Không để tự phát

Vẽ tranh bích họa đang trở thành phong trào ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, từ nội đô đến các vùng ngoại thành.

Không thể phủ nhận, những tuyến đường bích họa đã mang đến diện mạo mới cho các không gian công cộng, song hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất mỹ quan đô thị do tính tự phát và không có kiểm duyệt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bích họa (hay còn gọi là tranh tường) hiện đã không còn xa lạ với người dân Hà Nội cũng như cả nước. Từ nhiều năm trước, dự án bích họa trên phố Phan Đình Phùng, hay phố bích họa Phùng Hưng ngay khi hoàn thành đã được dư luận đánh giá cao, trở thành điểm đến check-in yêu thích của giới trẻ, đồng thời góp phần tạo cảnh quan văn minh, sạch đẹp cho các không gian công cộng.

Ở khu vực ngoại thành, với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều đoạn đường nở hoa, tuyến đường bích họa cũng được cộng động dân cư chung tay góp sức xây dựng, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp.

Những chân rác tồn đọng lâu ngày, những bức tường nguệch ngoạc, xấu xí được khoác lên mình tấm áo mới qua các nét vẽ tươi tắn, nhiều màu sắc phù hợp với từng không gian. Môi trường sống của người dân vì thế cũng ngày càng được cải thiện.

Dẫu vậy, không phải tuyến bích họa nào cũng duy trì được vẻ đẹp vốn có ban đầu và phong trào vẽ tranh bích họa đang đứng trước nguy cơ khó kiểm soát. Nhiều bức tranh tường xuống cấp, bong tróc, phai màu, thậm chí hoen ố… khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, xấu xí.

Đã từng có một thời gian, dư luận ngao ngán lên tiếng về tình trạng tuyến đường bích họa dài nhất Thủ đô với hơn 100 bức họa nối dài hơn 2km gắn với văn hóa và lịch sử được vẽ trên tường đê dọc Quốc lộ 32, qua huyện Phúc Thọ bị “xuống sắc” do không được quan tâm tu bổ, bảo dưỡng; thay vào đó là rác thải, cỏ dại um tùm…

Chứng kiến cảnh con đường xuống cấp trầm trọng, nhiều người dân không khỏi tiếc nuối, xót xa. Sau khi có phản ánh của báo chí và dư luận, chính quyền địa phương mới vào cuộc khắc phục tình trạng này.

Không riêng gì tuyến đường bích họa ở Phúc Thọ, hiện nay không ít đoạn đường bích họa trên địa bàn Hà Nội cũng rơi vào tình trạng xuống cấp, bong tróc, phai màu sơn do thời gian, tác động của thời tiết cũng như con người; nhiều bức tranh bị các hình vẽ, quảng cáo rao vặt dán đè lên che khuất, không còn nguyên vẹn…

Bên cạnh đó, tình trạng vẽ bích họa còn tràn lan, không chỉ ở các tuyến đường mà còn bốt điện, mặt công trình, tường rào… dẫn tới cảnh lộn xộn, thiếu kiểm soát.

Nhiều chuyên gia văn hóa đã lên tiếng rằng, Hà Nội không thể vẽ tùy tiện được mà vẽ cái gì, vẽ như thế nào và vẽ ở đâu cũng phải được tính toán. Có lẽ đã đến lúc, phải coi vẽ tranh bích họa như loại hình nghệ thuật công cộng, đại chúng; ngành văn hóa và các cơ quan quản lý nên đưa vào danh mục để kiểm soát, chứ không thể để tự phát như hiện nay.

Ngoài ra cũng cần có quy chế bảo vệ, bảo dưỡng tác phẩm bích họa để duy trì độ bền đẹp của các công trình, tác phẩm. Quy chế quản lý khoa học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển không gian công cộng đúng hướng và người dân được hưởng lợi mọi mặt trong đời sống.

Nói như nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật của dự án công cộng phố bích họa Phùng Hưng, bích họa đòi hỏi sự hiểu biết về cảnh quan, về không gian, ngữ cảnh, về mối quan hệ với cộng đồng ở quanh bức tường hay địa hình được khoác tấm áo nghệ thuật lên. Những tác phẩm đó thay vì nói lên cái “tôi” riêng của người nghệ sĩ, cần toát lên cái “tôi” chung của cộng đồng.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-tu-phat.html