Cặp biến chủng COVID-19 mới lan cực nhanh tại Mỹ, Pfizer thử nghiệm vắc-xin
Hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNTech vừa công bố kết quả thử nghiệm khẩn cấp vắc-xin hai thành phần trên một trong những biến chủng phụ thoát miễn dịch mạnh nhất của Omicron là BQ.1.1.
Theo dữ liệu vừa được công bố trực tuyến trên bioRxiv, mức độ kháng thể trung hòa chống lại BQ.1.1 được tạo ra sau mũi tiêm nhắc bằng vắc-xin hai thành phần Pfizer/BioNTech (bổ sung thành phần chống lại Omicron được thiết kế dựa trên BA.1) tăng gần 9 lần ở người từ 55 tuổi trở lên.
Theo Reuters, mức độ gia tăng kháng thể trung hòa này gần gấp đôi so với những người được tiêm tăng cường bằng vắc-xin loại cũ, chỉ gồm một thành phần duy nhất được thiết kế dựa trên chủng gốc.
Một số dữ liệu trước đây cho thấy vắc-xin loại cũ hầu như chỉ còn giữ được tính năng chống bệnh nặng, khả năng chống lây nhiễm đã suy yếu mạnh khi đối diện với các dòng Omicron mang nhiều đột biến thoát miễn dịch sau này.
Nghiên cứu mới dựa trên 80 tình nguyện viên, gồm 40 người tiêm nhắc vắc-xin cũ, 40 người tiêm loại hai thành phần.
BQ.1 và BQ.1.1 đang dần chiếm lĩnh các ca COVID-19 ở nhiều quốc gia và dự kiến là thủ phạm chính gây ra làn sóng mới vào mùa đông ở châu Âu.
Chúng chứa các đột biến thoát miễn dịch mạnh, trong đó BQ.1.1 là dòng con của BQ.1 và được cho là có khả năng thoát miễn dịch tốt hơn "mẹ". Khả năng vượt qua hàng rào miễn dịch có được từ vắc-xin và các lần "F0" trước đó của chúng cũng mạnh hơn BA.5.
Kết quả nghiên cứu được đưa ra gần như song song với báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cảnh báo cặp đôi BQ.1 và BQ.1.1 đã chiếm tới 49,7% trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã giám sát ở nước này trong tuần vừa qua.
Đây là mức tăng nhanh so với con số 39,5% trong tuần trước. BQ.1 và BQ.1.1 được cho là chỉ mới xuất hiện ở Mỹ cách đây 2 tháng. Trong đó, BQ.1.1 gây chú ý vì tuy xuất hiện sau nhưng đã chiếm tỉ lệ ngang ngửa với BQ.1. BQ.1.1 chiếm 24,2% , trong khi BQ.1 chiếm 25,5% các ca bệnh đang lưu hành tại Mỹ.