Cắt cánh tay cứu bệnh nhân nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc
Nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, nguy kịch dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng. Các bác sĩ đã buộc phải đưa ra chỉ định cắt cánh tay của người bệnh để giữ lại tính mạng.
Ngày 11/2, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, khoa Phẫu thuật Chi trên của bệnh viện vừa điều trị thành công một trường hợp bị viêm mô tế bào nặng gây sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi bệnh viện đe dọa đến tính mạng.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thanh T. (26 tuổi), nhập viện cấp cứu ở ngày thứ 5 của bệnh với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn. Vị trí được xác định bị vi khuẩn xâm nhập là tại điểm viêm mô tế bào cẳng bàn tay phải trên cơ địa gút mạn tính. Thời điểm nhập viện, cánh tay phải của người bệnh sưng nề, ấn lõm, mặt sau 1/3 cánh tay phải có vùng hoại tử khoảng 5cm, mu tay phải có phù nề, chảy mủ kích thước 2cm.
BS Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Chi trên cho biết, sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân chưa đáp ứng điều trị, tiến triển tại chỗ, bệnh ngày càng nặng hơn, toàn thân nhiễm trùng nhiễm độc nặng, rối loạn dinh dưỡng, rối loạn điện giải. Tại chỗ vết thương có nhiều hoại tử ướt, mô hạt kém phát triển, nhiều dịch dạng tinh thể urat của bệnh gút. Vi khuẩn xâm nhập vào đường máu, gây sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa cơ quan.
Bệnh viện đã hội chẩn, nhanh chóng lọc máu liên tục, truyền bù đạm, bù máu, đổi sang kháng sinh mạnh hơn. Đồng thời, cắt lọc bổ sung tổn thương tại chỗ vết thương. Bệnh nhân mổ cấp cứu để rạch áp xe với hai đường phía trước và phía sau cẳng tay để giải áp và cắt lọc, cấy khuẩn.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, cuộc hội chẩn toàn bệnh viện đã được thực hiện để tìm giải pháp cứu chữa cho người bệnh. Qua các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm phổi bệnh viện do vi khuẩn K. pneumoniae – sốc nhiễm khuẩn đường vào từ viêm mô tế bào cánh – cẳng tay phải do S. pyogenes + Klebsiella đa kháng trên cơ địa bị gút, tiền đái tháo đường và suy tim.
Sau khi tư vấn và được sự đồng thuận của gia đình, các bác sĩ đã lựa chọn phương án đoạn chi bị nhiễm trùng, hoại tử nặng không còn khả năng bảo tồn để cứu sinh mạng người bệnh. Cuộc mổ cấp cứu trong đêm được thực hiện, ê kíp phẫu thuật đã đoạn chi đến 1/3 trên cánh tay phải bệnh nhân. Sau phẫu thuật, vị trí mỏm cụt dần liền da, sức khỏe của bệnh nhân cũng cải thiện tốt.
Từ trường hợp trên, BS Nguyễn Văn Bình cảnh báo, viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính. Nguyên nhân thường do vi khuẩn thuộc nhóm Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra. Các trường hợp nhẹ do nhiễm trùng cục bộ có thể xuất hiện mẩn đỏ ở một vùng da. Trường hợp nặng gây sốt và các hạch bạch huyết khu vực có thể sưng to, nặng hơn gây nhiễm khuẩn huyết thậm chí sốc nhiễm khuẩn dẫn đến suy đa cơ quan và có thể làm người bệnh tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, viêm mô tế bào là tổn thương khá thường gặp trong cộng đồng, với biểu hiện lúc khởi phát thường không quá nghiêm trọng nên dễ làm cho người bệnh cũng như người nhà có tâm lý chủ quan không đến cơ sở y tế khám bệnh. Khi bệnh diễn biến nặng, biến chứng nguy kịch rồi mới đến khám thì đã muộn. Do đó, khi bệnh nhân có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau vùng da trên cơ thể nhất là các vùng trên chi thể cần đến ngay cơ sở y tế để làm khám và điều trị, tránh chủ quan dẫn đến những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.