Cắt điện, nước hay không?
Câu chuyện cắt điện, nước với công trình xây dựng vi phạm đã 'lấn cấn' từ rất nhiều năm nay, mới đây một lần nữa được UBND TP Hà Nội nhắc lại, trong báo cáo tình hình soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Nội dung có cắt điện, nước với công trình vi phạm hay không được Hà Nội xin ý kiến các đơn vị liên quan; vì đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Những địa điểm bị đề nghị cắt điện, nước gồm công trình xây dựng không phép, trái phép; vi phạm trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng đã hoạt động; cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC.
Theo báo cáo, hình thức cắt điện, nước với các công trình vi phạm hiện không có quy định, gây khó khăn trong xử lý vi phạm tại một số địa phương. Và trong quá trình xây dựng dự luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước vì ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân.
Tại TP HCM, vấn đề nêu trên hồi đầu năm 2023 cũng được Sở Xây dựng nhắc đến trong báo cáo kết quả thực hiện một chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, TP không thể triển khai quy định ngừng cung cấp điện, nước với công trình vi phạm xây dựng và xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý đấu nối, cung cấp dịch vụ điện nước cho công trình vi phạm xây dựng.
Sở Xây dựng TP HCM lý giải hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật hiện hành không quy định ngừng cung cấp điện, nước khi XLVPHC. Trong quá khứ, việc cắt điện, nước công trình vi phạm từng được quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2003. Tuy nhiên, Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn không quy định biện pháp này, nên TP HCM đã ngưng áp dụng biện pháp cắt điện, nước của công trình vi phạm từ khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực (ngày 1/1/2015).
Ở cấp Bộ, ngành, năm 2018, Bộ Xây dựng lấy ý kiến cơ quan chức năng với đề xuất cắt điện, nước công trình vi phạm. Và nội dung này cũng gặp phải một số ý kiến không đồng tình.
Ở tầm Quốc hội, hồi cuối năm 2020, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, đề xuất bổ sung biện pháp cắt điện, nước như biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC cũng nhận được hai luồng quan điểm khác nhau của các đại biểu Quốc hội, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải gửi phiếu xin ý kiến. Kết quả 207/399 đại biểu không đồng ý, 190/399 đồng ý, nghĩa là “thế giằng co rất quyết liệt”, số lượng đại biểu ủng hộ từng phương án không nghiêng về một phía nào. Và cắt điện, nước với công trình vi phạm hay không, luật vẫn không quy định.
Quả là rất khó phân định vấn đề này, vì xét ở góc độ quyền công dân, thì ai cũng có quyền được cung cấp điện và nước sạch. Nhưng ở khía cạnh khác, cũng có lập luận cho rằng mọi công dân đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về xây dựng, không thể cứ vi phạm rồi đặt cơ quan chức năng vào “thế đã rồi”, gây khó cho công tác quản lý nhà nước. Cắt điện, nước với công trình vi phạm hay không, chúng ta một lần nữa cùng chờ xem các cơ quan liên quan sẽ trả lời Hà Nội ra sao?
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cat-dien-nuoc-hay-khong-post487175.html