Giáo sư, thần đồng Toán học của thế kỷ 20 qua đời

MỸ - Là người đi tiên phong trong thời đại máy tính, ông đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của công nghệ này khi kết hợp với toán học để giải quyết nhiều bài toán phức tạp - từ thiết kế vũ khí cho đến dự báo thời tiết.

Theo The New York Times, giáo sư Peter Lax, một trong những nhà toán học có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, người đã đặt nền móng cho giới khoa học vận dụng máy tính vào giải quyết các vấn đề kỹ thuật thời Chiến tranh Lạnh - từ chế tạo vũ khí, thiết kế máy bay cho tới dự báo thiên tai - đã qua đời hôm 16/5 tại nhà riêng ở Manhattan (Mỹ), hưởng thọ 99 tuổi. Con trai ông, bác sĩ James D. Lax, xác nhận thông tin trên và cho biết nguyên nhân cha mình qua đời liên quan tới bệnh tim.

Sinh ra tại Budapest (Hungary), giáo sư Peter Lax đã nhanh chóng khẳng định mình là một thần đồng toán học từ khi còn nhỏ. Dưới sự dẫn dắt của nhà toán học Rózsa Péter - người sáng lập lý thuyết đệ quy - ông sớm kết nối với cộng đồng các nhà toán học Do Thái - Hungary danh tiếng, và thể hiện tài năng vượt trội trong các kỳ thi toán cấp quốc gia.

Giáo sư Peter Lax được xem là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Na Uy.

Giáo sư Peter Lax được xem là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Na Uy.

Năm 1941, trước làn sóng bài Do Thái tại Hungary - khi nước này là đồng minh của Đức Quốc xã - gia đình ông đã di cư sang Mỹ với sự giúp đỡ của lãnh sự Mỹ tại Budapest, một bệnh nhân của cha ông. Tại New York (Mỹ), Peter - khi ấy 15 tuổi - nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng các nhà toán học nhập cư, trong đó có Richard Courant, người sẽ trở thành thầy giáo và cố vấn quan trọng trong cuộc đời ông.

Khi mới 18 tuổi, Peter Lax đã được điều động vào quân đội Mỹ và làm việc trong Dự án Manhattan tại Los Alamos vào năm 1945. Nơi đây, ông tham gia tính toán những phản ứng số học phức tạp phục vụ cho việc phát triển bom nguyên tử.

Sau chiến tranh, ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học New York và trở thành giáo sư tại đây. Với vai trò là nhà nghiên cứu và sau này là giám đốc Viện Toán học Courant (1972-1980), giáo sư Lax là người thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng máy tính vào toán học ứng dụng và khoa học kỹ thuật.

Năm 2005, ông trở thành nhà toán học ứng dụng đầu tiên được trao Giải thưởng Abel, một trong những giải thưởng danh giá nhất trong ngành toán, được ví như giải Nobel trong lĩnh vực này. Giải thưởng ghi nhận những đóng góp đột phá của ông trong lĩnh vực phương trình đạo hàm riêng - nền tảng toán học mô tả chuyển động và dòng chảy của vật thể.

Giáo sư Lax trong văn phòng của ông ở Đại học New York năm 2005. Ảnh: The New York Times

Giáo sư Lax trong văn phòng của ông ở Đại học New York năm 2005. Ảnh: The New York Times

Một trong những đóng góp lý thuyết lớn nhất của ông là nguyên lý tương đương Lax, bổ đề Lax-Milgram, và cặp Lax - các khái niệm vẫn được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu sóng, thiết kế khí động học và dự đoán thời tiết. Ông cũng là đồng tác giả của lý thuyết tán xạ Lax-Phillips - một công cụ hiệu quả để phân tích cách sóng di chuyển và bị phân tán.

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, giáo sư Lax còn có vai trò thiết lập chính sách khoa học và công nghệ tại Mỹ. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Toán học Mỹ (1977-1980) và là thành viên Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ (1980-1986). Năm 1982, ông là tác giả của "Báo cáo Lax" - một tài liệu quan trọng định hình chiến lược nghiên cứu với máy tính hiệu năng cao của Mỹ, có ảnh hưởng đến cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Trong suốt cuộc đời mình, giáo sư Lax không chỉ là một nhà toán học xuất chúng mà còn là một người truyền cảm hứng.

Một chi tiết thú vị ít người biết: ông còn sáng tác thơ bằng tiếng Anh và tiếng Hungary. Trong một bài báo cáo năm 1999, ông từng tóm lược một kết quả toán học bằng một bài thơ.

Dù sống trong thời kỳ biến động và đầy xung đột, Peter Lax đã chứng minh rằng khoa học - đặc biệt là toán học - có thể là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa máy móc và con người.

Hoàng Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giao-su-than-dong-toan-hoc-cua-the-ky-20-qua-doi-2403171.html