Xôn xao bằng tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang: Bộ GD yêu cầu báo cáo

Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường ĐH Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.

Ngày 25/6, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy đã ký công văn hỏa tốc số 3136/BGDĐT-GDĐH gửi Trường Đại học Luật Hà Nội. Nội dung công văn yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, hay còn được biết đến là thượng tọa Thích Chân Quang.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, có nhiều thông tin trái chiều về việc tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đối với ông Vương Tấn Việt tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Để có thông tin đầy đủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trường Đại học Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án…) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong ngày 26/6/2024 để tổng hợp.

 Công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Trường Đại học Luật Hà Nội yêu cầu báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt. Ảnh chụp màn hình

Công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Trường Đại học Luật Hà Nội yêu cầu báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt. Ảnh chụp màn hình

Trong những ngày qua, dư luận xã hội xôn xao khi thông tin ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) tốt nghiệp cử nhân luật hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) năm 2019, và chỉ 2 năm sau đó (năm 2021), ông đã được nhận bằng tiến sĩ luật, cũng tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn và đặt nghi vấn về việc ông Thích Chân Quang lấy bằng tiến sĩ bằng cách nào chỉ trong 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học.

Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tương đương 3 đến 4 năm học tập trung, tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo và trình độ đầu vào của người học.

Còn quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Luật Hà Nội (Quyết định 261/QĐ-ĐHLHN) yêu cầu thời gian đào tạo đối với người có bằng thạc sĩ là 03 năm tập trung. Thời gian đào tạo đối với người có bằng đại học là 04 năm tập trung liên tục.

Trong trường hợp nghiên cứu sinh đã hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo theo quy định và đã có luận án tiến sĩ để xin bảo vệ cấp trường trước hạn, Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được rút ngắn thời gian học tập.

Trước đó, ngày 19/6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết đã có quyết định kỷ luật đối với thượng tọa Thích Chân Quang trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cụ thể, ông Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.

Theo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của Thượng tọa Thích Chân Quang về giáo lý Nhân quả không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xon-xao-bang-tien-si-cua-thuong-toa-thich-chan-quang-bo-gd-yeu-cau-bao-cao-post243630.gd