Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng nằm trên địa bàn phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) có lịch sử trên 700 năm, bao gồm chùa Đại Hùng và đền thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các bậc Vua Hùng. Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng được xây dựng trên mái một ngọn núi trong 99 ngọn Núi Hồng thuộc dãy Hồng Lĩnh huyền thoại. Khu di tích Đại Hùng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008. Chùa Đại Hùng nằm trong Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng được dựng trên mái núi ở độ cao khoảng trên 100m so với mực nước biển.
Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng bao gồm: Khu kinh đô Ngàn Hống, khu vực chùa Thượng, chùa Hạ cùng với các hạng mục phụ trợ khác. Đây là di tích duy nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có phối thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Với giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, Di tích Đại Hùng được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008.
Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm nay có phần Lễ và phần hội được tổ chức từ ngày 16 - 18/4/2024 (tức ngày 8/3 đến ngày 10/3 âm lịch) với quy mô cấp tỉnh.
Cứ theo thông lệ, hàng năm vào dịp Giỗ Quốc tổ Hùng Vương, cùng với việc làm tốt công tác phối hợp chuẩn bị các phần việc từ lao động dọn vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, mua sắm lễ vật dâng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng, phường Đậu Liêu tổ chức gói cặp bánh chưng “đặc biệt” dâng lên các Vua Hùng để tỏ lòng thành kính. Cặp bánh chưng năm nay được gói với trọng lượng hơn 70 kg.
Để việc chế biến cặp bánh chưng có trọng lượng lớn, các tiểu ban giúp việc được thành lập ứng với từng công đoạn chế biến, như chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, trông coi, bảo vệ… Quá trình thực hiện luôn được giám sát, chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Công đoạn sơ chế nguyên liệu như rửa lá dong, lá chuối, vo nếp, đãi đỗ… được chọn từ những người gói bánh thao tác nhanh, và chuẩn xác nhất để có thể hoàn thành việc gói, nấu bánh chưng.
Theo những người trực tiếp tham gia “gói” bánh chưng cho biết: Công đoạn khó nhất là làm khuôn và ghép lá vào khuôn. Vì chiếc bánh có kích thước lớn, nguyên liệu nhiều nên chúng tôi phải tính toán sao cho chiếc khuôn đủ lớn và chắc chắn, lá phủ đều các mặt bánh…
Bếp luộc bánh được xây bằng gạch và có 3 cửa tiếp nhiên liệu. Để bánh chín đều, dền, BTC phân công người làm nhiệm vụ trông coi, giữ lửa, chế nước luộc bánh. Nhiệm vụ tiếp lửa, tiếp nước trong thời gian luộc bánh cũng rất quan trọng. Người được phân công phải chú ý tiếp củi thường xuyên để lửa tỏa đều, bánh chín đều và dền. Khi bánh chín và nguội sẽ tiến hành tháo khuôn, trang trí lại cho đẹp mắt để dâng cúng.
Với người dân Đậu Liêu, gói bánh chưng dâng Quốc Tổ là gói cả tình cảm với quê hương, trách nhiệm với các vị vua Hùng và những người đi trước nên mỗi chiếc bánh làm ra đều có trọn tình yêu, tâm huyết trong đó. Đây là việc làm ý nghĩa nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên của dân tộc ta./.
Trần Phong