Câu chuyện của thiếu nữ 17 tuổi và những hiểu biết về bệnh lao
'Một câu chuyện rất đau xót. Bệnh nhân đã tử vong. Tôi hy vọng, câu chuyện này sẽ không lặp lại ở những gia đình khác, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu. Người dân hãy tự chủ động dự phòng, ý thức để phát hiện sớm bệnh lao, tiếp cận điều trị, vì bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi'.
Cơ chế lây của bệnh lao nguy hiểm hơn bệnh COVID-19
TTND.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, cách đây mấy ngày, BV tiếp nhận thiếu nữ 17 tuổi, mặc dù bị sút cân, ho, sốt trong nhiều tháng, nhưng bệnh nhân không đi khám, vì cho rằng đó chỉ là những biểu hiện của bệnh hô hấp thông thường. Cho đến khi thay đổi tri thức, lú lẫn, bệnh nhân mới đến BV thăm khám thì đã quá muộn và thiếu nữ này tử vong vì lao màng não.
“Đây chỉ là một trong những trường hợp cụ thể rất đau xót mà tôi muốn nói đến, đó là những trường hợp phát hiện bệnh muộn. Bố của bệnh nhân từng mắc lao và tử vong vì bệnh lao cách đây 3 năm. Nhưng do mặc cảm, thiếu hiểu biết về bệnh lao, đã đẩy bệnh nhân đến kết cục đau lòng này. Tôi hy vọng, câu chuyện này sẽ không lặp lại ở bất kỳ gia đình khác, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Người dân hãy tự chủ động dự phòng, ý thức để phát hiện sớm bệnh lao, tiếp cận điều trị, vì bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi”, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
TS. Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi ngày, vẫn có gần 4.000 người chết vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc căn bệnh này.
Tại Việt Nam, số ca mắc mới và số tử vong do lao có giảm, nhưng Việt Nam vẫn là 1 trong 30 quốc gia có gắng nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Báo cáo năm 2020 của WHO cho biết, Việt Nam có khoảng 170.000 trường hợp lao mắc mới mỗi năm, trong đó có 9.400 trường hợp tử vong do lao. Phần lớn các ca tử vong do chưa được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, so với bệnh COVID-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều, vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micromét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng, mắt, mũi. Vì vậy, bệnh lao được ví như kẻ giết người thầm lặng.
“Số ca tử vong do bệnh lao cũng cao hơn nhiều so với COVID-19, trong khi bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị khỏi”, ông Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Biến thách thức COVID-19 thành cơ hội chấm dứt bệnh lao
Theo ước tính của WHO cũng như là Liên minh Phòng, chống lao toàn cầu, dịch COVID-19 đã đẩy tình hình bệnh lao năm 2020 trở về năm 2015, tức là tình hình xấu đi. Kết quả phòng, chống lao đã bị ảnh hưởng rất lớn. Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Tuy nhiên, Việt Nam đã biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để tiến tới chấm dứt bệnh lao. Đó là ý thức và sự đồng lòng rất cao từ người dân trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị với những chỉ đạo, quyết sách đúng đắn ngay từ ban đầu, chính vì thế, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao ở nước ta trong năm 2020 chỉ giảm 3,1% so với trước đó và duy trì tỷ lệ khỏi cho bệnh nhân, trong khi tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới giảm khoảng 20-30% trong năm 2020.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, để chấm dứt bệnh lao trước hết cần đổi mới về tư duy chính là đổi mới về cách nghĩ, cách làm, đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao là cái đích cần đạt được. Tiếp đó là đổi mới về công nghệ.
Vấn đề quan trọng và cốt lõi trong phòng ngừa và điều trị bệnh lao hiện nay là phải phát hiện sớm bệnh. Nếu bệnh được phát hiện sớm, được điều trị kịp thời thì sẽ có trên 90% người mắc bệnh lao thường khỏi bệnh, trên 75% người mắc lao kháng thuốc khỏi bệnh.
“Những kinh nghiệm từ cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam cho thấy, Việt Nam có đủ mọi tiền đề và điều kiện để chiến thắng bệnh lao. Nếu chúng ta huy động được sự vào cuộc của toàn bộ xã hội, từ chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội, cho tới cộng đồng và từng người dân, nếu chúng ta cũng chung sức, đồng lòng phòng, chống bệnh lao như chống ‘giặc COVID-19’, thì chúng ta cũng có thể gặt hái được những thành công như trong ngăn chặn đại dịch COVID-19 hơn một năm qua”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có triệu chứng bệnh lao phổi điển hình thường gặp dưới đây, người dân nên đi khám sớm và được điều trị kịp thời:
Ho: Có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, giãn phế quản, lao... Trong trường hợp ho trên 3 tuần, cũng như đã dùng thuốc điều trị mà không thuyên giảm, thì nguy cơ mắc bệnh lao phổi là rất lớn.
Khạc ra đờm: Nguyên nhân do tình trạng tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích, hoặc do có tổn thương tại phế quản phổi.
Ho ra máu: Đây là triệu chứng bệnh lao phổi có thể gặp ở 60% người mắc bệnh, xuất hiện khi có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp.
Đau ngực, khó thở: Đau ngực là một trong những triệu chứng bệnh lao phổi dễ nhận thấy ở bệnh nhân. Ho nhiều sẽ gây ức chế lên phế quản, dẫn đến tình trạng khó thở, đau ngực.
Gầy sụt cân là triệu chứng thường gặp ở số đông người bệnh lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS... nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên thì phải đi khám ngay.
Sốt về chiều: Triệu chứng sốt cao, sốt thất thường và đặc biệt là sốt nhẹ kèm hiện tượng gai lạnh về chiều là dấu hiệu cần nghĩ tới khả năng mắc bệnh lao.
Đổ mồ hôi: Bệnh lao phổi khiến đổ mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà thường hay gọi là ra mồ hôi trộm nhiều về ban đêm.
Cơ thể mệt mỏi là triệu chứng thường gặp khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công.
Không phải bệnh nhân bị lao đều có tất cả các triệu chứng trên. Nhiều người chỉ xuất hiện một vài triệu chứng nhẹ. Ngoài ra các dấu hiệu này cũng thường gặp ở nhiều loại bệnh khác, không phải lao. Do vậy, để biết một cách chính xác mình có phải mắc lao hay không, người dân nên chủ động đến các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt.