Áp lực tuyển sinh đầu vào lớp 6

Dù Luật Giáo dục (GD) không cho phép thi tuyển vào lớp 6 nhưng nhiều địa phương vẫn vận dụng để 'khảo sát đầu vào', có trường tỉ lệ chọi rất cao, lên đến 1/18, thậm chí 1/20,5! Giáo dục (GD) phổ thông là phải bình đẳng về cơ hội, trong khi vẫn còn tình trạng thi vào đầu cấp rất áp lực. Ngay cả việc đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược xu hướng của thế giới.

Khi trường chuyên không còn bậc THCS

Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) các địa phương đang bận rộn tổ chức tuyển sinh (TS), đặc biệt các lớp đầu cấp 2 ở Hà Nội và TPHCM nếu muốn vào những trường top phải qua kỳ khảo sát (KS).

Tại TPHCM, ở đầu vào lớp 6, trước đây chỉ có Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được phép tổ chức KS đầu vào; tại Hà Nội có Trường Hà Nội - Amsterdam. Tuy nhiên Luật GD năm 2005 quy định trường chuyên chỉ có ở bậc trung học phổ thông (THPT). Quy định này được giữ nguyên ở Luật GD năm 2019, không có cấp trung học cơ sở (THCS) trong trường chuyên - căn cứ Khoản 1 Điều 62 Luật GD 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019. Vì vậy, mô hình khối THCS của trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào. Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử, có 2 trường là THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) và Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) lại có khối THCS. Sự "tồn tại lịch sử" này kéo dài khá lâu, được chính quyền TP.Hà Nội lẫn TPHCM ủng hộ.

Năm 2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên, do vậy Bộ GD-ĐT khẳng định các lớp THCS không chuyên trong các trường THPT chuyên cũng phải ngừng TS. Thực hiện đúng luật, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được tách thành 2 trường có tư cách pháp nhân độc lập là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa. Năm học 2024-2025, Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa vẫn tiếp tục thực hiện việc khảo sát TS đầu vào để tuyển 350 học sinh (HS) lớp 6 trong số 4.301 thí sinh đăng ký dự tuyển.

Học sinh thi khảo sát vào lớp 6 ở TP.Thủ Đức (TPHCM) Ảnh: VOV

Học sinh thi khảo sát vào lớp 6 ở TP.Thủ Đức (TPHCM) Ảnh: VOV

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, thí sinh dự tuyển vào lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa sẽ làm bài KS trong 90 phút, gồm 2 phần: trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm gồm 20 câu hỏi bằng tiếng Anh về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thường thức đời sống. Phần tự luận thí sinh làm bài trong 60 phút, với những câu hỏi nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh ở các kỹ năng nghe, đọc, viết; những câu hỏi nhằm khảo sát năng lực Toán học và tư duy logic; phần tự luận còn có các câu hỏi bằng tiếng Việt và thí sinh làm bài bằng tiếng Việt, nhằm KS năng lực đọc hiểu và làm văn của thí sinh.

Từ năm học 2023-2024, Phòng GD-ĐT TP. Thủ Đức (TPHCM) cũng đã cho phép Trường THCS Trần Quốc Toản 1 tổ chức KS đầu vào lớp 6, sử dụng chung đề với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Nhiều địa phương tổ chức khảo sát vào lớp 6

Tại TPHCM, năm nay ngoài các trường: THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư, THCS Bình Thọ (TP. Thủ Đức) và THCS Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7), còn có THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) cũng tổ chức KS đầu vào lớp 6. Đề KS do các Phòng GD-ĐT quận, huyện, TP.Thủ Đức ra. Những trường THCS còn lại nhận HS lớp 6 thông qua xét tuyển (XT).

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT TP. Thủ Đức (TPHCM) công bố hôm 03/6, THCS Trần Quốc Toản 1 có tỉ lệ chọi cao nhất, tính trung bình cứ 3 HS đi thi chỉ 1 em trúng tuyển. Riêng các trường: THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư, THCS Bình Thọ (TP. Thủ Đức) thực hiện theo mô hình "trường tiên tiến, hội nhập quốc tế". Nếu không trúng tuyển tại trường dự KS, HS vẫn được sắp xếp vào học lớp 6 tại trường THCS theo quy định của kế hoạch TS đầu cấp.

Tại Hà Nội, sau khi Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam dừng TS lớp 6, Trường THCS Cầu Giấy trở thành một trong những trường được HS, phụ huynh (PH) rất kỳ vọng. Năm nay, trường này tuyển 440 chỉ tiêu, tỉ lệ chọi khoảng 1/6,1; Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành có tỉ lệ chọi lên đến 1/20,5 khi có tới 5.555 thí sinh đăng ký dự tuyển nhưng chỉ nhận 270 em... Một số trường khác ở Hà Nội cũng XT học bạ kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh để tuyển vào lớp 6 như: THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm, THCS Lê Lợi, THCS Ngoại ngữ, THCS - THPT Nguyễn Tất Thành...

Nhiều PH cho biết, trong một thời gian ngắn, con em họ phải dự tới 3, thậm chí 5 kỳ thi TS vào lớp 6 để giành được suất vào học các trường top đầu. Đây là 1 thực tế, gây áp lực rất lớn đối với các em HS.

Trên danh nghĩa, TS vào lớp 6 kiểu này là cuộc "khảo sát" nhưng thực chất lại là 1 kỳ thi, từ đó sinh ra nhiều lò luyện thi dưới nhiều hình thức. Nhiều PH đặt kỳ vọng cho con em vào các trường top đầu đã cùng con em luyện thi từ khi còn học lớp 3 - 4, thậm chí sớm hơn. "Có cầu ắt có cung", các lò luyện thi mọc lên như nấm sau mưa và học phí cũng rất cao.

Trong khi đó tại nhiều địa phương khác, vào lớp 6 chỉ bằng phương pháp XT như Luật GD quy định. Bộ GD-ĐT chỉ đạo, nếu cơ sở giáo dục (CSGD) có số lượng HS đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu TS, các sở GD-ĐT chỉ đạo các CSGD căn cứ quy định hiện hành xây dựng phương án TS phù hợp, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6.

Bất bình đẳng giáo dục

Vậy các trường THCS khảo sát đầu vào (thực chất là 1 kỳ thi) có làm đúng luật?

Ngày 03/5/2019, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 03/VBHN-BGDĐT - Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, quy định: Tuyển sinh THCS theo phương thức XT: Trường hợp CSGD có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu TS, sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án TS theo phương thức XT hoặc kết hợp XT với kiểm tra, đánh giá năng lực HS.

Đó là cơ sở để các sở GD-ĐT địa phương tổ chức XT hoặc kết hợp XT với kiểm tra, đánh giá năng lực HS với các trường có nhiều HS đăng ký. Tuy nhiên, kiểu KS đầu vào các trường vừa nêu trên không khác gì 1 kỳ thi. Các chuyên gia GD lo ngại trong tương lai gần có thể nó sẽ trở thành 1 kỳ thi tuyển vào lớp 6.

Thực chất của vấn đề này là gì? Là thiếu trường học! Như Hà Nội vẫn thiếu trường lớp ở các cấp học dẫn đến cấp tiểu học, THCS sĩ số vượt quy định; cấp THPT mới chỉ bảo đảm được khoảng 60% em vào trường công lập. Đây cũng là vấn đề mà Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đặt yêu cầu trong những năm tới phải tăng số lượng trường công.

Tại TPHCM, áp lực thiếu cơ sở vật chất đỡ hơn, chủ yếu là chất lượng các trường không đồng đều, buộc PH phải tìm cách lựa chọn trường tốt, "trường điểm" cho con em mình, dẫn đến áp lực học và thi cử, cũng như buộc các trường phải tổ chức KS đầu vào.

Về mặt xã hội, hiện tượng này cũng bình thường, khi kinh tế phát triển, đời sống người dân tốt lên, việc học của con em được đưa lên hàng đầu. Khi người dân quan tâm đến GD thì đó là điều đáng được quan tâm, khuyến khích. Tuy nhiên, với GD phổ thông, Nhà nước phải lo hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, để đủ trường lớp, giáo viên, để HS được học 2 buổi/ngày thuận lợi; phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Một nguyên lý cần lưu ý đã là GD phổ thông thì phải bình đẳng về cơ hội, trong khi ở nước ta vẫn còn tình trạng thi vào đầu cấp rất áp lực.

Ngay cả việc đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược lại với thế giới!

Một vấn đề khác, các thành phố lớn thiếu những trường tư chất lượng, học phí khả dĩ người dân có thể chấp nhận được; trong khi đó các trường quốc tế có yếu tố nước ngoài thì học phí quá cao, quá sức chi trả của đại đa số người dân. Còn ở các nước phát triển, hệ thống trường tư được nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chất lượng rất tốt, thu hút nhiều HS, chia sẻ áp lực với hệ thống trường công. Đó cũng là lý do người dân ở các thành phố lớn của nước ta đổ xô tìm mọi cách đưa con em mình vào các trường công có chất lượng.

Sự mất cân đối ấy, đặc biệt là sự chênh lệch chất lượng, cơ sở vật chất của các trường công sẽ còn tiếp diễn và kiểu "KS đầu vào" các trường có chất lượng sẽ tiếp tục lan rộng, ngay cả mô hình "trường tiên tiến, hội nhập quốc tế", càng tạo nên sự bất bình đẳng trong GD ngay ở bậc tiểu học và phổ thông.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn mà không thể dự thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra vào ngày 26, 27/6, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, tăng hơn 45.000 em so với năm 2023. Riêng tại TPHCM có 90.062 thí sinh dự kỳ thi này, trong đó 74.542 là thí sinh THPT; 9.735 thí sinh giáo dục thường xuyên và 5.785 thí sinh tự do. TPHCM đã hoàn tất các khâu tổ chức kỳ thi, bảo đảm công tác phối hợp an toàn, thông suốt; trong đó hoàn thành việc tập huấn trưởng điểm thi về công tác tổ chức thi và lực lượng thanh tra thi về kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, 2024 là năm tiếp theo bộ triển khai hệ thống phần mềm đăng ký (ĐK) dự thi trực tuyến. Trong 9 ngày mở Cổng ĐK dự thi trực tuyến có hơn 1 triệu thí sinh thực hiện thành công. Qua kiểm tra thực tế, một trong những việc mà các địa phương, nhà trường đã làm rất tốt là hỗ trợ thí sinh. Đặc biệt với những em có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế, các địa phương đều có phương án hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để các em yên tâm tham gia kỳ thi.

Về việc phòng, chống gian lận thi cử, hiện nay Bộ Công an và công an 63 tỉnh, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để làm tốt công tác này bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, từ nay đến ngày diễn ra kỳ thi đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát kỹ điều kiện dự thi của các thí sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế, ở xa địa điểm tổ chức thi... Phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn kinh tế hay cách trở về giao thông mà không thể dự thi. Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi; ở những nơi xa xôi, ảnh hưởng của mưa bão nên có phương án đưa các em về điểm thi trước.

LÊ NGÂN

LƯU VĨNH HY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ap-luc-tuyen-sinh-dau-vao-lop-6_163939.html