Càphê đá Việt Nam trong top 10 đồ uống ngon nhất thế giới
Taste Atlas mô tả càphê đá Việt Nam là thức uống kết hợp giữa càphê đậm, sữa đặc và đá; ngoài ra, càphê đá còn có phiên bản chỉ kết hợp càphê và đá (đen đá).
![(Nguồn: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_293_51419697/867d15a52cebc5b59cfa.jpg)
(Nguồn: Vietnam+)
Với đánh giá 4,3/5 sao, càphê đá của Việt Nam xếp thứ 8 trong danh sách 63 loại cà phê (đồ uống) ngon nhất thế giới, được Taste Atlas công bố ngày 6/2.
Taste Atlas mô tả càphê đá Việt Nam là thức uống kết hợp giữa càphê đậm, sữa đặc và đá. Theo truyền thống, món đồ uống này được pha bằng càphê xay vừa hoặc thô của Việt Nam, thường là hạt robusta được pha bằng phin. Trong khi ở nhiều nước khác trên thế giới, hạt arabica được ưa chuộng hơn.
Sau khi lọc từ phin, càphê được thêm sữa đặc và đá rồi mới đem đi thưởng thức. Thường, loại đồ uống này sẽ được phục vụ trong một chiếc ly cao. Ngoài ra, càphê đá còn có phiên bản chỉ kết hợp càphê và đá (đen đá).
Không chỉ càphê đá, nhiều món càphê khác đến từ Việt Nam cũng nằm trong top ngon nhất thế giới, bao gồm càphê trứng đứng thứ 27 với 4/5 sao và cà phê sữa chua hạng 53 với 3/5 sao.
Cả 2 món đồ uống này đều được pha bằng hạt robusta đen đậm đặc. Với càphê trứng, càphê sau khi pha phin sẽ đem kết hợp với lòng đỏ trứng và sữa đặc đã được đánh bông, có bọt, dạng sệt, dậy mùi thơm béo đặc trưng.
Tương tự càphê sữa chua cũng được kết hợp từ càphê đen truyền thống pha phin hòa cùng sữa chua, sữa đặc và đá. Các thành phần có thể pha trộn với nhau bằng tay hoặc xay nhuyễn cho đến khi sánh mịn.
Theo bảng xếp hạng của Taste Atlas, đứng đầu danh sách 63 món càphê ngon nhất thế giới thuộc về cà phê Cubano đến từ Cuba.
Thức uống này là một loại espresso độc đáo được làm ngọt bằng đường demerara, pha càphê rang sẫm màu hơn với đường, tạo ra bọt màu nâu nhạt trên bề mặt càphê.
Espresso kiểu Cuba được coi là thức uống tiêu chuẩn, thường dùng vào giữa buổi chiều.
Mỗi một quốc gia có những đặc trưng riêng biệt về các loại càphê nhưng tất cả đều có một điểm chung là cùng góp phần tạo nên sự đa dạng cho bản đồ càphê thế giới cũng như đưa ngành công nghiệp càphê ngày càng phát triển vững mạnh.
Càphê du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ 19 và nhanh chóng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng màu mỡ của Việt Nam và đã trở thành thức uống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia chủ lực về xuất khẩu càphê, với số lượng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil.
Với hương thơm quyến rũ đặc biệt, hạt càphê được rang đậm, vị chua nhẹ có độ sánh từ nguồn nguyên liệu càphê Robusta Buôn Ma Thuột, càphê Việt Nam thường được sử dụng để pha chế ra những thức uống phong phú và độc đáo.
Những yếu tố từ sự đa dạng của giống cây trồng, tính chất của đất, thời tiết, ánh nắng mặt trời, lượng mưa hay thậm chí cả độ cao mà càphê phát triển đều ảnh hưởng đến hương vị của càphê.
Năm 2024, xuất khẩu càphê của Việt Nam thiết lập mốc kỷ lục mới 5,6 tỷ USD, vượt 32,5% so với kỷ lục cũ là 4,24 tỷ USD đạt được trong năm trước đó.
Đây cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu càphê của Việt Nam vượt mốc 5 tỷ USD.
Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch lần lượt là 602,9 triệu USD, 459,6 triệu USD và 444,8 triệu USD, tăng 31,6%, 41,3% và 75,4% so với cùng kỳ năm trước./.