Cất lên 'tiếng nói' về sức mạnh chữa lành và hàn gắn của nghệ thuật
Vượt lên trên những trao đổi nghề nghiệp giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, David Thomas và những người nghệ sĩ Việt Nam đã chia sẻ những tình cảm và giá trị tinh thần chung.
Họa sĩ David Thomas, cựu binh Mỹ, một nghệ sĩ và nhà giáo dục, bằng nỗ lực của mình, đã có những đóng góp lớn lao và quan trọng để khởi xướng và duy trì những hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh và kiến tạo sự hiểu biết lẫn nhau về nhiều mặt của đời sống vật chất và tinh thần giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.
Được biết, David Thomas quay trở lại Việt Nam vào năm 1987 trong một nỗ lực cá nhân đầy giản dị, tìm về đất nước mà ông đã tham gia chiến tranh vào thời trai trẻ, để tìm cách kết nối và hàn gắn quá khứ. Ông đã không biết rằng chuyến đi đó khởi đầu cho hàng chục chuyến di chuyển giữa Mỹ – Việt Nam trong suốt hơn 30 năm sau, cho tới hôm nay.
Họa sĩ David Thomas và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Hơn 30 năm ấy đã biến Việt Nam đã trở thành một phần trong cuộc đời ông, một quê hương thứ hai, một vùng đất với nhiều người thân, bè bạn, những gắn kết tình cảm và tâm hồn, nơi chốn mà khiến trái tim ông thuộc về đó.
Chia sẻ tại triển lãm, họa sĩ David Thomas cho biết, sau cuộc chiến tranh Việt Nam, những kỉ niệm ông luôn giữ lại trong lòng là nụ cười của những đứa trẻ vùng cao nguyên mỗi khi chúng vây quanh chiếc xe Jeep mà người lính trẻ dừng lại ở bất kì buôn làng nào.
Và “Việt Nam – chiến tranh” dường như là một câu cửa miệng, một suy nghĩ thường trực của bất kì người Mỹ nào trong những năm tháng ấy, nhưng với họa sĩ, ông phát hiện ra những điều đẹp đẽ khác của vùng đất và con người nơi đó, những tâm hồn đẹp đẽ đầy chất thơ, niềm khao khát hòa bình và sự quật cường vượt qua mọi gian khó thời chiến.
Triển lãm đã trưng bày, giới thiệu những sáng tác đồ họa của họa sĩ David Thomas trong giai đoạn chống chọi lại căn bệnh Parkinson trong những năm vừa qua, căn bệnh được xác định là một trong những hậu quả của việc tiếp xúc với chất độc da cam mà có lẽ bị nhiễm trong chiến tranh.
Họa sĩ đã dùng cách in kỹ thuật số để lồng ghép những hình ảnh chụp bộ não của chính mình, với các họa tiết trừu tượng để phản ánh sự nguy hại của chất độc hóa học, qua đó, cất lên tiếng nói phản đối chiến tranh.
Ngoài ra, tại triển lãm cũng trưng bày tác phẩm của 21 nghệ sĩ Việt Nam, như: Bùi Hải Sơn, Đào Châu Hải, Lê Huy Tiếp, Lê Kinh Tài, Lê Lạng Lương, Nguyễn Thế Sơn, Phạm Huy Thông, Phan Cẩm Thượng, Vũ Bạch Liên, Vũ Kim Thư…
Họ là những nghệ sĩ đương đại đã thành danh, từng được tham gia các chương trình lưu trú nghệ thuật tại Mỹ và Việt Nam thông qua tổ chức phi lợi nhuận Indochina Arts Partnership (Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương, IAP) do David Thomas sáng lập năm 1988.
Tác phẩm Mũ quân đội cũ hàn inox - Phạm Huy Thông.
Đến với triển lãm, các họa sĩ Việt Nam đã mang đến những tác phẩm mới của mình, cùng chung chủ đề về vẻ đẹp của nghệ thuật, về sự kết nối của cảm xúc và thẩm mỹ, về sự đồng hành trong cuộc sống và về cái nhìn chung tới tương lai.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết: “IAP là một cầu nối văn hóa nghệ thuật và ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ. Dù đã ngừng hoạt động năm 2019, nhưng trong hơn 30 năm, IAP đã kiến tạo và điều hành hàng chục chương trình trao đổi nghệ thuật lớn nhỏ, đưa nghệ sĩ, trí thức Việt Nam sang thăm và làm việc tại Mỹ và ngược lại”.
Đồng thời, với các tác phẩm của David Thomas, họa sĩ Lê Huy Tiếp đánh giá đây là những thông điệp mạnh mẽ lên án chiến tranh và chất độc hóa học, cũng phản ánh nghị lực và sức sáng tạo bền bỉ của một nghệ sĩ. Khi cộng hưởng với các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, triển lãm đã cất lên “tiếng nói” về sức mạnh chữa lành và hàn gắn của nghệ thuật.
Tác phẩm Mùa hoa tam giác mạch - tác giả Đăng Thị Hương - kích thước 90x90cm.
Bày tỏ sự biết ơn đối với những đóng góp to lớn của họa sĩ David Thomas với ngành Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, cho biết: “Trong suốt hơn 30 năm qua, họa sĩ David Thomas đã luôn đồng hành và hỗ trợ đầy đủ các phương tiện để cho những họa sĩ và ngành mỹ thuật Việt Nam phát triển. Đặc biệt, tổ chức IAP do ông sáng lập tổ chức đều đặn các chương trình Nghệ sĩ Lưu trú (Artist-in-Residence), mời và hỗ trợ cho nhiều nghệ sĩ và trí thức Việt Nam sang sống và làm việc tại Boston.
Nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, vùng miền trên khắp Việt Nam đã được tạo điều kiện sang Mỹ làm việc, học tập và trao đổi ở nước bạn, không chỉ là những chương trình chuyên môn về nghệ thuật, mà thực sự đã là những hoạt động hàn gắn, kiến tạo sự hiểu biết lẫn nhau về nhiều mặt trong đời sống vật chất và tinh thần, của hai dân tộc từng có một quá khứ chung nhiều đau thương”.
Vượt lên trên những trao đổi nghề nghiệp giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, David Thomas và những người nghệ sĩ Việt Nam đã chia sẻ những tình cảm và giá trị tinh thần chung: về vẻ đẹp của nghệ thuật, về sự hàn gắn và kết nối của cảm xúc và thẩm mỹ, về sự đồng hành trong cuộc sống, về một quá khứ và về cái nhìn chung tới tương lai.
Bằng nghệ thuật, họ đã trở thành những người bạn vong niên và là những chứng nhân văn hóa của ba thập kỉ nỗ lực chữa lành một cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa hai bờ đại dương, mà may mắn thay nó đã kết thúc.
Bên cạnh đó, các sáng tác của David Thomas trưng bày trong triển lãm này là một phần của chương trình Photo Hanoi 23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do Viện Pháp tại Hà Nội khởi xướng.
Triển lãm David Thomas và những người bạn trưng bày các sáng tác mới nhất của nghệ sĩ đồ họa đến từ Boston (Hoa Kỳ) David Thomas và các nghệ sĩ Việt Nam diễn ra từ ngày 24-29.4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.