Cấp thiết xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dự án đường sắt mới

Ngày 6/5, Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề 'Các vấn đề tiêu chuẩn cho đường sắt hiện đại - Nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới'.

Đổi mới đào tạo, tạo nền tảng kỹ thuật trong nước

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành đường sắt Việt Nam đang đứng trước thời cơ phát triển vượt bậc với nhiều chủ trương lớn, quyết sách chiến lược được Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác lập.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải phát biểu tại tọa đàm.

"Hiếm có thời điểm nào trong lịch sử phát triển ngành đường sắt Việt Nam lại chứng kiến những chuyển biến tích cực như hiện nay. Chỉ trong chưa đầy một năm, Quốc hội đã liên tiếp thông qua nhiều nghị quyết, cơ chế quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về tiêu chuẩn, công nghệ và huy động nguồn lực, mở đường cho sự cất cánh của ngành đường sắt", ông Hùng nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Trường Đại học Giao thông vận tải đã và đang chủ động thích ứng, triển khai nhiều giải pháp, chương trình nhằm đáp ứng bối cảnh mới.

Cụ thể, nhà trường đã công bố 5 chương trình đào tạo kỹ sư các lĩnh vực đường sắt hiện đại, góp phần đổi mới sâu sắc nội dung, phương pháp đào tạo, hướng đến các dự án trọng điểm quốc gia.

Từ năm 2024 đến nay, nhà trường phối hợp với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức chuỗi tọa đàm, hội thảo về tiêu chuẩn thiết kế, công nghệ vật liệu, giải pháp thi công và vận hành, khai thác hệ thống đường sắt hiện đại.

Trường cũng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng; Ban QLDA Đường sắt (Bộ Xây dựng) tiếp nhận và biên dịch 88 tiêu chuẩn cốt lõi của đường sắt điện khí hóa và 29 tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, bước đầu hình thành nền tảng kỹ thuật cho cộng đồng kỹ sư trong nước.

PGS. TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ KHCN,MT và Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng chia sẻ thông tin.

PGS. TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam có quá trình phát triển tuyến đường sắt lâu đời, song phần lớn các tuyến hiện nay thuộc khổ nhỏ. Việc đầu tư cho đường sắt trong những năm gần đây còn thấp.

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt Việt Nam xác định, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 2.362km đường sắt kết nối đến các khu kinh tế, cảng biển.

Trong đó, mục tiêu được Chính phủ đặt ra là khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025, khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2026.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng các nghị định phục vụ triển khai đặt hàng các doanh nghiệp lớn tham gia.

Bộ Công Thương cũng đang chủ trì xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt. Trên cơ sở đó, các chuyên gia tham gia thảo luận nhóm xây dựng hạ tầng, đầu máy - toa xe, hệ thống tín hiệu điều khiển…

Khung pháp lý và tiêu chuẩn là "nền móng" cho các dự án lớn

Tại tọa đàm, ông Bùi Văn Dưỡng, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) đã trình bày hàng loạt nội dung quan trọng như: cơ sở pháp lý ban hành Nghị định Chính phủ áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) trong xây dựng đường sắt tốc độ cao; quy định chung đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM...

Ông Bùi Văn Dưỡng, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng chia sẻ tại tọa đàm.

Theo ông Dưỡng, trên cơ sở nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, dự thảo nghị định liên quan đã xác định được nhiều yếu tố quan trọng để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao như: quy định quy hoạch phân khu chức năng cụm nhà ga; việc áp dụng tiêu chuẩn của nhà sản xuất khi chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp...

Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ triển khai theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ về dự án hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM do UBND thành phố quyết định lựa chọn áp dụng cho các dự án sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

"Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư được đề xuất thay đổi, bổ sung các tiêu chuẩn áp dụng khi không làm thay đổi các nội dung dẫn đến phải điều chỉnh dự án và phải được cơ quan chủ quản dự án chấp thuận", ông Dưỡng chia sẻ.

Tại tọa đàm, việc ứng dụng BIM trong thực hiện các dự án đường sắt cũng được bàn luận với mục tiêu bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ các bên: tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, cơ quan quản lý và vận hành công trình.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cap-thiet-xay-dung-tieu-chuan-ky-thuat-cho-cac-du-an-duong-sat-moi-192250506135232017.htm