Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 15 ngày với một số lĩnh vực ưu tiên

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, khi nhà đầu tư nộp hồ sơ đối với một số lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao…, trong vòng 15 ngày sẽ được cấp ngay Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 20/12. (Ảnh: HT)

Quang cảnh buổi họp báo chiều 20/12. (Ảnh: HT)

Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 1 pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại Phiên họp thứ 40 ngày 11/12/2024. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Các Luật bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN); Luật Phòng không Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật Địa chất và khoáng sản; và Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân

Trong đó, giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Luật gồm 3 điều, có một số nhóm điểm mới liên quan đến chính sách nhà nước về dược và đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; cắt giảm, đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế...

Luật được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc, trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tương tự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm bình đẳng giới và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

So với Luật hiện hành, Luật có 8 nhóm điểm mới liên quan đến việc sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia; quy định về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám, chữa bệnh BHYT theo hướng dẫn không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng đối với một số trường hợp. Bên cạnh đó, Luật điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám, chữa bệnh BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT; bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này...

Về Luật Tư pháp NCTN, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật gồm 10 chương, 179 điều, được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với NCTN phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội. Đồng thời xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho NCTN; bảo đảm các quyền cơ bản của NCTN trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng...

Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ NCTN trong tư pháp hình sự; 12 biện pháp xử lý chuyển hướng; 10 biện pháp ngăn chặn; 2 thủ tục tố tụng riêng biệt (đối với NCTN là: người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; bị hại, người làm chứng); đồng thời cải cách chính sách hình phạt áp dụng đối với NCTN theo hướng nhân văn, tiến bộ hơn...

Pháp lệnh Chi phí tố tụng gồm 12 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Pháp lệnh quy định về một số chi phí tố tụng; tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Tổ chức TAND. Việc xác định chi phí, tạm ứng chi phí, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí, kinh phí chi trả chi phí trong quá trình TAND xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh. Án phí, lệ phí tòa án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh….

Từ 1/1/2025, sẽ có danh mục chuyển tuyến bảo hiểm y tế mà không cần giấy chuyển viện

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao… tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế (trong sửa đổi Luật Đầu tư), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, đây là quy định được Bộ đánh giá sẽ tạo ra bước đột phá. Bộ tính toán việc thực hiện quy định này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày. Theo đó, khi nhà đầu tư nộp hồ sơ đối với các lĩnh vực nêu trên thì trong vòng 15 ngày sẽ được cấp ngay Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến PCCC, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Cũng tại họp báo, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đặt câu hỏi về việc chuyển viện như thế nào theo Luật BHYT để bảo đảm thuận tiện nhất cho người dân, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, với mục đích cải cách hành chính, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ quy định hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tuyến trên không bị quá tải. Hàng rào kỹ thuật đó là chỉ có một số trường hợp được thông tuyến, ví dụ người bị bệnh nan y, bệnh ở dưới không chữa được.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Bộ Y tế thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, kiên quyết phải cải cách hành chính.

Theo ông Tuyên, hàng rào kỹ thuật này vừa bảo đảm giảm quá tải tuyến trên, vừa đồng thời kích cầu và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới.

Đặc biệt, Thứ trưởng Tuyên thông tin thêm Luật giao Bộ Y tế quy định danh mục trường hợp được chuyển tuyến BHYT mà không cần giấy chuyển viện, điều này sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2025. Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện thông tư và trình ban hành theo thủ tục rút gọn, để có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, giúp người dân hưởng lợi.

Mạnh Quang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cap-giay-chung-nhan-dang-ky-dau-tu-trong-vong-15-ngay-voi-mot-so-linh-vuc-uu-tien-post535569.html