Cậu bé sẵn lòng làm đôi chân cho bạn

Bị khuyết hai chân bẩm sinh, cậu bé Nhân được cô giáo cùng các bạn tận tình giúp đỡ. Đặc biệt, người bạn cùng lớp đã tình nguyện làm đôi chân cho Nhân trong suốt thời gian đi học.

Vào dịp tổng kết cuối năm học, chúng tôi có dịp đến Trường tiểu học Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) để gặp em Tống Thiện Nhân (học sinh lớp 1-4), cậu bé bị khuyết hai chân bẩm sinh.

 Năm học đầu tiên của cậu bé Nhân gặp nhiều khó khăn, nhưng Nhân đã vượt qua và hòa nhập nhanh chóng. Ảnh: HẢI NHI

Năm học đầu tiên của cậu bé Nhân gặp nhiều khó khăn, nhưng Nhân đã vượt qua và hòa nhập nhanh chóng. Ảnh: HẢI NHI

Tại ngày tổng kết năm học, chúng tôi chứng kiến hình ảnh vô cùng xúc động, em Nguyễn Quang Thắng (bạn học cùng lớp với Nhân) cõng cậu bé Nhân trên lưng giúp bạn di chuyển đi lại trong suốt buổi.

Đây có lẽ hình ảnh vô cùng quen thuộc đối với cô giáo và học sinh lớp 1-4, cũng như cả Trường Tiểu học Tân Hưng trong suốt một năm học vừa qua.

Cô Nguyễn Thị Thiện (giáo viên chủ nhiệm lớp 1-4) cho biết suốt một năm học vừa qua là quãng thời gian khó khăn đối với em Nhân. Nhưng hết một năm học với sự đùm bọc, yêu thương của cả lớp, cậu bé Nhân đã hòa nhập được cùng cả lớp và học ngày càng tiến bộ.

“Đã nhiều năm làm giáo viên nhưng đây là lần đầu tiên tôi chủ nhiệm một lớp có trường hợp đặc biệt như em Nhân. Mặc dù, chưa đủ nhận thức nhưng dường như tình yêu thương xuất phát từ sự hồn nhiên, vô tư của Thắng đã giúp Nhân nhanh chóng hòa nhập với tập thể” - cô Thiện chia sẻ.

Tình nguyện làm đôi chân vui vẻ cho bạn

Nhân bị khuyết hai chân từ khi mới sinh, việc sinh hoạt đi lại vốn đã rất khó khăn. Nhưng khi bắt đầu đi học, em Nhân lại đối mặt với sự gian nan gấp bội.

 Thắng đã trở thành đôi chân của cậu bé Nhân mỗi khi đến lớp. Ảnh: HẢI NHI

Thắng đã trở thành đôi chân của cậu bé Nhân mỗi khi đến lớp. Ảnh: HẢI NHI

Đến lớp Nhân chỉ ngồi một chỗ, không thể vui chơi cùng các bạn. Ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ nhìn các bạn đồng trang lứa vui đùa, dường như Nhân “thèm” được chơi.

Cô Nguyễn Thị Thiện cho biết ban đầu Nhân chưa thể hòa đồng cùng các bạn mà các bạn trong lớp cũng chưa chấp nhận một người bạn đặc biệt như Nhân. Nhưng lâu dần các em cũng làm quen, nói chuyện và chơi đùa cùng nhau.

“Tháng đầu tiên của năm học, tôi còn bất ngờ vì Nhân quá đặc biệt. Nhìn Nhân tôi rất thương và đã dành sự ưu tiên đặc biệt để Nhân nhanh chóng hòa nhập. Tôi cũng dặn các em không được trêu chọc Nhân mà phải giúp đỡ bạn. Từ tháng thứ hai trở đi, Nhân đã hòa nhập được cùng cả lớp. Lúc này, em Thắng đã xung phong cõng Nhân để Nhân có thể dễ dàng di chuyển” - cô Thiện xúc động nói.

Cô Thiện cho biết thêm dường như em Thắng có sự đồng cảm đặc biệt đối với Nhân. Có thể Thắng chưa đủ nhận thức để hiểu việc hỗ trợ người bạn khiếm khuyết là tốt, là cần thiết. Nhưng có lẽ sâu trong nội tâm em Thắng có sự đồng cảm và tình cảm đặc biệt nên đã chủ động cõng Nhân đi lại vui chơi.

“Lúc thấy cảnh tượng này, tôi rất bất ngờ và xúc động vì ở độ tuổi như các em khó có em nào làm được như vậy” - cô Thiện cho hay.

Hàng ngày, ngoài giờ học chính, trong giờ học các môn phụ và giờ ra chơi Thắng đều cõng Nhân đi lại, vui chơi cùng các bạn. Lúc nào mệt thì cả hai lại ngồi nghỉ. Ngay cả lúc đi vệ sinh, Thắng cũng vẫn cõng Nhân đi.

 Các bạn vui đùa cùng Nhân trong giờ ra chơi. Ảnh: HẢI NHI

Các bạn vui đùa cùng Nhân trong giờ ra chơi. Ảnh: HẢI NHI

Ban đầu, có vẻ như hai bạn chưa quen, chưa hiểu nhau nên còn hơi lọng cọng và khó khăn. Nhưng lâu dần dường như Nhân và Thắng đã “hòa làm một”. Thắng cõng Nhân trên lưng cười cười, nói nói vui vẻ đùa giỡn cùng các bạn.

Với sự động viên của cha mẹ, sự hỗ trợ đến từ cô giáo chủ nhiệm Thắng, đã làm cho tinh thần của cậu bé Nhân ngày càng lạc quan, vui vẻ. Nhân đã cùng các bạn tham gia nhiều hoạt động trong lớp hơn.

Biết được điều này, chị Nguyễn Thị Hồng (mẹ của Thắng) rất tự hào. Đồng thời, liên tục động viên con hỗ trợ cho bạn. “Đang nhỏ mà biết giúp bạn, gia đình rất mừng và tự hào” - chị Hồng chia sẻ.

Tiếp xúc với Nhân và Thắng, cả hai em đều bẽn lẽn, ngại ngùng vì gặp người lạ. Khi hỏi Nhân, em có thích bạn Thắng cõng không, Nhân không nói gì mà chỉ bẽn lẽn gật đầu.

Còn Thắng, khi hỏi em có thấy mệt khi cõng bạn Nhân không, Thắng cũng thẹn thùng nói “dạ không”.

Có lẽ các em chưa thể đủ khả năng diễn đạt suy nghĩ tình cảm của mình. Nhưng sâu thẳm trong ánh mắt hồn nhiên, vô tư đó ai cũng cảm nhận được tình cảm đặc biệt hai bạn dành cho nhau.

Cô Nguyễn Thị Thiện chia sẻ trước khi vào lớp 1 gia đình các em đều cho đi học luyện chữ thêm. Nhưng gia đình Nhân có hoàn cảnh khó khăn nên chưa thể cho em đi học thêm.

Chính vì thế, khi bắt đầu vào lớp 1, Nhân mới bắt đầu học chữ nên chậm hơn các bạn. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn cùng với sự đùm bọc yêu thương của các bạn trong lớp, Nhân đã tiến bộ rất nhanh.

Nhà trường hỗ trợ đặc biệt cho cậu bé Nhân

Anh Vũ (ba của Nhân) cho biết ban đầu khi cho con đi học gia đình rất lo vì sợ bạn bè kỳ thị, sợ các bạn trêu chọc rồi con tủi thân. Nhưng đến lúc này, cả tôi và vợ đều rất vui, mừng quá mà rơi nước mắt.

 Cô giáo chủ nhiệm và nhà trường hỗ trợ đặc biệt cho cậu bé Nhân, để em vượt qua rào cản, khó khăn học tập thật tốt. Ảnh: HẢI NHI

Cô giáo chủ nhiệm và nhà trường hỗ trợ đặc biệt cho cậu bé Nhân, để em vượt qua rào cản, khó khăn học tập thật tốt. Ảnh: HẢI NHI

“Nhân rất thích đi học, ngày nào cũng muốn đến lớp. Có đợt nghỉ lễ, tôi cho con về quê chơi, khi vừa từ quê lên Nhân đã giục ba mẹ cho đi học. Tôi mừng lắm, vì con thích đi học và nói ở lớp rất vui. Chắc đi học có Thắng và các bạn quý mến yêu thương nên con thích” - anh Vũ nghẹn ngào chia sẻ.

Cả hai bạn Thắng và Nhân đều có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi gặp Nhân, đã tạo động lực cho Thắng, học tốt hơn rất nhiều. Biết gia cảnh của học sinh, giáo viên và nhà trường đã tạo điều kiện tối đa và quan tâm nhiều hơn.

Trong lớp học, Nhân là trường hợp đặc biệt, không thể lên bảng giống như các bạn. Cô Thiện đã xuống chỗ của Nhân kiểm tra bài làm và Nhân sẽ viết vào bảng nhỏ tại chỗ để kiểm tra bài.

Nhờ vậy mà cậu bé Nhân đã học rất nhanh và nhớ bài lâu hơn. Cũng chính sự yêu thương và giúp đỡ của tất cả mọi người, dường như việc không có đôi chân đối với Nhân đã không còn là sự rào cản.

 Năm học đầu tiên của cậu bé Nhân kết thúc trong tình yêu thương của cô giáo và các bạn đã giúp nhân đạt kết quả xuất sắc. Ảnh: HẢI NHI

Năm học đầu tiên của cậu bé Nhân kết thúc trong tình yêu thương của cô giáo và các bạn đã giúp nhân đạt kết quả xuất sắc. Ảnh: HẢI NHI

Cô Nguyễn Thị Ghi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hưng cho biết cậu bé Nhân là học sinh đặc biệt đầu tiên mà cô quản lý, nhìn thấy Nhân cô rất xúc động. Ngay sau đó, cô đã họp và đề nghị giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh của Nhân để hỗ trợ.

“Tôi đã phát động toàn thể giáo viên trong trường quyên góp hỗ trợ về học phí cho Nhân. Hàng tháng, tôi xin bên công ty miễn khoản tiền ăn cho Nhân. Ngoài ra, bảo hiểm y tế cũng được nhà trường hỗ trợ” - cô Ghi cho biết.

Cô Ghi chia sẻ thời gian tới cậu bé Nhân vẫn tiếp tục được nhà trường và giáo viên hỗ trợ các khoản chi phí khi học tại trường.

Một năm học đã kết thúc, sân trường rơi đầy những cánh hoa phượng, lớp học tràn đầy những ánh nắng đầu mùa hạ, Thắng cõng Nhân sải bước hồ hởi vui đùa cùng các bạn khiến ai cũng xúc động.

Học sinh xuất sắc

Khi vừa sinh ra, cậu bé Nhân đã không có đôi chân. Nguyên nhân khiến Nhân bị mất đôi chân là do quá trình mang thai bị nhau thai quấn và siết lại. Thời điểm mang thai, vợ chồng anh Vũ chỉ siêu âm trắng đen nên không thể thấy rõ.

Đến năm 3 tuổi, những câu hỏi ngây thơ của Nhân đã làm vợ chồng anh Vũ chỉ biết ôm con khóc.

"Có lần Nhân hỏi “Tại sao em lại có chân vậy ba?” khiến vợ chồng anh Vũ như chết lặng, chỉ biết động viên con “Sau này con lớn ba sẽ gắn chân cho con" - anh Vũ nghẹn ngào nói.

Anh Vũ cho biết thêm, khi Nhân 5 tuổi gia đình muốn gửi con ở trường gần nhà nhưng trường không nhận vì Nhân bị khuyết tật. Chính vì thế, vợ chồng anh Vũ đành phải cho con học ở ngôi trường xa hơn.

Đến bây giờ, Nhân càng lớn, càng hiểu chuyện, Nhân đã chấp nhận và lạc quan hơn với việc không có đôi chân. Với sự nỗ lực, lạc quan của mình và sự hỗ trợ của nhiều người, đặc biệt là người bạn thân tên Thắng, trong năm học đầu tiên Nhân đã đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/cau-be-san-long-lam-doi-chan-cho-ban-post793207.html