu thoát nước cho 9 xã, phường của TP Bắc Giang và địa bàn các khu công nghiệp thuộc thị xã Việt Yên, diện tích khoảng 5,5 nghìn ha. Với chức năng, nhiệm vụ quan trọng như vậy, chỉ một sự cố nhỏ không được khắc phục kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân và tuyến đê. Ông Trần Văn Hiệu, Trạm trưởng Trạm bơm Cống Bún thông tin, thời gian gần đây trên địa bàn TP mưa nhiều, Trạm thường xuyên phải bơm tiêu với lưu lượng lớn, các cánh cống hoạt động liên tục dẫn đến gãy goong tại cửa số 2. Cống gặp sự cố đúng thời điểm mùa mưa bão diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngay khi phát hiện sự cố, đơn vị đã báo cáo cấp trên để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Giữ an toàn các công trình

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, các vị trí sạt lở, sụt lún, hư hại đều thuộc công trình trọng yếu của hệ thống thủy lợi, đê điều, "cửa ngõ" tiếp giáp với các con sông lớn, phục vụ tưới, tiêu thoát nước. Vì vậy, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp, ban hành lệnh cấp bách xây dựng công trình xử lý sự cố sạt lở cống xả qua đê tả Cầu và gãy goong cánh cống Bún với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng từ Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh. Các công trình trên giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương làm chủ đầu tư.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP có đê quan tâm bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa công trình thuộc địa bàn quản lý. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Nguyễn Xuân Triển, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Với tính chất cấp bách xử lý sự cố đê điều, đơn vị đã phân công lãnh đạo, cán bộ giàu kinh nghiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đối với cống xả Cẩm Bào, cùng lúc Công ty triển khai song hành nhiệm vụ thuê đơn vị chuyên môn thiết kế dự án; chuẩn bị các bước tổ chức đấu thầu thi công các hạng mục tháo dỡ, xây dựng lại bể tiêu năng, dốc nước, lát mái bể...

Dự kiến đầu tháng 8 sẽ thi công. Đối với cống Bún, đến nay đơn vị thi công đã thuê cần cẩu, thợ lặn lành nghề trục vớt cánh cống, làm mới goong cửa số 2; các phần việc khác như: Sửa chữa cầu, tường cánh, nạo vét bùn, đất, đá… sẽ xong trước ngày 30/8 năm nay”. Nhờ khẩn trương khắc phục sự cố gãy goong cánh cống nên những ngày qua, khi hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn trên diện rộng song toàn bộ lưu vực trạm bơm phụ trách đã được tiêu thoát nước kịp thời, không xảy ra ngập úng kéo dài.

Hiện nay, công tác quản lý đê điều còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư chưa đáp ứng đủ nhu cầu, lực lượng quản lý đê chuyên trách khá mỏng (tổng biên chế được giao là 39, hiện có 34 cán bộ) trong khi địa bàn quản lý rộng. Hạt Quản lý đê Hiệp Hòa phụ trách quản lý gần 40 km đê tả Cầu nhưng chỉ có 3 cán bộ chuyên trách.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân theo Luật Đê điều. Lực lượng này do cấp xã quản lý, không thuộc biên chế nhà nước, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chuyên trách thường xuyên kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, tham gia xử lý sự cố đê điều; được hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ và hưởng thù lao theo quy định, có quyền lập biên bản và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão. Dự báo của cơ quan chuyên môn, các tháng cuối năm 2024, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động làm gia tăng loại hình thời tiết cực đoan như mưa, bão, lũ, ngập lụt. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện, thị xã, TP có đê quan tâm bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa công trình thuộc địa bàn quản lý. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cap-bach-xu-ly-su-co-tren-cac-tuyen-de-102330.bbg