Cặp bài trùng Macron-Merz và sự trở lại của liên minh Pháp-Đức
Cặp bài trùng Merzcron giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Friedrick Merz là chỉ dấu cho sự trở lại của liên minh quan trọng nhất Liên minh châu Âu (EU).
Những cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo của Pháp và Đức từ lâu đã đại diện cho tinh thần đoàn kết và hội nhập chặt chẽ của châu Âu, theo đài CNN.
Thế nên, cái bắt tay nồng nhiệt giữa Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Điện Elysee vào tháng 5 không chỉ là biểu tượng, mà là chỉ dấu cho sự trở lại của liên minh quan trọng nhất châu Âu. Giới quan sát gọi liên minh này với một tên gọi mới: Merzcron.
Liên minh Merzcron
Kể từ khi ông Merz nhậm chức thủ tướng Đức vào tháng 5, ông và Tổng thống Macron đã có nhiều buổi gặp mặt và làm việc, đặc biệt tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 25-6 và Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 26-6.
Trong hai buổi hội nghị này, lãnh đạo Pháp và Đức đã cho thấy sự đồng lòng mạnh mẽ qua một chương trình nghị sự thống nhất: thúc đẩy phản ứng của EU về an ninh, Ukraine, và những biến động mới trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như định hình vai trò của châu Âu trên trường quốc tế.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz (trái) bắt tay với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Điện Elysee (Paris, Pháp) vào tháng 5. Ảnh: Hannibal Hanschke/EPA
Trước thềm Thượng đỉnh NATO, ông Macron và ông Merz cũng đã trình bày rõ hơn về tầm nhìn của họ trong một bài bình luận chung trên tờ Financial Times.
“Trong thời điểm thử thách, Pháp và Đức, cùng với những người bạn và đồng minh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương của chúng tôi, sẽ mãi đoàn kết và mạnh mẽ để bảo vệ các giá trị chung cũng như quyền tự do và an ninh của công dân chúng ta” - theo bình luận của ông Macron và ông Merz.
Hai nhà lãnh đạo đã vạch ra kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng mới với mục tiêu dành 3,5% GDP cho chi tiêu quốc phòng, cũng như các phương án thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa NATO và EU, kêu gọi một châu Âu mạnh mẽ hơn, có chủ quyền hơn, không còn phụ thuộc vào những nước khác về an ninh.
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cũng đã cam kết đảm bảo Ukraine sẽ trở nên “thịnh vượng, mạnh mẽ và an toàn”, đồng thời cảnh báo rằng sự ổn định của châu Âu trong nhiều thập niên tới đang bị đe dọa.
Những điều này đều là chỉ dấu cho một liên minh hùng mạnh giữa Pháp-Đức, với cái tên “Merzcron” đang dần có sức ảnh hưởng ngang với liên minh “Mercron” giữa ông Macron với cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, hay “Merkozy” giữa bà Merkel và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Mặt khác, sự thiếu vắng tên gọi chung giữa Tổng thống Macron và cựu Thủ tướng Đức Olaf Scholz phần nào cho thấy quan hệ tương đối căng thẳng giữa Pháp và Đức dưới thời của ông Scholz. Điều này một phần vì những mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền liên minh của ông Scholz đã phân tán phần nhiều sự chú ý của ông khỏi châu Âu. Giám đốc Viện Pháp-Đức (Đức) - ông Stefan Seidendorf nhận định với đài CNN rằng giữa ông Macron và ông Scholz vốn đã khó hòa hợp với nhau.
Trong khi đó, theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Đức - ông Wolfgang Ischinger, Tổng thống Macron và Thủ tướng Merz “gặp nhau khá dễ dàng” và nhanh chóng “thích ứng với nhau”.
“Họ thích tương tác. Họ thích những câu hỏi khó. Hai người này có cách hiểu nhau và cởi mở” - ông Ischinger nhận xét, đồng thời cho rằng liên minh Merzcron là điều kiện tiên quyết để đưa châu Âu vào guồng, cũng như thúc đẩy lục địa này tiến lên phía trước.
“Châu Âu chỉ tiến lên khi Pháp và Đức có chung một tiếng nói và tiến cùng một hướng. Chỉ khi đó, cỗ máy châu Âu mới có thể hoạt động bình thường” - cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande cho hay.
Đoàn kết tuyệt đối
Theo ông Ischinger, chuyến công du tháng 5-2025 của Tổng thống Macron, Thủ tướng Merz, cùng Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đến Ukraine là “biểu tượng cho một loại tập hợp mới đầy kiên quyết hơn giữa các cường quốc châu Âu để thúc đẩy tiến triển mới [tại Ukraine]".
Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nhận định rằng một trong số biểu hiện rõ ràng nhất của cặp bài trùng “Merzcron” là việc ủng hộ Ukraine.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào năm 2022, Pháp đã cho thấy lập trường cứng rắn hơn Đức về việc ủng hộ Ukraine. Tổng thống Macron đã ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng triển khai bộ binh tại Ukraine, cũng như cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Pháp để tấn công lãnh thổ Nga.
Thủ tướng Merz cũng cho thấy lập trường cứng rắn hơn những người tiền nhiệm. Sau khi nhậm chức, ông đã mời Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đến Berlin, công bố gói viện trợ mới trị giá 5 tỉ USD cho Ukraine, trong đó bao gồm hợp tác chung trong việc phát triển tên lửa tầm xa có khả năng bắn sâu vào Nga.

(từ trái sang) Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Đức Friedrich Merz điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 16-5. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE
Sự trở lại của Tổng thống Trump cũng đã buộc các cường quốc châu Âu thúc đẩy những liên kết mới, đặc biệt về vấn đề an ninh của châu Âu.
Cựu Tổng thống Pháp Hollande cho biết việc chính quyề ôngn Trump muốn châu Âu cần phải làm nhiều hơn để tự bảo vệ đã “buộc Pháp và Đức phải hợp tác về mặt ngoại giao và quân sự, dù liên kết chính giữa hai nước này là về các vấn đề tiền tệ".
“Kể từ hôm nay, một trách nhiệm chung đã được hình thành. Đức phải làm nhiều hơn cho quốc phòng của mình và Pháp phải sẵn sàng chia sẻ một số đề xuất và sáng kiến với Đức, bao gồm cả về quốc phòng” - ông Hollande nhấn mạnh.
Thủ tướng Merz ngay từ trước khi nhậm chức đã thúc đẩy việc cải cách hệ thống phanh nợ theo hiến pháp Đức, mở khóa hơn nửa nghìn tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng, cũng như cam kết thành lập một quân đội lớn nhất châu Âu.
Theo ông Hollande, động thái tái vũ trang của Đức trước đây có thể khiến Pháp khó chấp nhận được, nhưng hiện nay không ai ở Pháp sợ điều đó, thậm chí còn hoan nghênh những hành động này của Đức.
Cặp bài trùng Merzcron dường như cũng có cách tiếp cận thống nhất với Tổng thống Trump, khi đều có những buổi họp đầy tích cực và nồng nhiệt với nhà lãnh đạo Mỹ tại Phòng Bầu dục mà không xảy ra mâu thuẫn, bất đồng.
Trọng tâm mới của châu Âu
Ngoài liên minh “Marzcron”, Pháp và Đức cũng đang cố gắng khôi phục liên minh “tam giác Weimar” từ những năm 1991 để đưa Ba Lan tiến sâu hơn vào cấu trúc của EU do hai nước này dẫn đầu.
Cựu Thứ trưởng Ischinger cho biết sức nặng tương đối của EU đang chuyển dịch về Đông Âu vì xung đột Nga-Ukraine và Ba Lan cần phải trở thành đồng minh quan trọng nhất của Pháp và Đức.
“Sự hòa hợp (giữa Pháp và Đức) là chìa khóa, nhưng vẫn chưa đủ. Nhưng ngày nay, gần một nửa số thành viên nằm ở phía đông nước Đức” - ông Ischinger chia sẻ, cho biết thêm rằng việc trao cho Ba Lan nhiều tiếng nói hơn sẽ là cách tốt nhất để đưa lục địa già này sát lại gần nhau hơn.