Người Hội An và du khách nêu cảm nhận về Chùa Cầu trước giờ khánh thành

Trước lễ khánh thành công trình Chùa Cầu sau khi được tu bổ, dự kiến sẽ diễn ra vào chiều 3.8.2024, đông đúc du khách đã đổ về khu vực Chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) để tham quan, chụp ảnh...

Dịp này, phóng viên Người Đô Thị đã ghi lại các ý kiến, cảm nhận của người dân, du khách về công trình Chùa Cầu sau khi được trùng tu.

Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thị Thúy Vi (hướng dẫn viên tiếng Pháp, kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành du lịch):

Chính quyền và các chuyên gia đã làm rất tốt

Hầu hết du khách họ không có đủ thông tin để khen hay để chê về công trình Chùa Cầu sau khi trùng tu, chủ yếu tôi thấy nhiều người Việt Nam mình hay nhận xét ẩu. Chính quyền Hội An và các chuyên gia đã làm rất tốt. Ở công trình này, người ta thay mới rất ít, ví dụ hai cây cột sát nhau kia, nhưng có cây thay, có cây không, và cây nào thay thì ở trong góc khuất người ta đều ghi dấu, đánh số, ghi lại thông tin năm sửa rõ ràng.

Chùa Cầu xưa nay chưa bao giờ được tu sửa một cách bài bản, khi bị dột, hỏng thì người ta chỉ lợp lại mái, chống thấm sơ, lần này mới làm kỹ, tháo ra để kiểm tra cái nào hư hỏng thì làm lại. Lần này tồi thấy họ đã làm rất kỹ lưỡng. Trong thời gian họ tu sửa, tôi đi qua đây thấy họ thay cái dầm ở dưới cầu mới thấy phục, họ thay dầm mà không dỡ cái tường phía trên đi. Mọi người không biết, không hiểu rồi la làng lên, chê bai. Tôi dẫn khách thị trường tiếng Pháp đến Hội An, trung bình mỗi tuần đi 1 lần, nên theo dõi rất kỹ. Là hướng dẫn viên, tôi phải tìm hiểu kỹ và có thông tin đúng nhất để giải thích cho khách.

Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thanh Hào (hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha, kinh nghiệm 5 năm trong thị trường tour miền Trung):

Khi giải thích Chùa Cầu vừa trùng tu xong thì khách nước ngoài hiểu ngay

Ban đầu, khi chính quyền Hội An mới mở cửa Chùa Cầu và chưa cho sơn lại những viền trắng thì nhìn khá mới so với cảnh quan chung, nên khác biệt quá, nhiều người có ý kiến. Trùng tu xong, đương nhiên thì nó sẽ mới nhưng nếu nó phù hợp và hài hòa so với màu sắc, cảnh quan chung thì đẹp hơn.

Bây giờ, chính quyền cho sơn lại chỗ màu trắng thì tôi thấy đỡ hơn nhiều rồi, cũng được 80% rồi. Tôi thấy hầu hết các công trình trùng tu họ đều cố gắng sơn sao cho không quá mới. Ví dụ như khi tôi đi Huế, Tràng An, sau khi họ sơn mới thì họ cũng phủ một lớp màu cho nó cũ kỹ đi. Tất nhiên, sau một thời gian, mưa gió thì màu sắc cũng sẽ rêu phong thôi nhưng nếu ngay từ đầu mình làm cho hài hòa luôn thì sẽ tốt hơn.

Với khách nước ngoài, khi mình giải thích là công trình vừa trùng tu xong thì họ hiểu ngay và họ không có ý kiến gì; còn người Việt Nam thì nhiều luồng ý kiến hơn.

Gia đình mẹ con bà Lan, anh Thành (du khách từ TP.HCM):

Tôi thấy trùng tu vậy là đẹp rồi!

Bà Lan: Đây là lần thứ hai tôi đi tham quan Chùa Cầu, dịp này đúng lúc Chùa Cầu mở cửa cho khách tham quan. Bản thân tôi không lên mạng, tôi thấy trùng tu vầy là đẹp rồi. Có con dâu tôi kể là mấy ngày qua cộng đồng mạng bàn luận nhiều. Hình ảnh Chùa Cầu lần đầu tôi đi lâu quá rồi, tôi không nhớ. Ở đời mà, làm sao mà làm vừa lòng được tất cả mọi người, trăm người trăm ý.

Anh Thành: Tôi thấy một công trình kiến trúc sau khi trùng tu thì cần thời gian để có lại vẻ rêu phong, cũ kỹ, đó là điều bình thường. Tôi thấy các chuyên gia tu bổ, phục dựng lại vậy là đẹp rồi. Tôi thấy vui vì khi đi Hội An ngay dịp Chùa Cầu mở cửa cho du khách tham quan. Gia đình tôi đã chụp rất nhiều hình ảnh tại đây.

Nhà văn, họa sĩ Trương Nguyên Ngã (người dân Hội An):

Chùa Cầu đã là "tài sản chung" của những ai yêu mến Hội An, yêu mến di sản

Thực tình mà nói với cá nhân tôi, Chùa Cầu trước và sau trùng tu có một sự thay đổi đáng kể. Về kết cấu, sau khi trùng tu Chùa Cầu cứng cáp hơn, vững chãi hơn, điều quan trọng là không bị biến dạng nhiều so với trước đó là điều đáng được trân trọng. Tất nhiên, cái chúng ta quen nhìn, sau khi được biến đổi cũ - mới sẽ gây phản ứng trái chiều là điều không lạ. Nhưng tôi nghĩ đó là một tiểu tiết không đáng kể, khi tôi tiếp cận được những thông tin hầu như chính xác về màu sắc các vị tiền bối ngày xưa đã làm.

Trong việc trùng tu đôi khi phải lựa chọn cái được và cái mất khi đại trùng tu một di tích. Với chủ trương "Hạ giải trùng tu" thì việc mất đi màu sắc cũ là điều đương nhiên. Việc màu sắc xin hãy để thời gian làm tiếp tục công việc của mình, với thời tiết cực đoan của miền Trung thì chắc sẽ không lâu, đâu lại vào đấy.

Điều cuối cùng chúng ta phải nhìn nhận là trừ những phản ứng thái quá, dư luận trong những ngày qua về Chùa Cầu là điều cần thiết để nhìn ra vấn đề Chùa Cầu bây giờ không chỉ là của riêng của người Hội An nữa, nó đã là tài sản chung của tất cả những người yêu mến Hội An, những người yêu chuộng di sản văn hóa của tiền nhân để lại, và đó là điều đáng mừng.

Anh Nguyễn Hữu Xuân (kinh doanh tại khu vực đường Trần Phú, gần Chùa Cầu):

Chùa Cầu được trùng tu là điều đáng mừng

Là người Hội An, chúng tôi gần như quen với thị phi rồi. Bất kỳ thông tin gì về Hội An xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội thì luôn luôn có nhiều dư luận trái chiều. Điều đó ban đầu sẽ khiến cho người Hội An lo lắng, không biết dư luận nhiều như vậy có ảnh hưởng gì đến hình ảnh Hội An trong mắt du khách trong và ngoài nước hay không. Nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy, có được yêu thương nhiều nên Hội An mới được bàn luận nhiều như vậy. Mấy ngày qua, tôi nhận thấy lượng khách đổ về khu vực Chùa Cầu vào buổi chiều tối để chụp ảnh với Chùa Cầu sau khi trùng tu rất nhiều.

Về việc trùng tu Chùa Cầu, các yếu tố kỹ thuật, lịch sử, tôi tin rằng chính quyền Hội An và các chuyên gia đã rất kỹ lưỡng và làm điều tốt nhất cho Hội An. Thật mừng là Chùa Cầu đã được tu bổ, sửa chữa, vì nếu làm muộn hơn, công trình có lịch sử hàng trăm năm này có thể xuống cấp và nếu trải qua vài mùa mưa, gió, bão thì có thể đối diện với nguy cơ sụp đổ. Với người Hội An, Chùa Cầu được trùng tu là điều đáng mừng. Ngày mở cửa Chùa Cầu là ngày cả con đường rộn ràng vì du khách có thể dừng chân chụp hình ở điểm tham quan đã đóng cửa hơn 1 năm qua.

Chỉ có một điều đáng suy nghĩ là phải chi các chuyên gia có thể sớm nhận ra nét mới mẻ ở nhiều góc màu sắc trên Chùa Cầu để có thể chỉnh trang sớm, tránh gây những dư luận không hay. Về bản chất thì vẫn không có gì thay đổi nhưng nếu phết lên đó một chút cũ kỹ thì tốt hơn. Ví như tôi nhớ ngày xưa, đoàn phim “Người Mỹ trầm lặng” khi đến dựng phim trường ở Hội An, họ đã đi cạo những lớp rêu trong các con hẻm để dán vào những căn nhà bối cảnh phim. Đó là những kinh nghiệm để chúng ta đối phó và làm hài lòng cộng đồng mạng.

Việc làm hài lòng cộng đồng mạng cũng không có gì là xấu cả vì Hội An sống được là nhờ du khách.

Một số hình ảnh Chùa Cầu trước giờ khánh thành:

Đông đảo du khách tham quan Chùa Cầu những ngày qua.

Đông đảo du khách tham quan Chùa Cầu những ngày qua.

Chùa Cầu nhìn từ đường Trần Phú.

Chùa Cầu nhìn từ đường Trần Phú.

Chùa Cầu nhìn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Chùa Cầu nhìn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Chùa Cầu nhìn từ bên cạnh.

Chùa Cầu nhìn từ bên cạnh.

Trâm Anh (ghi)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-hoi-an-va-du-khach-neu-cam-nhan-ve-chua-cau-truoc-gio-khanh-thanh-44657.html