Cấp thiết xây dựng định mức chuyên ngành giao thông
Hiện, các định mức được áp dụng theo Thông tư 12/2021 của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, định mức chuyên ngành giao thông chưa cập nhật được công nghệ, kỹ thuật, thiết bị thi công thực tế khiến nhà thầu gặp khó.
Đặc biệt, các bộ định mức được xây dựng ở dự án trước không thể áp dụng cho dự án sau.
Khó đáp ứng kỹ thuật công trình đặc thù
Là một trong những nhà thầu tham gia thi công nhiều đường cao tốc nhất Việt Nam, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành không khỏi trăn trở khi địa hình thi công trải dài, tính chất kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên đơn giá, định mức theo quy định lại chưa bám sát được thực tiễn.
Vị này dẫn chứng, đối với định mức vật liệu thi công cấp phối đá dăm, nếu định mức 1776 trước đây quy định là 1,42 (1,42m3 đá rời bằng 1m3 chặt) thì nay theo định mức tại Thông tư 12 chỉ còn 1,34. Thực tế, hầu hết các nhà thầu thi công cao tốc đều thi công vượt định mức này.
Một số định mức khác cũng chưa có như khoan cọc nhồi ở những nơi có địa chất hang caster. Đây là hạng mục khoan nhồi có hao phí ca máy, nhân công và vật tư nhiều hơn so với khoan nhồi ở địa chất thông thường.
Hay các hạng mục thực tế có sử dụng phụ gia nhưng chưa có định mức để tính vào giá thành như bê tông nhựa có phụ gia tăng cường dính bám, tăng khả năng chống hằn lún vệt bánh xe…
Cho rằng định mức áp dụng cho công trình giao thông ngày càng thấp, nhà thầu không được tính đúng, tính đủ so với hao phí công trường, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, với bộ định mức ban hành theo Thông tư 12/2021, các chi phí thường thấp hơn 10% so với trước đây.
Điển hình là chi phí nhân công, theo quy định nhà nước khoảng hơn 200.000 đồng/ngày, thực tế hiện nhà thầu phải trả 500.000-600.000 đồng/ngày công lao động, chưa kể các ngày lễ, Tết, tăng ca.
Nhiều công việc dù đã được xây dựng định mức ở những dự án cụ thể, nhưng chưa được cập nhật trong bộ định mức chung.
Dưới góc độ chủ đầu tư nhiều dự án, ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, hiện định mức xây dựng công trình của ngành GTVT đang áp dụng theo Thông tư số 12/2021 của Bộ Xây dựng.
Vì thế, đối với định mức không có trong Thông tư 12/2021, chủ đầu tư sẽ phải vận dụng định mức của các công trình tương tự đã duyệt. Quá trình triển khai sẽ chuẩn xác lại và thanh toán điều chỉnh.
Mặc dù vậy, cách làm này chỉ phù hợp với các dự án chỉ định thầu. Những công trình/dự án tổ chức đấu thầu, việc chuẩn xác lại không thể thực hiện bởi bản chất tham gia dự thầu, nhà thầu đã chấp nhận "lời ăn lỗ chịu".
Sẽ rà soát tổng thể định mức
Cũng theo ông Nguyễn Trung Sơn, đại công trường dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đang triển khai sẽ là "thời điểm vàng" để xây dựng định mức chuyên ngành, bởi đây là dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Phạm vi dự án trải dài từ miền Trung đến miền Nam, cùng một định mức có thể xây dựng được cho đặc thù từng khu vực. Máy móc đã được huy động phần lớn ra công trường nên có điều kiện thu thập đủ dữ liệu, đánh giá hao phí máy móc, thiết bị.
Theo một cán bộ Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hiện nay, định mức chung của ngành xây dựng đã cơ bản đầy đủ các định mức của ngành GTVT. Mặt khác, quy định hiện hành cũng chưa định nghĩa rõ thế nào là định mức chuyên ngành. "Thêm vào đó, một định mức cần khảo sát bao nhiêu mẫu cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Bộ GTVT rất cần một hướng dẫn cụ thể để có cơ sở xây dựng định mức chuyên ngành", vị này cho biết.
"Hiện, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng làm đầu mối, triển khai nghiên cứu xây dựng định mức chuyên ngành bằng một trong hai cách", ông Sơn thông tin.
Theo đó, cách thứ nhất là mỗi chủ đầu tư tuyển một tư vấn đi làm dự án, Cục sẽ tổng hợp số liệu để xây dựng định mức. Cách này sẽ mất nhiều chi phí và gặp nhiều thách thức trong phân tích dữ liệu giữa các tư vấn được thuê.
Cách thứ hai là Bộ GTVT xem xét, lấy chi phí lập định mức, giao cho một đơn vị tư vấn hoặc một viện chuyên ngành trực thuộc Bộ đi khảo sát, xây dựng định mức trên tất cả 12 dự án thành phần, lấy dữ liệu xây dựng định mức chuyên ngành. Cách này được cho là tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính đồng bộ.
Ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, hiện có 3 loại định mức liên quan đến xây dựng công trình giao thông, gồm: Định mức kinh tế kỹ thuật chung do Bộ Xây dựng ban hành áp dụng cho tất cả các ngành nghề; Định mức chuyên ngành do các bộ chuyên ngành xây dựng, công bố và định mức dự toán công trình.
"Bộ GTVT nên có đơn vị sự nghiệp kinh tế đóng vai trò như một cơ quan thường trực để liên tục thu thập thông tin, cập nhật số liệu, kịp thời đề xuất tham mưu việc điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các định mức chung hoặc chuyên ngành. Nhiệm vụ này Bộ có thể xem xét, giao cho Viện Chiến lược và Phát triển GTVT hoặc Viện Khoa học - Công nghệ", ông Tuyên chia sẻ.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm mới đây, đề cập đến vấn đề rà soát đơn giá định mức, ông Phùng Tiến Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo rà soát, có 547 định mức cho các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không và đã xin ý kiến hết các chủ đầu tư, tư vấn. Nội dung này đang được làm việc thêm với Cục Kinh tế xây dựng và sẽ theo hướng cập nhật vào Thông tư 12 của Bộ Xây dựng.
Trong quá trình thực thi, sẽ nảy sinh vấn đề định nghĩa thế nào là định mức chuyên ngành giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng. Chẳng hạn, bên xây dựng cũng có định mức đắp đường vậy khi chiếu sang dự án cao tốc, có cần làm định mức đắp đường cao tốc riêng?
Nghị định 10 đã quy định rõ định mức nào chưa có thì tư vấn thiết kế lập. Nếu tư vấn lập định mức thì cơ quan chuyên môn là Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ thẩm định sau đó chủ đầu tư phê duyệt.
Ông Đặng Hoài Nam (Cục Kinh tế xây dựng) cũng cho rằng, về định mức chuyên ngành hay định mức ban hành chung, Nghị định 10 đã có quy định nhưng cách hiểu chưa thống nhất. Bởi bộ định mức chung của Bộ Xây dựng đã ban hành cho tất cả các ngành vì tính phổ biến, nhưng các định mức chuyên ngành, các công tác đặc thù chưa ban hành trong bộ định mức chung, các bộ, ngành vẫn có trách nhiệm xây dựng.
"Về việc rà soát bộ định mức hiện nay, theo quy định, bộ định mức sau 3 năm ban hành sẽ rà soát một lần. Đối với Thông tư 12/2021 cũng vừa đến thời điểm cần có rà soát, cập nhật. Triển khai việc này, Bộ Xây dựng đã giao Viện Kinh tế xây dựng là cơ quan đầu mối chủ trì rà soát để cập nhật các định mức mới.
Giao đầu mối tập trung
Ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nhận định, định mức hiện có đang thiếu khoảng 20-25% so với yêu cầu thực tiễn, chưa kể trong số 75% định mức còn lại, nhu cầu điều chỉnh là rất lớn.
"Sắp tới, nhiều định mức mới sẽ tiếp tục được xây dựng như: Định mức xây dựng đường sắt đô thị; Định mức quản lý, khai thác, bảo trì, vận hành đường sắt đô thị; Định mức đường sắt tốc độ cao; Định mức bảo trì, khai thác đường sắt tốc độ cao…
Song, việc xây dựng định mức ngành GTVT hiện còn thiếu sự tập trung do các ban QLDA có thể thuê nhiều đơn vị tư vấn khác nhau thông qua cơ chế đấu thầu", ông Chung nói và bày tỏ mong muốn Viện sẽ được Bộ GTVT giao là đầu mối tổng hợp.
Khi đó, các ban QLDA có thể đặt hàng với Viện xây dựng định mức dự án thông qua cơ chế giao đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ.