'Cậu bé vàng' của piano xứ Thanh

Nếu coi âm nhạc là 'bữa tiệc của tinh thần' thì piano chính là món ăn hảo hạng quyết định giá trị của bữa tiệc đó. So với các bộ môn nghệ thuật khác, piano vừa giống như chất men say đầy kích thích, đam mê nhưng cũng là thử thách lớn cho những ai muốn dấn thân, theo đuổi. Bởi vậy nên câu chuyện về niềm đam mê và nỗ lực từng bước chinh phục đam mê với bộ môn piano của cậu bé Phạm Khánh Dũng càng trở nên đáng yêu, đáng ngưỡng mộ, học hỏi.

Em Phạm Khánh Dũng tập đàn cùng bố - nhạc sĩ Phạm Khánh Hoàng.

Căn nhà cuối ngõ 86, Triệu Quốc Đạt (TP Thanh Hóa) mỗi ngày lại vang lên những bản nhạc piano đầy cuốn hút. Đó là lúc em Khánh Dũng (12 tuổi) hoàn toàn chìm đắm, thả hồn mình vào âm nhạc, gửi gắm đam mê của mình trên những phím đàn piano. Khánh Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố là nhạc sĩ Phạm Khánh Hoàng, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên ban Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Tiếng đàn của bố đã vẽ nên những thanh âm đẹp nhất trong tuổi thơ của Dũng, dần bồi đắp, nuôi dưỡng trong con tình yêu với âm nhạc. “Bố là người đã truyền cảm hứng, động viên con rất nhiều trong quá trình theo đuổi bộ môn piano. Từ lúc nhỏ, mỗi khi nghe bố đàn hát là con cảm thấy thích, nhún nhảy theo điệu nhạc” - Khánh Dũng hồn nhiên kể. Nhận thấy niềm yêu thích đặc biệt của con, gia đình đã định hướng và cho con theo học piano từ sớm.

Cậu bé Khánh Dũng đã chập chững những ngón đàn đầu tiên, những bài học nhạc lý, hợp âm từ khi lên 6 tuổi. Tại sao lại là piano mà không phải là bộ môn nào khác? Lựa chọn này có “làm khó” và tạo áp lực cho con quá không khi chúng ta đều biết rằng, piano là bộ môn âm nhạc đòi hỏi rất cao đối với người chơi? Anh Phạm Khánh Hoàng chia sẻ: “Lựa chọn cho Khánh Dũng theo học piano là dựa trên sở thích, tính cách và khả năng đáp ứng của cháu. Điều quan trọng nhất là gia đình không bao giờ áp đặt hay nặng nề mục tiêu này mục tiêu kia. Trước hết, học piano là cách giúp con giảm áp lực, căng thẳng sau mỗi giờ học văn hóa trên lớp; sau đó là giúp con khai phá bản thân, thử thách mình ở lĩnh vực mới, rèn luyện tính tập trung, kiên nhẫn, phản xạ nhanh, sáng tạo. Chúng tôi định hướng, khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất để Khánh Dũng được vui với sở thích, đam mê của mình”.

Piano là loại nhạc cụ tinh tế, sang trọng, được ví như “vua của các loại nhạc cụ”. Thế giới âm nhạc đầy phức tạp, biến chuyển linh hoạt, phạm vi âm vực trải dài đã tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt. Vì lẽ đó, việc theo đuổi bộ môn âm nhạc này chưa bao giờ là điều dễ dàng. Suốt 6 năm qua, ngoài thời gian học văn hóa trên lớp, học thêm, cậu bé Khánh Dũng đều đặn dành khoảng 1 giờ mỗi ngày để tập luyện bên cây đàn piano. Cũng như phần lớn học viên khác, Khánh Dũng hoàn thành những bản nhạc đầu tiên với không ít lúng túng, vụng về, rụt rè. Các kỹ thuật tập luyện piano cơ bản như: Legato, Non - legato, Staccato, rải hợp âm, chạy Gamme, chạy ngón... với Khánh Dũng khi ấy hoàn toàn mới mẻ. Những bài tập piano của Khánh Dũng không chỉ có niềm vui, đam mê mà có cả nước mắt. “Trong lúc tập luyện, nhiều khi bị bố mắng đến phát khóc đấy. Khả năng chơi piano của con thì tiến bộ từng ngày nhưng tình cảm bố con nhiều lúc “đi xuống” lắm” - nhạc sĩ Phạm Khánh Hoàng vui đùa. Vượt qua được những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, Khánh Dũng ngày càng tự tin, yêu thích hơn với bộ môn piano.

Bằng niềm đam mê, nỗ lực, quyết tâm của em và sự đồng hành của gia đình, chỉ bảo tận tình, trách nhiệm của Thạc sĩ Vũ Huyền Thanh (Trung tâm Đào tạo và phát triển tài năng âm nhạc Young Artists School), cậu bé Khánh Dũng ngày càng tiến bộ rõ rệt, tự tin hơn trên từng phím đàn, tạo nên thế giới âm nhạc của riêng mình. Cô Thanh cho biết: “Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, mình đã nhận ra Khánh Dũng có năng khiếu. Dũng cảm âm tốt, cảm nhận về cuộc sống xung quanh có phần sâu sắc hơn các bạn đồng trang lứa nên tiếng đàn khi cất lên ấm, rất có hồn, có sắc thái riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự chăm chỉ, ham khám phá, thái độ nghiêm túc học hỏi, tính tự giác, kỷ luật, khả năng tập trung của Dũng. Nếu phần lớn các bạn khác chỉ tập trung vào các bài cô giao, cố gắng hoàn thành các yêu cầu của cô trong buổi học thì Dũng luôn tranh thủ tìm hiểu, luyện tập nhiều hơn thế”.

Nỗ lực, cố gắng, không ngừng rèn luyện, học hỏi cũng chính là “bí quyết” để Khánh Dũng chinh phục Huy chương vàng tại Festival Piano Talent toàn quốc 2024 do Viện Phát triển giáo dục và văn hóa Việt Nam phối hợp cùng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức vào tháng 3 vừa qua. Đây là cuộc thi piano dành cho lứa tuổi từ 5 - 19 tuổi được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, chia thành các bảng chuyên và không chuyên theo độ tuổi nhằm tìm kiếm tài năng piano, lan tỏa tình yêu âm nhạc đến với học sinh và phụ huynh yêu thích bộ môn piano.

Ngay từ khi phát động, cuộc thi đã thu hút hàng nghìn thí sinh tham dự. Trải qua 2 vòng thi, đêm chung kết diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với sự tranh tài của 116 thí sinh. Bình tĩnh - tự tin - chiến thắng, Phạm Khánh Dũng đã chinh phục ban giám khảo và đông đảo khán/thính giả tại đêm chung kết khi trình diễn xuất sắc bản nhạc Sonatina in C major, Op.20 No.1 của Kuhlau. Khánh Dũng bộc bạch: “Trước khi đến phần trình diễn của mình, em cảm thấy hồi hộp. Nhưng khi bước lên sân khấu trình diễn, em như quên hết mọi thứ, chỉ biết tập trung vào bản nhạc, cố gắng hoàn thành tốt nhất bài thi của mình”. Thạc sĩ Vũ Huyền Thanh cho biết: “Tại cuộc thi, Thanh Hóa vinh dự là địa phương duy nhất có 2 thí sinh đoạt giải. Em Phạm Khánh Dũng đoạt Huy chương vàng, bảng C1 Tự do và em Lương Trung Dũng đạt Huy chương Đồng, bảng Classic. Đây là một yếu tố bất ngờ khiến Thanh Hóa được đánh giá cao bởi lẽ các thành phố lớn vẫn được xem là có thế mạnh, môi trường thuận lợi cho phát triển bộ môn này hơn”.

Trong tương lai, Khánh Dũng có dự định, kế hoạch theo đuổi piano chuyên nghiệp không? Gương mặt điển trai nở nụ cười: “Em chưa có định hướng cụ thể về vấn đề này bởi trước tiên, em muốn tập trung đầu tư vào việc học văn hóa. Cùng với đó, em vẫn tiếp tục học piano, tìm kiếm cơ hội tham gia, chinh phục nhiều cuộc thi về piano hơn để được cọ sát, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm. Dù sao thì em vẫn luôn yêu thích piano”.

Câu chuyện của Khánh Dũng khiến mỗi người chúng ta hiểu hơn giá trị của việc để con trẻ sống và theo đuổi đam mê của mình. Ở đó, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính bản thân các em thì việc định hướng, đồng hành từ phía gia đình - nhà trường - xã hội rất quan trọng. Tiếng đàn của Khánh Dũng là tiếng đàn của niềm đam mê và tình yêu thương.

Bài và ảnh: Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-be-vang-cua-piano-xu-thanh-31998.htm