Cập nhật 14h30 ngày 8/3: Hà Nội vẫn có nguy cơ tăng ca bệnh Covid-19, WHO khuyến khích các biện pháp hạn chế dịch

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Hà Nội nhận định trong những ngày tới có thể tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. WHO khuyến khích áp đặt các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt giúp giảm tốc độ lây lan bệnh. Malaysia và Thái Lan mới đây đã cấm du thuyền Costa Fortuna.

Hà Nội phun thuốc khử khuẩn nơi phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19.

* Sau khi phát hiện 3 ca bệnh mới, trong đó có lây nhiễm thứ phát, ngành y tế Hà Nội nhận định trong những ngày tới có thể tiếp tục ghi nhận ca mắc mới do tiếp xúc với các bệnh nhân và có thể thêm ca bệnh xâm nhập.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện ghi nhận 3 trường hợp có xét nghiệm nhiễm Covid-19 và 2 trường hợp nghi ngờ, chưa có trường hợp tử vong.

Hiện nay, Hà Nội đã khoanh vùng cách ly ở phường Trúc Bạch có tổng số 66 hộ gia đình với 189 người. Số mẫu xét nghiệm đã lấy 148 mẫu. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm và chưa có kết quả.

Về cách ly và xử lý tại bệnh viện Hồng Ngọc, tổng số người cách ly có 20 người tiếp xúc gần tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. 164 người tiếp xúc gần, trong đó 64 người là bệnh nhân ngoại trú thực hiện cách ly tại nhà, 60 người bác sỹ, nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện cách ly tại Long Biên; 40 bác sỹ, nhân viên y tế còn lại cách ly tại bệnh viện.

Theo đó, đã lấy mẫu 20 người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 thứ 17. Kết quả xét nghiệm 19/20 mẫu âm tính.

* Trong khi đó, bệnh nhân nhiễm virus corona Covid-19 thứ 21 tại Việt Nam có tiếp xúc gần với 26 người và 52 người thế hệ f2, f3 (tiếp xúc người tiếp xúc).

Bệnh nhân N.Q.T. nam, 61 tuổi phường Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Bệnh nhân đi công tác tại Anh, trở về trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines (cùng chuyến và ngồi gần với bệnh nhân N.H.N. (Hà Nội) về đến Hà Nội lúc 4h30 ngày 2/3, được lái xe riêng đón về đến nhà.

Ngày 6/3, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi và ho khan, chưa điều trị gì. 10 giờ sáng ngày 7/3, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 bằng xe riêng. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ tại chỗ ở, nơi làm việc và các địa điểm liên quan khác, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh.

Qua điều tra dịch tễ bước đầu xác nhận, tổng số người tiếp xúc gần với bệnh nhân (f1) là 26 người, trong đó tại nơi ở có 2 người (vợ, lái xe) đã được cách ly; tại nơi làm việc hiện đã xác định được 24 người, đang tiếp tục xác minh.

Tổng số người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần của bệnh nhân (f2) là 23 người. Tổng số người tiếp xúc gần với các đối tượng f2 (f3) đã xác định được là 29 người.

Ngay sau khi xác nhận ca bệnh, cơ quan chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại nhà bệnh nhân khu vực nhà bệnh nhân.

Thực hiện cách ly y tế đối với: 50 người trong đó tại nơi ở (9 người); tại bệnh viện (41 người).

Tiến hành lấy 15 mẫu bệnh phẩm (vợ và 14 người tiếp xúc gần với lái xe) để xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh, hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm.

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ những người có liên quan theo đúng quy định. Tiếp tục rà soát những người có liên quan, tiếp xúc với bệnh nhân và những người tiếp xúc gần với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để cách ly theo dõi sức khỏe.

Như vậy, Việt Nam hiện ghi nhận 21 ca mắc Covid-19, trong đó 16 bệnh nhân đã được ra viện. 5 bệnh nhân mới được ghi nhận, trong đó có 4 ca tại Hà Nội có những yếu tố liên quan cô gái trở về Việt Nam sau chuyến du lịch châu Âu.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang nhưng đừng chủ quan trong phòng chống dịch. Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Theo đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, thực hiện vệ sinh phòng dịch.

* Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/3 cho biết việc áp đặt các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt có thể giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của dịch Covid-19 trong bối cảnh trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 105.000 trường hợp bị nhiễm dịch bệnh này.

Theo WHO, Trung Quốc và nhiều nước khác đang chứng minh cho cả thế giới về việc có thể hạn chế tốc độ lây lan và những ảnh hưởng do Covid-19 bằng việc thực hiện các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt như huy động toàn xã hội tìm kiếm những người bị ốm và đưa họ đi chữa trị, theo dõi các cuộc tiếp xúc, chuẩn bị các bệnh viện và các phòng khám chữa bệnh, đào tạo đội ngũ y tế để ứng phó trong trường hợp số bệnh nhân gia tăng. Việc kiềm chế và làm chậm tốc độ lây lan sẽ giúp có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho việc ứng phó với dịch bệnh hay tìm ra những phương pháp điều trị.

Để đối phó với Covid-19, WHO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước, các đối tác và các chuyên gia y tế để phối hợp các hoạt động, đưa ra những khuyến nghị, phân phối các nguồn cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin cho công chúng để họ có thể tự bảo vệ mình cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác.

* Theo sắc lệnh được Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ký ngày 8/3, Italy đã đóng cửa bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và các cơ sở giải trí khác trên khắp cả nước nhằm chống lại sự lây lan của dịch Covid-19.

Sắc lệnh đăng trên trang web của Chính phủ cho biết, bên cạnh khu vực rộng lớn ở miền Bắc Italy gồm 15 triệu người dân bắt buộc phải cách ly cho tới ngày 3/4, Chính phủ cũng đã đóng cửa trường học, hộp đêm và sòng bạc trên khắp cả nước.

Với 233 ca tử vong, hiện Italy là quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 nhiều nhất ngoài Trung Quốc.

* Malaysia và Thái Lan mới đây đã cấm du thuyền Costa Fortuna chở 2.000 khách, trong đó có nhiều người Italy, cập cảng do lo ngại sự lây của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Ban đầu, nhà chức trách Thái Lan ngày 6/3 đã từ chối cho du thuyền Costa Fortuna vào hòn đảo Phuket, mặc dù vẫn chưa có ca nghi nhiễm bệnh nào trên tàu. Trên mạng xã hội Twitter, quản lý du thuyền Costa Cruises xác nhận nhà chức trách Thái Lan đã áp đặt lệnh hạn chế đối với những công dân Italy đi qua nước này trong 14 ngày qua. Trên du thuyền tổng cộng có 64 người Italy.

Đến ngày 7/3, du thuyền đã cố gắng cập cảng tại bang Penang, miền Bắc Malaysia song cũng bị từ chối. Động thái này diễn ra sau khi Malaysia quyết định hạn chế tất cả các du thuyền cập cảng nước này. Giới chức Malaysia cho biết Costa Fortuna đang hướng về quốc gia láng giềng Singapore.

Trước đó, du thuyền Westerdam cũng lâm vào cảnh tương tự, khi phải ở ngoài khơi trong suốt 2 tuần do bị 5 nước từ chối cập cảng. Cuối cùng, Campuchia đã cho phép du thuyền cập bến ở miền Nam nước này.

* Tại Mỹ, truyền thông đưa tin Thống đốc bang California Gavin Newsom đã cho phép du thuyền Grand Princess cập cảng ở thành phố Oakland, sau nhiều ngày phải tạm neo ngoài biển.

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 6/3 cho biết có 21 người trên tàu Grand Princess có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 19 thủy thủ và 2 hành khách, sau khi cơ quan chức năng Mỹ tiến hành xét nghiệm 46 người trên tàu này. Tàu Grand Princess hiện có hơn 3.500 người trên tàu và chiếc tàu này có liên quan đến ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2 ở Mỹ. Sự việc đã khiến tàu phải hoãn lịch trình quay trở lại thành phố San Francisco và tạm neo ngoài biển.

Grand Princess có cùng chủ sở hữu tàu Diamond Princess - con tàu chở gần 3.800 người phải cách ly ngoài khơi Nhật Bản vào đầu tháng 2 do có ca nhiễm SARS-CoV-2 và đến nay đã có 700 người trên tàu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

* Tại Thái Lan cho tới nay đã ghi nhận 50 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 18 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Ngoài 1 trường hợp tử vong, đã có 31 bệnh nhân khác được xuất viện. Hai trường hợp mới được công bố hôm 7/3 là công dân Thái Lan trở về từ Italy.

Theo Phó Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Thanarak Plipat, Bộ Y tế nước này đang phát triển một ứng dụng báo cáo sức khỏe dành cho tất cả những người trở về từ 4 nước gồm Trung Quốc (tính cả các đặc khu hành chính Macau và Hong Kong), Hàn Quốc, Italy và Iran. Ứng dụng trực tuyến này dự kiến sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới và khi được triển khai, những người trở về có thể ở nhà mà vẫn liên lạc được với các quan chức y tế công cộng.

Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận của Đại học Suan Dusit Rajabhat (Thái Lan) công bố ngày 8/3 cho thấy kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của người dân nước này trong giai đoạn hiện nay, tiếp do là dịch Covid-19. Cuộc thăm dò này được thực hiện từ 3-7/3 đối với 1.162 người trên khắp đất nước Thái Lan để thu thập ý kiến về tình hình hiện nay liên quan đến chính trị, kinh tế, an ninh cuộc sống và tài sản, theo đó 78,45% người dân nước này chỉ ra vấn đề kinh tế, nói rằng thu nhập của họ khó có thể đáp ứng trước tình hình giá cả hàng hóa đang tăng lên, buộc họ phải tìm việc làm thêm.

71,47% người dân Thái Lan đề cập dịch Covid-19, cho rằng chính phủ cần tìm những địa điểm để cách ly người có nguy cơ cao, nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu khẩu trang, hỗ trợ những bệnh viện cần giúp đỡ và chia sẻ thông tin chính xác liên quan đến tình trạng lây nhiễm Covid-19.

Gia Phú

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-14h30-ngay-83-ha-noi-van-co-nguy-co-tang-ca-benh-covid-19-who-khuyen-khich-cac-bien-phap-han-che-dich-111070.html