TP.HCM và tiến trình 50 năm đô thị hóa
50 năm là ngắn so với lịch sử của thành phố, nhưng đó là thời gian đáng tự hào của chính quyền và nhân dân khi từng bước xây dựng, phát triển TP.HCM rộng hơn, hiện đại hơn.
Ngày 30/4/1975, chiến tranh kết thúc. Một trong những điều may mắn nhất là Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Khi ấy được coi là thành phố hiện đại nhất, nhì Đông Nam Á với đầy đủ cấu trúc, thành phần chức năng của thành phố hiện đại, văn minh cần có.
Chúng ta kế thừa một tài sản vô giá không chỉ về tổ chức vật chất, mà còn cả về quản lý, hành chính, đặc biệt là giá trị về con người. Chính quyền và người dân bắt tay xây dựng TP.HCM trên một nền tảng như thế.

Với sự phát triển của thành phố, những vùng như Thủ Đức trước đây được xem là vùng ven, giờ đang từng bước chuyển mình, trở thành những vùng đô thị hiện đại.
Từng bước định hình trong chuỗi đô thị toàn cầu
So với thời điểm 1975, TP.HCM bây giờ to lớn gấp 3 lần. Năm 1975, cả Sài Gòn và Chợ Lớn có diện tích khoảng 720km2; năm 1976 sáp nhập toàn bộ tỉnh Gia Định, quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương; đến năm 1978 nhập thêm xã Hiệp Phước của Long An và huyện Duyên Hải thuộc Đồng Nai, như thế diện tích TP.HCM tăng lên thành 2.095km2 giữ cho đến ngày nay.
Dân số sau năm 1975 khoảng 3 triệu người, đến nay hơn 9 triệu dân trường trú và khoảng 3 triệu dân vãng lai.
Công cuộc đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở TP.HCM bắt đầu từ bao giờ? Không phải ngay sau năm 1975, mà mãi đến năm 1990. Khởi đầu cho tiến trình này là sự ra đời của khu chế xuất Tân Thuận năm 1991.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo, từ dòng kênh chết đã dần được hồi sinh.
Tuy nhiên, công cuộc đô thị hóa - công nghiệp hóa của thành phố gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đến năm 2008 lại rơi vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rồi dịch Covid-19 kéo dài từ 2020-2023 làm cho kinh tế thành phố bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nhưng nhìn một cách tổng thể, sau 50 năm, công cuộc đô thị hóa của TP.HCM đã đi đúng hướng, gặt hái được những thành công nhất định, góp phần định vị TP.HCM trong chuỗi đô thị toàn cầu.
Đô thị hóa luôn gắn với công nghiệp hóa. Đến nay, TP.HCM có 22 khu công nghiệp và khu chế xuất, 2 khu công nghệ cao và phần mềm công nghệ thông tin, trong đó phải kể đến các khu công nghiệp có quy mô lớn như: Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Hiệp Phước, khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung.
Các khu công nghiệp này thu hút hơn 1,2 triệu lao động. TP.HCM luôn nằm trong Top 5 có FDI cao nhất quốc gia. Môi trường đầu tư tốt đã thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới đến từ: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
Hạ tầng giao thông từng bước hiện đại
TP.HCM đang sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xem là tốt nhất và đa dạng nhất trong các tỉnh thành phía Nam.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh (2007); đại lộ Đông Tây năm 2010, sau này đổi thành đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; đại lộ Phạm Văn Đồng, hầm đường bộ Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, Bình Lợi, Ba Son, tuyến metro số 1, tới đây là đường Vành đai 3, Vành đai 4. Sân bay Tân Sơn Nhất được hoàn thiện và mở rộng hơn, nhà ga T3 vào hoạt động sẽ phục vụ được 22 triệu hành khách mỗi năm.
TP.HCM có hệ thống cảng biển tổng hợp cấp quốc gia bao gồm Cát Lái, Phú Hữu, Hiệp Phước, là hệ thống cảng biển lớn nhất ở Việt Nam, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, đóng vai trò là cửa ngõ quốc tế của cả nước trong hoạt động xuất và nhập khẩu.

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được cải tạo và đại lộ Võ Văn Kiệt được đầu tư, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố.
Trước năm 1975, dân cư tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm, thì sau năm 1990, các đô thị hoàn toàn mới xuất hiện với những tiêu chuẩn hiện đại hơn như: Bàu Cát 1, 2, 3, Thảo Điền, An Phú Anh Khánh, Trung Sơn... Đặc biệt, sự xuất hiện của khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của quốc gia, góp phần thay đổi quy mô và diện mạo của TP.HCM.
Hơn thế nữa, khu đô thị này làm thay đổi nhận thức của người dân và cơ quan công quyền, từ chỗ ở đơn lẻ đến không gian sống đa chức năng, hướng đến môi trường sống xanh, sạch, cảnh quan đẹp, an ninh an toàn, dịch vụ tiện ích, cộng đồng thân thiện.
TP.HCM có thị trường bất động sản và xây dựng sôi động nhất cả nước. Đến nay, thành phố có 1.458 tòa nhà cao tầng (tính từ 12 tầng trở lên), trong đó 276 tòa nhà cao hơn 40 tầng, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm. Đa phần trong số đó là các chung cư, công sở. Việc chuyển từ cư trú nhà trệt truyền thống sang nhà chung cư đã làm diện tích nhà ở tăng lên từ 7m2/người trước năm 1990 lên 20m2/người năm 2021.
Đô thị hóa cũng là cơ hội để TP.HCM thực hiện những công trình dân sinh phục vụ cộng đồng. Trước năm 1975, Sài Gòn là thành phố có khá nhiều cây xanh, nhưng không nhiều công viên. Sau năm 1990, rất nhiều công viên mới ra đời như: Đầm Sen, Lê Văn Tám, 23-9, Lê Thị Riêng, Gia Định, công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Gần đây, việc khánh thành công viên du lịch sinh thái Hóc Môn và dải công viên Thủ Thiêm cho thấy những nỗ lực của chính quyền trong xây dựng công trình phục vụ cộng đồng.

Tuyến đường sắt metro số 1 hoàn thành, đưa vào khai thác, mở ra triển vọng mới cho ngành vận tải công cộng của TP.HCM.
Việc nâng cấp cải tạo khu vực lõi của thành phố cũng là thành tích đáng ghi nhận trong tiến trình đô thị hóa. Trước năm 2000, khu vực 930ha của TP.HCM bao gồm quận 1, quận 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh không có gì thay đổi nhiều.
Nhưng năm 2015, có một sự kiện buộc phải thay đổi diện mạo khu trung tâm. Đó là việc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước cửa UBND thành phố, điểm kết của trục đường Nguyễn Huệ.
Để có một cảnh quan tương xứng với tượng, một loạt dự án ra đời, có cả làm mới và cải tạo. Đầu tiên là phố đi bộ Nguyễn Huệ, sau đó lan rộng ra dải đất dọc theo bến cảng Bạch Đằng, khu vực công viên Quách Thị Trang, công viên 23-9, khu vực quanh chợ Bến Thành, trục đường Lê Lợi, Lê Duẩn, hồ Con Rùa.
Hai công trình quan trọng là cầu Ba Son nối quận 1 với Thủ Thiêm và nhà ga trung tâm là đầu mối của 6 tuyến metro đã làm thay đổi hẳn diện mạo trung tâm theo hướng hiện đại, mỹ thuật và tiện ích hơn.
Một trong số những công trình tiêu biểu nhất của đô thị hóa chính là cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trước năm 1990, dòng kênh này mang tên “kênh đen”, “kênh thúi”, “kinh chết”... Hàng nghìn hộ dân lấn chiếm dọc bờ kênh và trên mặt kênh từ trước năm 1975. Không một ai tin là sẽ thay đổi được số phận của nó.
Bằng nỗ lực phi thường trong 19 năm, tổng nguồn vốn hơn 6.000 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành. Tái định cư 7.000 hộ dân, nạo vét con kênh dài 10km, trả lại cho nó chức năng tiêu thoát nước và giao thông dọc theo kênh bằng hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa.
TP.HCM sẽ là đại đô thị lớn hàng đầu thế giới
Nửa thế kỷ tiếp theo, TP.HCM sẽ phát triển rất khác với 50 năm trước đó. Bởi, khi nói TP.HCM không còn bó hẹp trong khuôn khổ 2.100km2 nữa, người dân thành phố không chỉ là người sống ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức nữa, mà còn bao hàm cả người dân Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
TP.HCM hợp nhất có diện tích 6.776km2, dân số khoảng 14 triệu người. Có thể nói, đây là đại đô thị lớn hàng đầu thế giới, lớn hơn các đại đô thị trên thế giới như: Thượng Hải, Tokyo, Moscow.

Vành đai 3 được đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2025 sẽ mở ra không gian phát triển mới cho thành phố, không chỉ bó hẹp ở các quận, huyện TP.HCM trước đây mà kết nối trực tiếp đến Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc hợp nhất này, thời gian đầu sẽ gặp khó khăn về công tác quản lý, nhưng nếu biết phát huy tiềm năng, nó sẽ là vùng kinh tế năng động và mạnh nhất cả nước. Bởi sự hợp nhất mở ra không gian phát triển rộng lớn, đa dạng, khơi thông nguồn lực, mang lại nhiều động lực phát triển mạnh mẽ.
Việc hợp nhất sẽ làm gia tăng sức mạnh và vị thế của TP.HCM, hình thành ba vùng kinh tế với ba thế mạnh khác nhau. TP.HCM (theo địa giới cũ) là trung tâm tài chính và dịch vụ; Bình Dương (cũ) là trung tâm công nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu là du lịch, nghỉ dưỡng và vận tải biển.
Cả ba nơi này bổ sung cho nhau làm gia tăng tính đa dạng của vùng kinh tế trọng điểm. Khi việc sáp nhập này được thực hiện, quy mô kinh tế của TP.HCM mới có thể chiếm tới gần 30% GRDP của cả nước. Đây sẽ là động lực quan trọng để TP.HCM tiếp tục viết trang sử mới, xứng tầm với những thành phố lớn trong khu vực và thế giới.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tphcm-va-tien-trinh-50-nam-do-thi-hoa-192250426133058352.htm