Cặp đôi khiếm thị của tôi
Tôi có cái duyên được đánh bạn với nhóm anh chị em tẩm quất khiếm thị hơn chục năm nay. Cuộc sống vui vẻ, hòa đồng mà giá cả rất phải chăng. Phương châm chung là phục vụ hết mình, khách là người nhà, không né tránh khách có điều gì khác biệt. Ai cũng được đón tiếp nhẹ nhàng, nhất là những người già yếu. Mà khách hàng đa số U60 đến cả U100. Tóm lại là êm thấm hòa đồng…
1. Lần đầu tôi đến đây là một đêm mưa cùng hai anh bạn đi liên hoan cuối năm về, cả ba đều ngất ngư. Mưa to quá! Chúng tôi tạt vô căn nhà còn ánh đèn lù mù, phía bên phải là một con hẻm dốc, tối mịt. Có mấy cái bóng trùm áo mưa, một người lịch lãm "mời các bác vào ạ". Lập tức có hai thanh niên rũ áo mưa nhào ra đỡ xe cho chúng tôi, rồi dắt xe xuống hẻm dốc tối ấy. Tôi đang cơn ngà ngà, đèo một ông bạn say tít mù ngật ngưỡng, được hai thanh niên dìu vào trong nhà còn một người bạn tỉnh như sáo thì yêu cầu trả xe để anh về. Tôi ra "lệnh" không về gì hết, xem ở đây có gì hay thì ta nhậu tiếp, hết mưa rồi tính.
Sau đó tôi nói to với hai thanh niên trùm áo mưa đứng trước mặt:
- Xin cám ơn các bạn. Trời tối và mưa quá chúng tôi bị mất phương hướng, tạt vô đây làm phiền…
Chàng trai vừa giũ áo mưa vừa nói:
- Không sao đâu ạ, các bác vô là chúng cháu mừng. Mời bác vào trong nhà kẻo ướt hết.
Có một không khí ẩm mốc dưới ngọn đèn yếu ớt. Im lặng. Điện bật sáng. Tôi nhận ra ngay đây là căn phòng chuyên dụng cho mát-xa đấm bóp.
Mừng quá, tôi hỏi thanh niên:
- Muộn rồi có mát-xa không anh?
- Có chứ ạ. Chúng cháu làm hai bốn trên hai bốn.
Ba bốn người cả nam và nữ kéo tới. Tôi hỏi:
- Làm từ A đến Z à?
- Ô không ạ, ở đây xoa bóp người mù các bác ạ.
Tôi ngẩn người nhìn họ. Giờ mới nhận ra dáng vóc kiểu cách của người khuyết tật.
- Lúc nãy thấy anh dắt xe giỏi thế không nghĩ anh là người mù, tôi nói.
Anh ta cười:
- Hôm nay mưa suốt từ trưa đến giờ, chả có khách nào. Giờ mười một giờ, các bác mở hàng cho là may rồi.
2. Sau cái đêm ấy, tôi thường qua lại bấm huyệt thân tình. Đến khi tôi mắc một căn bệnh trọng, cơ thể yếu đuối, cuộc sống lờ đờ chậm chạp, ăn kiêng, "li dị" rượu bia, thuốc lá, bỏ lối sống ham bạn, ham chơi, chui vào trong cái "TÔI" yếm thế nhu nhược đầy mặc cảm và hoang mang, có lúc thực sự không muốn sống.
Nhớ lại, tuần ba lần vô bệnh viện khám, tiêm chích, truyền máu, truyền hóa chất, gặp gỡ toàn các bạn già bệnh nặng, người còn đi lại được thì cũng vật vờ, người yếu hơn phải nhờ con cháu đưa đón dìu dắt, nâng đỡ. Tương lai gần của tôi là đây. Bà xã sắp già nhỏ bé và yếu ớt của tôi phải đèo lão chồng già bằng cái xe cub 50 tàng tàng lên lên xuống xuống giữa phố phường chen chúc hàng chục cây số mà cám cảnh. Một thời gian quen bệnh viện, tĩnh tâm lại, tôi ngộ ra nhiều thứ từ lối sống của nhóm anh chị em mù này. Họ đều bằng tuổi con cháu tôi cả. Bây giờ sau khi ra khỏi bệnh viện là tôi chỉ thích đến đây để được hòa nhập vào không khí chung với họ. Họ gần gũi với mình hơn cả. Tôi tuần một hai lần, bằng số tiền viết ba bài báo mọn để đến các chú mù và bắt đầu có ý thức tìm hiểu cái "cơ ngơi" này.
Vợ chồng "ông bà chủ" Trung - Uyển có một cuộc tình đầy trắc trở cam go của đôi trẻ thời @ vừa ly kỳ lắt léo éo le vừa quyết liệt nổi tiếng trong giới người mù. Chàng quê ở Sóc Sơn, vóc dáng thư sinh, cao ráo, đẹp trai. Hồi còn sáng mắt, Trung hoạt bát nhất làng. Bẫy chim, bắt cá, giỏi trồng cây, nuôi gà chọi… Học xong lớp 12 thì ngay cuối hè năm đó, Trung đi xe máy lên huyện tìm mua lợn rừng giống về nuôi. Cái số đen đủi, anh bị ngã xe máy, ngã bổ nhào cắm mặt xuống đường khi cho xe ngoặt vào một con ngõ vắng. "Cháu chỉ nhớ là mặt mũi be bét máu mê, sau được người ta đưa vào viện thì biết bị hỏng cả hai mắt. Gia đình cháu ai cũng thương nhưng không cách gì thay thế được. Một năm sau hỏng mắt, cháu loanh quanh ở nhà, nghĩ ngợi lung tung nhưng chả nghĩ được gì. Cuộc đời tối om! Một hôm nghe đài nói có Hội Người mù tổ chức lớp học chữ nổi, rồi học nghề. Cháu mừng quá nghe ngóng và lần mò tìm địa chỉ. Có ai đến thăm cháu đều nhờ tìm hiểu và tìm hộ", Trung kể.
- Cháu xin bố mẹ ít tiền, bố mẹ cháu nghèo chả có xu nào. Anh em kiến giả nhất phận cũng nghèo rớt mùng tơi cả. Cháu nói với mẹ đi vay hộ con ít đồng, sau con làm con trả. Mới đầu mẹ không đồng ý vì mẹ không tin. Sau cháu nói nhiều quá mẹ cũng muối mặt đi vay người thân. Ông chú dăm ba triệu, bà dì họ vài ba trăm ngàn. Thế mà loay hoay mẹ cháu cũng vay được cho mấy triệu. Cháu âm thầm toan tính. Hành trang chỉ hai bộ quần áo cũ và ít thứ cho sinh hoạt bỏ trong một cái túi vải. Rồi một hôm cháu chỉ nói với mẹ là con đi học, mẹ cứ yên tâm, nhưng đừng nói với ai. Cháu sợ lộ bố cháu biết sẽ cản. Rồi nhờ anh xe ôm đưa ra bến xe khách, cuối cùng vẫn đến nơi. May mà cháu đến chả có giấy tờ gì, chỉ trình bày hoàn cảnh mà vẫn được cho vào học cùng các bạn thập phương. Trong lớp học chúng cháu sống rất chan hòa, cùng cảnh nghèo, cùng cảnh mù, cùng cảnh xa quê, nói chuyện với nhau cởi mở không có gì ngăn cách. Cháu quen Uyển cũng như các anh chị em khác.
Uyển người Quảng Ngãi, thuộc diện "may" hơn một tí vì mắt còn nhìn thấy lờ mờ. Uyển kể, hồi 5 tuổi đã mất mẹ, đến 7 tuổi bị bệnh thoái hóa võng mạc, tuổi thơ khốn khó càng khốn khó hơn khi ba đi bước nữa, phải ở với ông bà nội già yếu. Mọi sinh hoạt dựa hết vào người anh trai. Nhưng anh trai vừa lớn lên thì bị rắn độc cắn chết trong lần đi kiếm củi trên núi. Mọi hy vọng bị sụp đổ hoàn toàn.
Năm 2000, Uyển phải bỏ học thì các chú các bác Hội Người mù tỉnh Quảng Ngãi ra tay cứu giúp, đưa vào hội, cho đi học chữ Brai và phục hồi chức năng rồi cho ra Hà Nội học thêm và gặp anh chị em, gặp Trung ở đây…
- Uyển hay dẫn anh em tụi cháu đi đâu đó trong thời gian nghỉ ngơi, Trung kể. Rồi một lần cháu bảo Uyển đưa anh đi đâu đó ăn bát mì tôm hay phở. Uyển vui vẻ đưa đi. Tay nắm tay, chuyện tiếp chuyện. Sau lần ấy, cháu hai ba lần rủ rê em cùng đi chơi với các anh. Uyển luôn sẵn sàng… Rồi hôm buổi tối đi đâu đó về, cháu tình cờ động vào người Uyển. Uyển giật bắn người, bảo anh làm sao thế? Cháu bảo tôi có thấy gì đâu, nhỡ một tí mà cô làm như điện giật. Không ngờ Uyển cầm tay cháu. Cháu liền nắm chặt tay nó kéo vào mình. Hai đứa ôm nhau, hôn nhau vội vã và chả hiểu sao, sau đó cháu cứ run mãi. Hết khóa học ai về nhà nấy. Cháu bảo nhà anh nghèo có về cũng chả biết sống bằng gì. Uyển bảo anh có dám vào quê em chơi không? Thế là hai đứa mở hết hầu bao dắt nhau ra ga mua vé vào Nam.
- Nhà Uyển còn nghèo còn khó hơn nhà cháu nhiều lần bác ạ. Chúng cháu lại quay kéo nhau ra Hà Nội. Hai năm sau, hai đứa tằn tiện gom góp được đâu vài chục triệu, rồi rủ thêm hai ba người bạn nữa, tình cờ gặp cơ hội một chú khách chủ ngôi nhà này đang chờ giải tỏa làm đường bảo cho chúng cháu thuê, mở điểm tẩm quất người mù. Mới đầu chúng cháu đâu có biết phải làm quá nhiều giấy tờ thủ tục như thế. Nhưng phải nói là may, vì có bác chủ tịch phường giúp. Bác ấy thường ra đấm lưng ủng hộ chúng cháu. Người hiền lành và tốt bụng lắm. Đang xuôi chiều mát mái thì bác ấy đi nghỉ mát trước khi về hưu mãi tận trong Vũng Tàu, bị đột tử.
3. Nói chuyện làm nghề tẩm quất, Trung bảo rằng:
- Anh chị em chúng cháu có một nguyên tắc bất di bất dịch, không nể nang ai bác ạ.
- Là gì? Tôi hỏi.
- Là trước khi vào hành nghề thì phải được học nghề đầy đủ, chu đáo, học bài bản có thầy có trò, không đi tắt đón đầu…
- Nghiêm trọng thế kia à?
- Phải nghiêm trọng chứ bác. Đây là ngành nghề chăm sóc sức khỏe con người, mà đa số là người cao tuổi, sức khỏe có vấn đề thì người ta mới đi xoa bóp. Xoa bóp có trăm đường, không phải ai cũng có thể làm được, nếu không học bài bản thì dù khỏe mà đấm bóp không bài bản cũng vô dụng, thậm chí gây hại. Con người ta có kinh mạch, có huyệt đạo, có đủ các điểm cần nhẹ nhàng, cần xoáy sâu, lơ tơ mơ nguy hiểm lắm. Có người thích đấm mạnh, càng mạnh càng tốt. Nhưng không thể làm theo ý của khách mà phải hiểu chỗ này cần thế này, chỗ kia cần thế kia, khách nghe được hiểu được thì họ tâm phục khẩu phục, nếu không họ tẩy chay ngay. Đến đây đấm bóp một hai tiếng mà làm đúng bài bản, sức khỏe của các bác lên rõ ràng…
- Hay quá, tôi thốt lên. Cứ như tôi đây, tôi đã trở thành "con nghiện" của các anh.
- Chúng cháu sống bằng nghề nên phải trọng nghề, giữ được khách cũng bằng nghề, không thể cứ trông vào sự giúp đỡ của cộng đồng với hoàn cảnh người mù mãi được, bác ạ. Khách của bọn cháu đa số là khách quen, vui và thân tình như các bác cả.
Đúng lúc ấy tôi thấy Uyển dẫn hai con về. Hai đứa một lớp 6, một lớp 1 kháu khỉnh và ngoan ngoãn. Hôm nay là chủ nhật nên 3 mẹ con dẫn nhau vào công viên.
4. Chuyện Trung - Uyển cưới nhau cũng vất vả hơn người khác. Hai người rong ruổi bao nhiêu lần ngược xuôi trên tàu để về hai nhà báo cáo gia đình. Cha mẹ nào chả thương con, nhưng cũng vì nghèo quá mà bố anh quyết ngăn trở, không cho lấy.
- Bố cháu bảo hai đứa mắt sáng lấy nhau còn nghèo kiết xác, hai đứa mù cộng lại cho chết cả lũ à? Không được. Không là không! Thực ra bố cháu đã "dấm" cho cháu một cô gái mắt sáng, con bạn bè gì đó ở làng bên, khỏe mạnh và cần cù chịu khó, từ bé không đi học, chỉ biết làm nông, ngoan hiền, nghe lời cha mẹ…
- Mẹ cháu cũng bảo lấy nó mày chả phải lo. Mình đã mù lại đi rước thêm một con mù nữa thì sống thế nào? Uyển nghe được những lời đau xót ấy thì im lặng. Cháu bảo chúng con biết thân biết phận, chỉ xin các cụ cho phép chúng con tự lo.
- Tự lo? Ghê nhỉ? - Tôi nói.
- Vâng, chả ghê gì nhưng cũng phải tự lo thật. Bố mẹ và họ hàng không ai ủng hộ thì chúng cháu phải lo chứ trông vào ai?
Hai đứa bàn bạc. Uyển bảo khổ thì khổ cũng phải có bữa cỗ, không đưa đón dâu, không phù dâu phù rể, không quần nọ áo kia nhưng cái khoản hát ca thì anh chị em chúng cháu có thừa. Mượn được căn phòng của trường tiểu học gần ngay đây, chúng cháu hát hò cả đêm. Các thầy cô giáo cũng ra chung vui cùng chúng cháu. Bây giờ hai thằng con cháu đều là học sinh của trường này. Đúng là "Thánh nhân đãi khù khờ", các cụ nói chả sai.
Đang vui chuyện thì một nhân viên gọi Trung bảo máy bơm bị hỏng. Trung lấy từ trong gầm giường ra cái thùng, trong đó đủ kìm kéo, cờ lê, ốc vít, khoan, búa. Anh bảo, bác thông cảm, cháu bận tí.
Nói rồi Trung thoăn thoắt lên cầu thang, thoăn thoắt leo lên chỗ bể nước, thoăn thoắt mở nắp hòm, lấy dụng cụ ra và như một công nhân điện nước, anh làm việc với cái máy nước đâu chừng mười phút thì máy reo, nước xối. Tôi mục sở thị Trung nhiều lần sửa điện, sửa cả cái tivi, lắp đặt bếp từ, cả việc giặt giũ cho vợ con, cả việc lau nhà, tất tật các việc vặt đều đến tay Trung. Và hôm nay ngồi "xem" Trung sửa máy nước mà tự nói với mình, nếu nhà tôi hỏng máy nước thế này, chắc tôi kêu thợ. Đằng này Trung tự sửa không hề có chút đắn đo gì!
So với Trung, đúng là cái thằng tôi có mắt cũng như mù thật!
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/cap-doi-khiem-thi-cua-toi-i719885/