Cấp thiết tạo nguồn nhân lực lý luận - phê bình văn học nghệ thuật

Lý luận - phê bình đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào sự thiếu hụt lực lượng lý luận - phê bình văn học nghệ thuật của TPHCM hiện nay, không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại.

Nhìn đâu cũng thiếu

Tại tọa đàm “Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật từ Đổi mới (1986) đến nay - những vấn đề đặt ra cần giải quyết” do UBND TPHCM và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức mới đây, TS Phạm Ngọc Hiền, Trưởng Ban Lý luận phê bình (Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM) cho rằng, công tác lý luận - phê bình (LLPB) văn học nghệ thuật tại TPHCM đã đạt được tiến bộ nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế. Trong đó, nổi bật nhất là sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao.

 Buổi ra mắt sách Lý luận - Phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM)

Buổi ra mắt sách Lý luận - Phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM)

“Sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao” mà TS Phạm Ngọc Hiền nhận định dễ thấy ở hầu hết các lĩnh vực. Theo điêu khắc gia Trần Thanh Nam (Hội Mỹ thuật TPHCM), ở lĩnh vực mỹ thuật, rất ít người được đào tạo bài bản về lý luận tham gia viết nghiên cứu, phê bình mỹ thuật. Một số chỉ viết báo, đưa tin các sự kiện mỹ thuật mang tính thời sự, còn người viết nghiên cứu chuyên sâu thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình (Hội Sân khấu TPHCM), công tác LLPB các vở diễn có sự tham gia chủ yếu của phóng viên các báo, đài đóng trên địa bàn thành phố. Chưa bàn đến trình độ chuyên môn, chỉ riêng việc giới hạn của các trang báo hàng ngày cũng đã khiến việc đăng tải những bài viết đúng tầm LLPB gặp nhiều khó khăn. “Sự giới hạn đó dẫn đến thực tế là bài viết thường ngắn gọn, không thể đi sâu vào lý luận, đúc kết học thuật một cách nghiêm túc”, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp nhận xét.

Về văn học, đầu năm 2021, Hội Nhà văn TPHCM ra mắt Hội đồng Lý luận phê bình với 5 thành viên, gồm: PGS-TS Bùi Thanh Truyền (Chủ tịch), PGS-TS Võ Văn Nhơn (Phó Chủ tịch), nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, PGS-TS Bùi Mạnh Nhị (đã mất năm 2023) và TS Đào Lê Na. Năm 2022, hội đồng có thêm hai nhà nghiên cứu là TS Nguyễn Tiến Dũng và Từ Xuân Lãnh. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, hội đồng không có ấn phẩm phê bình văn học nào được xuất bản, ngoại trừ Ba nghìn thế giới thơm của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu được tái bản, có bổ sung trong năm nay.

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải Sơn (Hội Nhiếp ảnh TPHCM) cho biết, trong khi đội ngũ sáng tác nhiếp ảnh ngày càng phát triển thì ngược lại, đội ngũ LLPB nhiếp ảnh đã không phát triển tương xứng. Hội Nhiếp ảnh TPHCM có gần 500 hội viên, nhưng Ban Lý luận phê bình của Hội Nhiếp ảnh TPHCM chỉ có 4 thành viên, tính luôn cả chủ tịch hội.

Đào tạo nguồn kế cận

Theo TS Phí Thị Thu Hà (Hội Nhiếp ảnh TPHCM), Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập với quốc tế. Các sáng tạo văn học nghệ thuật luôn là một trong những thế mạnh góp phần định hình về một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường trong đánh giá của cộng đồng quốc tế. “Do vậy, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các trường đào tạo văn học nghệ thuật ở tất cả lĩnh vực chuyên môn, như: sáng tác, nghiên cứu, LLPB, biểu diễn, chỉ huy, đạo diễn.... Cùng với đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ, đáp ứng yêu cầu đào tạo đặc thù trong lĩnh vực này”, TS Phí Thị Thu Hà đề xuất.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp đề cập đến một thực trạng đáng buồn hiện nay trong lĩnh vực sân khấu, khi một số đơn vị chạy theo thị hiếu của khán giả, hướng đến làm sao để bán được vé. Chưa kể, với sự phát triển mạnh của các nền tảng mạng xã hội, nhiều khán giả còn quay và đăng tải những video ngắn, gây ra những ngộ nhận về vở diễn. Vì vậy, sự vào cuộc của lực lượng LLPB rất quan trọng và cần thiết. “Những ngòi bút sâu sắc của LLPB có thể tạo một “cơ thể” vững mạnh cho sân khấu”, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.

Từ thực tiễn quan sát và làm nghề, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp kiến nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM lập ngay trang web của Hội đồng Lý luận phê bình, để từ diễn đàn này tác động mạnh đến đời sống văn học nghệ thuật cũng như sân khấu tại TPHCM. “Mong liên hiệp sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng về LLPB để những cây bút trẻ, phóng viên có cơ hội cùng trao đổi, thảo luận với nhau về nhân vật, nội dung của tác phẩm; được nhận những kiến thức, kinh nghiệm từ đội ngũ LLPB gạo cội. Qua đó, đội ngũ LLPB trẻ bổ sung, làm giàu kiến thức để có những nhận định sắc sảo hơn”, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp nói thêm.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải Sơn đề xuất Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức những cuộc thi viết về LLPB để động viên, nâng cao tay nghề của những người làm công tác LLPB. Ngoài ra, theo anh, sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo TPHCM, các cơ quan, tổ chức sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm công tác LLPB tham gia hoạt động nghề nghiệp hiệu quả hơn.

Quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực LLPB cho điện ảnh, TS Nguyễn Thị Kim Ửng (Hội Điện ảnh TPHCM), bày tỏ, hiện nay, một số trường đại học ở TPHCM như: Sân khấu Điện ảnh TPHCM, Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), Văn Lang… đều tham gia đào tạo sinh viên chuyên ngành điện ảnh hoặc liên quan gần về bộ môn này. “Làm thế nào để tập hợp, thu hút lớp trẻ qua sự kết nối của một câu lạc bộ chuyên ngành giữa Hội Điện ảnh và các khoa chuyên ngành điện ảnh của các trường đại học cũng là điều cần thiết. Ví dụ, ngành Nghệ thuật học Trường ĐH KHXH và NV TPHCM vừa ra đời (chỉ tiêu ban đầu là 50 sinh viên), trong đó có những môn được trang bị kiến thức LLPB như: Nghiên cứu và Thực hành nghệ thuật, Biên kịch điện ảnh, truyền hình…”, TS Nguyễn Thị Kim Ửng cho biết.

Một trong những chức năng quan trọng của LLPB bên cạnh thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới là tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của văn học nghệ thuật. Vậy nên, làm thế nào để có được đội ngũ LLPB vừa đông về số lượng, vừa chắc về trình độ là một yêu cầu mang tính cấp thiết, trước hết là nhằm phục vụ đời sống văn học nghệ thuật của TPHCM.

* PGS-TS NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM:

Thiếu những người làm phê bình thực thụ

Những người làm phê bình thực thụ, có tâm huyết rất ít, thay vào đó là những người làm phê bình không chuyên, do hạn chế về năng lực, kiến thức chuyên môn, trình độ nhận thức… nên các bài viết nhiều khi chỉ nhằm mục đích lăng xê tác phẩm hay tác giả; hoặc ngược lại, xét nét nhau trong bình phẩm văn nghệ nhằm các mục đích cá nhân, tạo nên những sự ồn ào giả tạo, hoàn toàn không phải là những bài viết lý luận phê bình đích thực.

* NSNA TRẦN QUỐC DŨNG, Hội Nhiếp ảnh TPHCM:

Phát triển nhà phê bình từ chính những người sáng tác

Chúng ta chưa tìm ra cách để phát triển đội ngũ LLPB. Hướng đào tạo mà tôi vẫn luôn nhấn mạnh, đó là làm sao phát triển đội ngũ LLPB bắt nguồn từ chính đội ngũ sáng tác. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng không thể tách rời. Bởi vì muốn người sáng tác hiểu, thay đổi, điều chỉnh được thì bắt buộc phải dùng ngôn từ, kinh nghiệm, tính sáng tạo của người đã từng có kinh nghiệm thực tế.

* TS PHẠM NGỌC HIỀN, Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM:

Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết

Việc nâng cao chất lượng và nguồn nhân lực LLPB văn học nghệ thuật tại TPHCM là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm chính quyền, các tổ chức văn hóa, cơ sở giáo dục, toàn thể công chúng. Chỉ khi có sự đồng lòng và hợp tác, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường LLPB văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng và chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cap-thiet-tao-nguon-nhan-luc-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-post758969.html