Cắt giảm lãi suất có thể giúp kinh tế Canada tránh được những rủi ro

Nhiều tháng qua, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã rất khéo léo kéo chậm nền kinh tế vừa đủ để kiểm soát lạm phát, nhưng không tới mức có thể gây ra suy thoái.

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Ontario, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Ontario, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mạng CBC News ngày 20/6 đăng bài phân tích, trong đó đặt ra câu hỏi liệu việc tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể giúp kinh tế Canada tránh được những rủi ro phía trước hay không.

Nhiều tháng qua, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã rất khéo léo kéo chậm nền kinh tế vừa đủ để kiểm soát lạm phát, nhưng không tới mức có thể gây ra suy thoái.

Trong một báo cáo gần đây, BoC đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy chiến lược của họ đang phát huy hiệu quả. Lạm phát đã giảm, kinh tế tăng trưởng trở lại và tiền lương đang được phục hồi.

Tuy nhiên, BoC cũng đang phải đối mặt với một loạt vấn đề có thể gây khó khăn cho các bước tiến của họ, từ việc gia hạn thế chấp đến biến động dân số và xung đột ở bên ngoài cũng như cháy rừng ở Canada.

Các hộ gia đình ở Canada đã gặp khó khăn trong suốt hai năm qua do giá cả và chi phí vay tăng lên. Vì thế, lạm phát giảm sẽ khiến người dân lạc quan hơn về tương lai. Hầu hết các dự báo đều cho thấy nền kinh tế sẽ cải thiện trong thời gian còn lại của năm nay.

Nhưng rủi ro thực sự vẫn còn đó, BoC sẽ theo dõi chặt chẽ đến thời điểm họ phải ra quyết định có cắt giảm lãi suất lần nữa hay không vào tháng Bảy tới. Đứng đầu danh sách rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của BoC là “cơn sóng thần” gia hạn thế chấp sắp ập xuống nền kinh tế.

Một lượng lớn các hộ gia đình sẽ gia hạn các khoản vay thế chấp với lãi suất cao hơn và các khoản thanh toán nhiều hơn vào năm 2025 có thể làm hạn chế chi tiêu và giảm hoạt động kinh tế cũng như lạm phát nhiều hơn dự kiến.

Chuyên gia kinh tế Michael Davenport của Oxford Economics từng cảnh báo “cú sốc” thanh toán thế chấp sẽ tác động đến các hộ gia đình trong những tháng tới, dẫn đến mức tiêu dùng sụt giảm trong quý 2 và quý 3, khiến nền kinh tế có khả năng rơi vào tình trạng suy thoái nhẹ trong năm nay.

Ngoài ra, BoC cũng lo lắng về việc cắt giảm lãi suất có thể làm thị trường nhà ở quá nóng. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng thị trường bất động sản chậm lại sẽ khiến nhu cầu bị dồn nén trên khắp cả nước.

Thị trường nhà ở quá nóng có thể đẩy giá lên cao và tạo áp lực đối với lạm phát, khiến nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định của BoC thêm khó khăn.

Một mối quan tâm quan trọng khác là kinh tế Canada sẽ được điều chỉnh như thế nào theo sự tăng trưởng dân số.

Số liệu mới được công bố trong tuần cho thấy dân số Canada đã vượt mốc 41 triệu người trong quý đầu tiên của năm 2024, chưa đầy một năm sau khi dân số đạt 40 triệu vào tháng 6/2023.

Theo Cơ quan Thống kê Canada, hầu hết sự gia tăng này là do người nhập cư. Mặc dù tất cả những người Canada mới đến này đều góp phần cho tăng trưởng kinh tế, nhưng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn chỉ dao động quanh mức 0% trong nhiều tháng. Nếu tính GDP theo bình quân đầu người, thì bức tranh của nền kinh tế rõ ràng còn tồi tệ hơn.

Chính phủ Canada tuyên bố họ sẽ làm chậm số lượng người tạm trú được phép vào nước này, điều chắc chắn sẽ thay đổi một trong những động lực đằng sau mức tăng trưởng kinh tế thấp mà Canada có thể đạt được.

BoC nhận định rằng thời điểm và tác động từ các kế hoạch của Chính phủ nhằm hạn chế sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng người không thường trú có thể ảnh hưởng đến dự báo về lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Giống như mọi thứ khác trong nền kinh tế hiện nay, những thay đổi này đầy sự mâu thuẫn. Tăng trưởng dân số mạnh mẽ đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng khiến chi phí cho chỗ ở tăng cao, nhất là tiền thuê nhà.

Kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất hồi tháng 3/2022, BoC đã có cảnh báo về nguy cơ kiểm soát quá chặt hoặc quá lỏng. Nói cách khác là họ lo ngại rằng nếu tăng lãi suất quá cao sẽ gây ra những thiệt hại không đáng có cho nền kinh tế, nhưng nếu tăng chưa đủ, lạm phát sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Benjamin Reitzes của Bộ phận kinh tế Ngân hàng Montreal lại cho rằng việc đo lường rủi ro giữa chu kỳ lãi suất tăng là một việc làm không thể. Thông thường phải mất khoảng 18 tháng để những thay đổi về lãi suất có tác dụng hoàn toàn đối với nền kinh tế.

Ông hy vọng dữ liệu trong vài tháng tới có thể sẽ phù hợp với dự báo và nếu điều đó xảy ra, người Canada có thể mong đợi có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn trong thời gian tới.

Theo nhận định trên thị trường, sẽ có khoảng ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng các nhà kinh tế hy vọng BoC sẽ hành động mạnh tay hơn. Chiến lược gia Tiago Figueiredo của Tập đoàn Desjardins nhận xét quan điểm của họ vẫn là BoC sẽ nới lỏng chính sách thêm ba lần nữa trong năm nay để kết thúc năm 2024 với lãi suất chính sách là 4%.

Tuy nhiên trên thực tế, mọi chuyện lại thường không diễn ra như dự báo. Nhiều biến động đã diễn ra như đại dịch COVID-19 hay xung đột ở châu Âu và Trung Đông. Và trước những điều này, kể cả BoC dường như cũng không chắc chắn về những dữ liệu kinh tế nhất định.

Báo cảo của BoC gần đây đã cho thấy sự gia tăng trong tiết kiệm của hộ gia đình. Điều này có thể chỉ ra việc người tiêu dùng đang thận trọng hơn khi họ muốn chờ đợi điều kiện kinh tế được cải thiện.

Nhưng nó cũng có thể phản ánh mức chi tiêu sụt giảm đối với những hộ gia đình chuẩn bị gia hạn các khoản vay thế chấp có mức lãi suất hàng tháng cao hơn.

BoC ước tính rằng khoảng 80% tổng số các khoản thế chấp còn tồn đọng tính đến tháng 3/2022 sẽ được gia hạn vào cuối năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cat-giam-lai-suat-co-the-giup-kinh-te-canada-tranh-duoc-nhung-rui-ro-post960376.vnp