Vị vua nào cởi hoàng bào đắp cho thủ cấp tướng địch?

Khi quân thần dâng thủ cấp tướng địch lên báo cáo, vua dành lời khen ngợi rồi cởi hoàng bào đắp lên.

Người được nhắc đến là vua Trần Nhân Tông, một trong những vị vua tài giỏi và anh minh nhất lịch sử Việt Nam.

Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ ba triều Trần, con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, ngay từ khi sinh, vua đã “tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”, nên được mọi người gọi là Kim Tiên đồng tử.

Nhờ trí tuệ sáng suốt, được dạy dỗ cẩn trọng, vua Trần Nhân Tông am hiểu tường tận nhiều lĩnh vực về quân sự, âm nhạc, lịch số học và thiên văn học và được truyền ngôi năm 20 tuổi.

Sau khi lên ngôi, thấy rõ nền độc lập của Đại Việt bị đe dọa bởi nguy cơ xâm lược đến từ nhà Nguyên, vua Trần Nhân Tông nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo sự ổn định và đoàn kết trong nước.

Vua ứng xử vừa khéo léo, vừa cứng rắn với nhà Nguyên, đồng thời chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước không thể tránh khỏi sau này. Trong thời gian tại vị, vua Trần Nhân Tông cùng quân thần 2 lần đại thắng giặc Nguyên Mông cực kỳ hung hãn, khiến kẻ địch không dám xâm lược Đại Việt lần nữa.

Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng để xuất gia. (Ảnh minh họa)

Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng để xuất gia. (Ảnh minh họa)

Đại Việt sử ký toàn thư chép, trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ 2 (1285), Nguyên soái Toa Đô của địch bị quân ta chặt đầu ở Tây Kết. Khi thủ cấp được dâng lên, vua Trần Nhân Tông thương hại nói “người làm tôi phải nên như thế này", rồi cởi áo đắp cho, sai quân đem liệm chôn.

Nhận xét về hành động này, nhà sử học Ngô Sĩ Liên ca ngợi: "Thực là câu nói của bậc đế vương. Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm".

Sau khi đánh đuổi giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, vua lại lo lắng cho muôn dân trăm họ, bởi quân xâm lược đốt phá hết chùa miếu trong nước, khai quật phần mộ tổ tiên, cướp bóc dân gian, phá phách sản nghiệp trăm họ, mọi tàn ác không việc nào trừ.

Dù quốc khố triều đình sau cuộc chiến còn khó khăn, vua vẫn ra chiếu miễn toàn bộ các khoản thuế trong nhiều năm cho những vùng bị tàn phá, đồng thời cứu tế những nơi thiếu lương thực, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.

Có lẽ chính vì cái tâm đẹp, luôn hướng về cái thiện mà vua có duyên với đạo Phật. Khi thấy Thái tử (sau này là vua Trần Anh Tông) trưởng thành, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, lên làm Thượng hoàng rồi xuất gia đi tu.

Năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời đến Yên Tử (Quảng Ninh), sau này khai sáng Thiền phái Trúc Lâm. Năm 1308, ngài viên tịch tại đỉnh Ngọa Vân, núi Yên Tử. Hậu thế yêu mến, kính trọng suy tôn vua là Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vua Phật Việt Nam.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-vua-nao-coi-hoang-bao-dap-cho-thu-cap-tuong-dich-ar924229.html