Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Vẫn 'điệp khúc' vướng nhiều cấp

Thẩm định hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh. Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại cần sớm giải quyết. Trước thực trạng này, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục khắc phục khó khăn, phấn đấu cấp khoảng 7.000 giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2021.

Hơn 2 năm chưa làm xong sổ đỏ

Theo UBND tỉnh, năm 2021 toàn tỉnh cần thực hiện kê khai, đăng ký cấp GCNQSDĐ khoảng 7.000 hồ sơ/thửa đất cấp mới lần đầu. UBND tỉnh yêu cầu hệ thống văn phòng đăng ký đất đai và các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc các thửa đất còn lại phát sinh thêm chưa kê khai đăng ký; cấp đổi, cấp lại, đăng ký biến động theo nhu cầu của người sử dụng đất. Phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành công tác kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở TN-MT, từ đầu năm đến nay (tính đến 30/10/2020), hệ thống văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khoảng 53.880 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đã giải quyết 47.688 hồ sơ, số còn lại đang tiếp tục giải quyết. Trong đó, hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu đã giải quyết 6.554 hồ sơ với diện tích gần 1.515ha, còn 1.776 hồ sơ đang giải quyết. Như vậy, lũy kế từ trước đến nay toàn tỉnh đã cấp được 570.221 GCNQSDĐ lần đầu với diện tích khoảng 366.645ha trên diện tích đủ điều kiện cần cấp 372.570ha (đạt 98,41%). Đối với hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và đăng ký biến động các loại đã giải quyết 41.134 hồ sơ, còn lại 4.416 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số lượng lớn hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận thuộc chương trình đo đạc tổng thể, cấp đổi giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính còn đang tiếp tục giải quyết ở cấp xã và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Thời gian giải quyết một số hồ sơ còn trễ hẹn, nhiều trường hợp cấp xã tham mưu chưa chặt chẽ, thiếu tính pháp lý nên phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần gây phiền hà cho người dân… Bà Trần Thị Sang (vợ ông Đoàn Ngọc Liêm) ở phường 8 (TP Tuy Hòa), cho biết: Gia đình tôi đã làm hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ lần đầu hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Hồ sơ được cán bộ địa chính phường 8 hướng dẫn, nhưng lên đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Tuy Hòa thì bị trả về đến nay đã 3 lần. Cứ mỗi lần trả hồ sơ là bảo thiếu thủ tục này, thủ tục kia... “Phải chi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Tuy Hòa hướng dẫn bổ sung một lần thì người dân không phải đi lại nhiều lần”, bà Sang nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Đào cũng ở phường 8, đến nay đã tôi mất hơn 2 năm làm hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ nhưng vẫn chưa xong. Lúc đầu địa phương hướng dẫn kê khai toàn bộ diện tích 200m2, nhưng lên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Tuy Hòa thì bảo có khoảng 50m2 không chứng minh được nguồn gốc nên yêu cầu làm lại hồ sơ. Khi làm lại hồ sơ và đã nộp đầy đủ các khoản lệ phí, tiền sử dụng đất đối với diện tích 150m2 thì ở thành phố lại yêu cầu làm lại hồ sơ với toàn bộ diện tích đất...

Đến nay, đối với đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 98,77%. Ảnh: ANH NGỌC

Đến nay, đối với đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 98,77%. Ảnh: ANH NGỌC

Nguồn gốc đất phức tạp

Theo UBND phường 8, từ đầu năm 2020 đến nay (tính đến tháng 11/2020), phường tiếp nhận 35 hồ sơ, trong đó có 25 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ lần đầu. Trước khi chuyển cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Tuy Hòa, UBND phường 8 đã lập các thủ tục xét, niêm yết và đã chuyển 23 hồ sơ, còn lại 7 hồ sơ trong thời gian niêm yết. Đến nay Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Tuy Hòa đã chuyển trả 16 hồ sơ do không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ nên địa phương đã chuyển trả cho các hộ dân để bổ sung. Theo ông Lê Văn Thoại, Phó Chủ tịch UBND phường 8, hiện trên địa bàn còn nhiều trường hợp chưa cấp GCNQSDĐ được vì vướng quy hoạch. Từ đầu năm đến nay, phường 8 đã chuyển nhiều hồ sơ nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ cho trường hợp nào, đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng TN-MT TP Tuy Hòa sớm thẩm định vì đến nay đã quá hạn theo phiếu hẹn.

Ông Phạm Hoài Phong, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Tuy Hòa, cho biết: Số hồ sơ còn tồn hiện nay đa số có nguồn gốc sử dụng đất rất phức tạp nên tốn nhiều thời gian để thẩm tra, xác minh. Phần lớn diện tích còn lại trên địa bàn thành phố chưa được cấp GCNQSDĐ có nguồn gốc sử dụng không rõ ràng, còn tranh chấp… Đối với trường hợp đề nghị cấp GCNQSDĐ của gia đình ông Đoàn Ngọc Liêm và bà Trần Thị Sang, qua kiểm tra thửa đất đề nghị cấp giấy chứng nhận có một phần diện tích 12,7m2 thuộc hành lang an toàn đường sắt.

UBND phường 8 chưa xác định được nguồn gốc, thời điểm sử dụng phần diện tích 12,7m2 nói trên nên chưa thể cấp giấy chứng nhận cho gia đình ông Liêm. Việc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Tuy Hòa chuyển trả hồ sơ nhiều lần là vì trong quá trình thẩm định có nhiều khâu, phát hiện thiếu sót đến đâu thì trả hồ sơ để bổ sung đến đó. Đối với 2 trường hợp đề nghị cấp GCNQSDĐ là bà Nguyễn Thị Bích Đào và ông Nguyễn Tùng Trang (cùng ở phường 8) có thời gian kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần vì phải xác minh nguồn gốc đất chênh lệch. Đến nay, 2 hồ sơ này cơ bản thẩm định xong, hiện đang làm thủ tục tài chính, khoảng 1 tháng nữa sẽ có GCNQSDĐ.

Bao giờ khắc phục những tồn tại?

Theo Sở TN-MT, thời gian qua, hệ thống văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh và các địa phương có nhiều nỗ lực trong việc triển khai cấp GCNQSDĐ, đến nay đã cấp đạt 98,41% số diện tích đủ điều kiện cần cấp. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số tồn tại như tiến độ đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu chậm so với kế hoạch, thời gian giải quyết một số hồ sơ còn trễ hẹn. Nhiều trường hợp UBND cấp xã, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tham mưu giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu chưa chặt chẽ, không đúng quy định pháp luật, nhất là việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất không đảm bảo theo hồ sơ địa chính và các giấy tờ kèm theo hồ sơ. Việc kiểm tra, giám sát của một số địa phương trong lĩnh vực quản lý đất đai chưa sâu sát, chặt chẽ, để xảy ra một số sai phạm trong công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận như tại TX Đông Hòa, TX Sông Cầu, Sở TN-MT, Văn phòng Đăng ký đất đai. Việc giải thích, hướng dẫn người dân nhất là công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận có lúc, có nơi chưa rõ ràng, chưa cụ thể, do đó có trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần, gây phiền hà…

Theo ông Nguyễn Vũ Thụy, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN-MT), điều kiện để cấp giấy chứng nhận cần phải xác định về nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng vào mục đích đăng ký, sự phù hợp quy hoạch và tình trạng tranh chấp, khiếu nại. Tuy nhiên, thời gian qua cấp xã chưa thực hiện đúng quy định về thời gian, cũng như chất lượng hồ sơ khi xác nhận các thông tin thửa đất, nhiều trường hợp phải trả đi, trả lại để bổ sung. Việc một số người dân phản ánh tiến độ giải quyết hồ sơ cấp GCNQSDĐ còn chậm là do công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu cần phải xác minh kỹ.

Ông Nguyễn Vũ Thụy cho biết thêm, hiện nay toàn tỉnh cơ bản đã có đầy đủ bản đồ địa chính dạng số, tuy nhiên hiện trạng sử dụng đất chưa được chỉnh lý kịp thời lên bản đồ địa chính nên khó khăn trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Để không thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, có trường hợp người sử dụng đất kê khai thời điểm sử dụng đất không đúng thực tế, nhiều trường hợp địa phương hợp thức hồ sơ đăng ký hoặc không cung cấp các giấy tờ để xác định thời điểm sử dụng đất nên gây khó khăn trong việc kiểm tra, giải quyết hồ sơ.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/249232/cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat--van--diep-khuc--vuong-nhieu-cap.html