Câu chuyện cái ao

Vùng quê tôi khi xưa được người dân đặt tên xóm theo những biểu trưng của từng xóm thấm đậm chất quê. Nằm sâu và xa nhất là xóm Mũi Cà Mau - mút Mũi Cà Mau là vậy! Xóm nằm kế xóm Cà Mau là xóm Đầu Tràm bởi xóm này có đám tràm gió hoang vu chia tách rõ rệt giữa đồng lúa phía trên và rừng tràm phía dưới.

Xóm Cà Mau và xóm Đầu Tràm lác đác mới có một căn nhà nằm lẻ loi giữa đồng hoặc núp trong rặng tre đơn độc. Trên cùng là xóm có nhiều hộ đông ken nhất tiếp giáp với thị trấn là xóm Tre. Xóm Tre với bao la tre ơi là tre! Tre bịt kín từng căn nhà. Cả xóm như ma trận của rừng tre. Người lạ vào xóm Tre thì khó tìm lối ra. Nhà nào cũng như nhà nào bởi dọc theo tre là mương nước chạy vòng quanh dẫn đến cái ao lớn nằm ở cuối con mương.

Làng quê tôi những năm 1960 là “vùng trắng”. Xóm Cà Mau, xóm Đầu Tràm là vùng ngoài đê bao “ấp chiến lược”, là vùng tự do bắn pháo, thả bom bất cứ lúc nào. Sau ngày đất nước toàn thắng, quê tôi xưa nhanh chóng biến cải như chuyện thần thoại. Cơn lốc đô thị hóa, công nghiệp hóa đã “biến” xóm Mũi Cà Mau xưa vốn là đồng bưng hoang chỉ có cỏ bàng, cỏ năn thành Khu công nghiệp Tân Phát. Xóm Đầu Tràm vốn dĩ rất ít bóng nhà, nay cũng trở thành 2 cụm công nghiệp Hoàng Kim và Diamond sầm uất.

Xóm Tre xưa thì còn đâu tre nữa! Từ những năm 1990 trở đi, xe ủi, máy xúc rì rầm bật gốc từng bụi tre của xóm Tre. Mương, ao bị san lấp. Xóm Tre bây giờ không còn một cây tre để làm cán cuốc... Bây giờ, xóm Tre đã thành “xóm nhà trọ”. Rõ là làn sóng công nghiệp kèm theo làn sóng công nhân nhập cư, đô thị hóa đã làm thay đổi xóm làng. Người người, nhà nhà ở các xóm quê xưa nhanh chóng thay đổi “tư duy”, tận dụng từng khoảng đất trống để xây nhà trọ. Nhà trọ mọc lên như nấm dại sau cơn mưa đầu mùa.

Sau gần 40 năm xa quê, mưu sinh, tôi lại trở về với xóm Tre xưa vốn mang nhiều dấu ấn tuổi thơ. Thú thật, lúc mới về lại xóm Tre xưa, tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự đổi thay khó ngờ này. Số là khi vừa nghỉ hưu, ngoại tôi đã ở tuổi “cửu tuần”, gọi tôi về giao cho 3 công đất “hương hỏa”. Nhìn đám ruộng hơn 3 công đất ngập nước, cỏ dại um tùm nằm lọt thỏm trong xóm trọ mà ngao ngán! May mà tôi có đứa con trai mới tốt nghiệp đại học, tôi gọi nó về và giao lại, nói rõ ý nguyện của ngoại, mảnh đất này là đất “hương hỏa” thờ cúng ông bà, truyền nối cho lớp sau, không được mua bán đứt gốc. Nhận trọng trách thiêng liêng, với nghề nghiệp chuyên môn kỹ sư thiết kế quy hoạch, không lâu sau, con trai tôi gởi cho tôi bản phác thảo trên mặt bằng đám ruộng với căn nhà khoảng 100m2 nằm ở trung tâm, xung quanh là hệ thống mương thoát nước và cái ao nhỏ độ hơn 100m2 nằm ở cuối hệ thống mương. Đất còn lại thì trồng cây cảnh, cây ăn trái, vườn rau xanh,... Tôi rất phấn kích với bản phác thảo của con trai bởi nó hao hao giống căn nhà của ngoại trước khi bị dồn vào “ấp chiến lược”.

*

Thấm thoát mà đã gần 10 năm rồi. Căn nhà, khu vườn, hệ thống mương, cái ao trên mảnh đất hoang hóa xưa đã hoàn thiện dần. Vườn cây đã xanh mượt, nhiều loại chim chóc đã về đây làm tổ. Mương, ao có nhiều loại cá đồng đến trú ngụ, sinh sôi. Mùa khô, cái ao càng phát huy tác dụng. Gần như cả xóm Tre xưa - “xóm trọ” bây giờ chỉ có cái ao này còn nước để chim chóc lũ lượt rủ nhau về đây tắm tưới, giải khát, ca hót líu lo,... tạo nên vượng khí xanh mát, thanh bình, một sinh cảnh là lạ, nổi bật màu xanh lọt thỏm trong thế giới nhà trọ trắng lóa, ken đặc.

Đùng một phát, cuối năm 2019 và năm 2020, 2021, đại dịch Covid-19 hoành hành, càn quét một cách khốc liệt. Xóm trọ quê tôi là “vùng đỏ”. Cứ sáng hoặc chiều, đội quân phòng, chống dịch cứ test tới test lui. Ai ở đâu thì ở đó. Nội bất xuất, ngoại bất nhập! Hàng hóa, lương thực, thực phẩm,... gần như bị “ngăn sông cấm chợ”... Ra cửa có trạm! Các ngả đường lớn, nhỏ, thậm chí đường bờ nông thôn cũng giăng trạm. Trạm giăng như mạng nhện buộc ai ở đâu thì phải ở đó. Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” được thực hiện triệt để là vậy! Bây giờ nhớ lại, chắc ai cũng “nổi gai óc” về những năm tháng Covid-19 hoành hành.

Tôi muốn nhắc nhớ lại trận đại dịch năm ấy để chúng ta chiêm nghiệm và thấm thía, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Cũng từ đại dịch mà khu vườn, cái ao nhà tôi trở nên giá trị một cách bất ngờ. Ngày nào cũng có hơn 20 người là công nhân trong xóm trọ đến xin hái nắm rau thập cẩm. Nào là rau muống, rau dền, rau lang, sâm đất, rau sam, đậu bắp, đậu rồng, lá mơ, mồng tơi,...

Cái ao thì khỏi nói, từ nước màu trong ngà chuyển sang đục và nổi sình bởi ngày nào cũng có 5-7 công nhân xóm trọ đến kêu: Ông ba ơi! Cho con thả 1 tay lưới! Cả 10 ngày rồi các con của con chỉ có rau và rau! Ngán lắm! Người xin trước mách người xin sau, cứ thế mà cái ao dần thưa cá đớp móng.

Sau trận dịch, khu vườn, cái ao như qua trận càn B52 tơi tả nhưng cả gia đình tôi cảm thấy vui và rất hãnh diện vì khu vườn xanh và cái ao của mình góp phần nhỏ cho công nhân xóm trọ đi qua những ngày đại dịch. Bây giờ, khu vườn nhà tôi đã xanh lại, chim chóc nhiều loại đã tụ họp về đây đông đúc, ca hát rộn vang vào sáng sớm và khi chiều về. Cái ao cũng đầy cá như xưa.

Rõ là khu vườn xanh, cái ao có giá trị biết bao, tạo nên hệ sinh thái xanh để mọi người được sống hòa hợp, thuận trời, thuận đất mà cha ông ta đã từng ngầm gửi thông điệp trong mẫu nhà “phong thủy”. Ngôi nhà hợp phong thủy là ngôi nhà đúng hướng gió lành, có ao nước phía hậu như chiếc máy điều hòa, cân bằng sinh thái cho cuộc sống muôn loài và con người luôn mãi sinh tồn bền vững./.

Kim Dung

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cau-chuyen-cai-ao-a179139.html