Cấp xã quản lý, thực hiện thủ tục đất đai: Nhiều thuận lợi cho người dân
Theo chuyên gia, nếu phân cấp quản lý đất đai cho cấp xã thì công việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm bớt tình trạng quá tải.
Như PLO đã đưa tin, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đang triển khai xây dựng 3 Nghị định trình Chính phủ và ban hành 18 Thông tư theo thẩm quyền nhằm thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên.
Trong số các văn bản, Dự thảo Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1-6-2025 được đặc biệt quan tâm.
Theo Bộ NN&MT, Dự thảo Nghị định quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền: HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, cùng cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã sẽ đảm nhận một số thẩm quyền trước đây thuộc cấp huyện. Riêng đối với đất có mặt nước như ao, hồ, đầm nằm trên địa bàn nhiều xã, phường, thẩm quyền quản lý sẽ thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 188.

HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, cùng cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã sẽ đảm nhận một số thẩm quyền trước đây thuộc cấp huyện. Ảnh: VGP
Cấp xã chủ động hơn trong quản lý đất đai khi được giao thẩm quyền
ThS Ngô Gia Hoàng, Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết Luật Đất đai 2024 đã mở rộng thẩm quyền của UBND cấp huyện. UBND cấp huyện là cấp chính quyền "nòng cốt" trong thực hiện quản lý đất đai tại địa phương và thực hiện hầu hết các thẩm quyền liên quan đến đất đai.
Đơn cử, UBND cấp huyện có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân, giao đất đối với cộng đồng dân cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho cá nhân, cộng đồng dân cư....
Còn Chủ tịch UBND cấp huyện có các thẩm quyền như: Giải quyết tranh chấp đất đai (lần đầu) giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau đối với tranh chấp mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và đương sự nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện; ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế

Thạc sĩ Ngô Gia Hoàng,Trường Đại học Luật TP.HCM
Với đề xuất tại dự thảo thì trong thời gian tới, chính quyền cấp xã sẽ thực hiện các thẩm quyền của cấp huyện hiện nay.
ThS Ngô Gia Hoàng cho rằng, cấp xã là cấp gần dân, giải quyết nhanh chóng thủ tục đất đai. Cụ thể, khi thẩm quyền giải quyết hồ sơ, giấy tờ đất đai được giao cho cấp xã, việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm bớt tình trạng quá tải.
Theo định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách về đất đai từ cấp huyện sẽ được phân bổ về các xã. Đây là lực lượng có chuyên môn, kinh nghiệm hơn so với công chức cấp xã hiện nay, nên việc chuyển giao thẩm quyền sẽ không gặp nhiều khó khăn về năng lực.
"Việc giao thẩm quyền cho cấp xã giúp chính quyền cơ sở chủ động hơn trong quản lý đất đai trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, tránh tình trạng buông lỏng quản lý. Điều này phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và rút ngắn quy trình xử lý thủ tục cho người dân, nhà đầu tư" - Ths Hoàng nhấn mạnh.
Bước đầu sẽ có khó khăn nhưng mang lại nhiều thuận lợi
Dù vậy, Ths Ngô Gia Hoàng cho rằng, việc giao thẩm quyền cho cấp xã trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên cũng sẽ gặp một số thách thức nhất định.
Hiện nay một số xã, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hiện chưa đủ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về phòng làm việc, máy móc, phần mềm quản lý đất đai, kết nối cơ sở dữ liệu… để tiếp nhận khối lượng công việc lớn về đất đai.
Cán bộ từ cấp tỉnh, huyện chuyển xuống cấp xã dù có chuyên môn nhưng sẽ phải thích nghi với môi trường làm mới, các vụ việc đất đai với yếu tố phức tạp, tranh chấp kéo dài; bị ảnh hưởng bởi tập quán địa phương... Số lượng hồ sơ đất đai thực tế rất lớn cộng thêm công việc hành chính thường xuyên khác nên bước đầu sẽ có giai đoạn quá tải tạm thời.
"Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên sẽ mang lại nhiều thuận lợi dù gặp khó khăn thời gian đầu thực hiện.
Do đó, bên cạnh điều chỉnh quy định pháp luật, cần đẩy mạnh tập huấn chuyên sâu về chuyên môn cho cán bộ cấp xã; đầu tư trang thiết bị, phần mềm đồng bộ hóa với hệ thống cấp tỉnh và trung ương. Tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm sai phạm… để cấp xã hoạt động đạt hiệu quả cao và phục vụ tốt người dân", Ths Ngô Gia Hoàng nói.
Thẩm quyền của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện
Theo Luật đất đai 2024, cấp huyện là cấp thực hiện hầu hết các hoạt động quản lý đất đai.
UBND cấp huyện có thẩm quyền tổ chức lập, lấy ý kiến, công bố công khai, thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân, giao đất đối với cộng đồng dân cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho cá nhân, cộng đồng dân cư....
Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất...
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư... Phê duyệt, chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế; phương án sử dụng đất trồng lúa của cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho...
Chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền: Ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền.
Quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Giải quyết tranh chấp đất đai (lần đầu) giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau đối với tranh chấp mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và đương sự nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện.
ThS NGÔ GIA HOÀNG, Đại học Luật TP.HCM