Những ngày tháng 4/2024, nhiều mỏ cát đã được đưa vào khai thác phục vụ thi công 2 dự án cao tốc trục ngang và trục dọc ở miền Tây sau nhiều tháng chờ đợi.
Sà lan vận chuyển cát từ Bình Phước Xuân (An Giang) về tập kết ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) để phục vụ thi công dự án thành phần 2 (đoạn qua Cần Thơ) thuộc cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Mỗi sà lan chở 800-900m3 cát. Kể từ ngày khởi công (ngày 17/6/2023), đây là những khối cát đầu tiên được đem về công trường để đắp nền, tạo không khí phấn khởi cho các nhà thầu sau thời gian dài chờ cát.
Ông Nguyễn Tất Đạt - Chỉ huy trưởng gói thầu 11 cho biết, trữ lượng mỏ là 3,2 triệu m3, trong khi nhu cầu dự án đoạn qua Cần Thơ là 7 triệu m3. Số lượng cát còn thiếu rất nhiều nên Ban quản lý dự án và nhà thầu vẫn phải tiếp tục liên hệ các địa phương khác để tìm nguồn cát. Trước khi có cát, đơn vị thi công tập trung đào bóc hữu cơ, dọn dẹp mặt bằng… có cát thì sẽ huy động thêm phương tiện, thiết bị để thi công. Tuy nhiên, việc vận chuyển cát vào công trường vẫn gặp khó khăn do vướng nhà dân, nhà thầu phải đặt các ống bơm cát từ sà lan đến điểm tập kết, sau đó dùng các phương tiện chuyên chở đưa cát về gói thầu.
Theo đại diện đơn vị vận chuyển cát, mỏ cát Bình Phước Xuân ở An Giang có công suất khai thác hơn 5.000 m3/ngày. Mỗi sà lan chở cát đều được gắn thiết bị định vị và theo dõi trên điện thoại nên lịch trình di chuyển của cát đều được nắm rõ, đảm bảo tính công khai, minh bạch…
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua Cần Thơ (dự án thành phần 2) dài hơn 37km, vốn đầu tư 9.725 tỷ đồng. Để tìm nguồn cát còn thiếu cho dự án, lãnh đạo TP Cần Thơ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 7 mỏ cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng 16,5 triệu m3, trong đó 8 triệu m3 sử dụng cho cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh và 500.000m3 phục vụ dự án cầu Đại Ngãi.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, đối với nguồn cát biển, Bộ TN&MT cũng đã xây dựng và triển khai Dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, với trữ lượng khoảng 145 triệu m3, đây là phương án khả thi có thể hỗ trợ nguồn cát cho TP. Cần Thơ.
Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang (dự án thành phần 3) cũng đã có nguồn cát từ An Giang. Ông Mai Văn Tân – Giám đốc Sở GTVT Hậu Giang (chủ đầu tư dự án) cho biết, với khối lượng cát An Giang cung cấp khoảng 2,6 triệu m3, trong khi dự án qua tỉnh cần 6 triệu m3, Hậu Giang đang tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ từ các tỉnh khác.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang (dự án thành phần 3) dài gần 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án cao tốc trục dọc đoạn Cần Thơ - Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2) cũng nhận những sà lan cát đầu tiên về công trường.
Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, các nhà thầu đều đã khởi động khai thác các mỏ cát để phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn về mặt kỹ thuật, thủ tục liên quan, nên lượng cát thực tế đem về công trường cũng chưa nhiều.
Thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, khởi công ngày 1/1/2023. Dự án đi qua 5 địa phương (Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) và được chia thành 2 dự án thành phần, là Cần Thơ - Hậu Giang (37km) và Hậu Giang – Cà Mau (73km).
Để đáp ứng nhu cầu cát cho dự án (khoảng 18,4 triệu m3), Thủ tướng giao tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3, Vĩnh Long là 5 triệu m3. Tại chuyến kiểm tra công trường dự án tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thắng cho biết, các tỉnh đã cấp các mỏ cát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên dự án vẫn thiếu khoảng 3 triệu m3 cát đắp nền chưa xác định được nguồn.
Bộ trưởng GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục làm việc với địa phương có trữ lượng cũng như các mỏ cát dồi dào, để tiếp tục cung cấp cát phục vụ thi công dự án, bao gồm cả việc cấp trực tiếp cho các nhà thầu và mua thương mại theo giá quy định. Tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT cùng hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh để nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cấp mỏ cát biển...