Câu chuyện ít biết về chú hổ hoang dã cuối cùng được giải cứu ở Thừa Thiên Huế

Hổ Lâm Nhi, chú hổ cuối cùng trong tự nhiên mắc bẫy của thợ săn ở Thừa Thiên Huế năm 1998, cũng là chú hổ đầu tiên sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Theo đó, tháng 6/1998, từ việc kiểm lâm Thừa Thiên Huế phá vỡ một đường dây săn bẫy hổ giải cứu thành công một cá thể hổ non Đông Dương đã mắc bẫy của thợ săn ở khu rừng động Tam Dần nay là khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Con hổ này còn non, nặng khoảng 30kg, chưa đầy 2 tuổi, bị thương nặng ở chân trái trước do mắc bẫy cáp của thợ săn. Sau 42 ngày cứu hộ thành công, việc giữ hổ lại trong điều kiện nuôi nhốt hay thả về rừng đó là một quyết định khó khăn với cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ vì bị giữ quá lâu trong điều kiện nuôi nhốt, nhiều ý kiến lo sợ con hổ non này sẽ gặp nguy hiểm khi trở lại môi trường hoang dã. Cuối cùng được Cục Kiểm lâm quyết định chuyển giao cho vườn thú Hà Nội vào năm 1998.

Hổ My, hậu duệ của Hổ Lâm Nhi cũng đã sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt.

Hổ My, hậu duệ của Hổ Lâm Nhi cũng đã sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt.

Sau đó là cả một chiến dịch truyền thông “Đưa hổ về nhà mới” và “Đặt tên cho hổ con” do Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Cục Kiểm lâm thực hiện đã tạo ra một sự kiện truyền thông lớn để bảo tồn loài hổ trước nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam thời điểm đó.

Bên cạnh đó, đã có một cuộc phát động đặt tên cho chú hổ này. Lâm Nhi - cái tên do một em học sinh ở Vĩnh Phúc đặt cho hổ con và được nhiều người biết đến sau nay. Nó thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận, ngay cả hãng tin Reuters đã cử phóng viên đến Thừa Thiên - Huế để thực hiện phóng sự đặc biệt về sự kiện này.

Câu chuyện về Lâm Nhi – con hổ nhận được sự quan tâm của dư luận thời đó và lại càng nổi tiếng hơn, khi vào ngày 20/4/2003, đã sinh hạ được tới 4 hổ con. Hổ Lâm Nhi được ghi nhận một trong những con hổ sinh sản thành công nhất ở Vườn thú Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ có hai hổ con tên My và Điên sống được đến tuổi trưởng thành.

Năm 2005, Lâm Nhi lại mang bầu, đẻ tiếp 4 con. Thế nhưng, vừa đẻ xong, thì Lâm Nhi qua đời vì hậu sản. 4 hổ con này cũng ra đi theo mẹ vì khát sữa mẹ.

Năm 2006, Hổ My là hậu duệ của Hổ Lâm Nhi đẻ được 4 con nhưng chỉ có hai hổ con tên gọi Mặt Xám và Sứt Tai sống được và cả hai đều đã trưởng thành như những mãnh chúa của rừng xanh.

Năm 2008, cuộc giao phối giữa hai anh em My và Điên tiếp tục thành công, và My lại lần nữa sinh 4. Tuy nhiên, 3 hổ con vừa sinh ra đã chết, chỉ còn lại một con. Có thể, hôn nhân cận huyết là nguyên nhân khiến 3 hổ con chết ngay từ lúc lọt lòng. Chú hổ này được đặt tên là Hổ Lô hiện đã ở tuổi trưởng thành, ăn khỏe, lớn nhanh.

Vườn thú Hà Nội hay còn gọi Vườn bách thú hay công viên Thủ Lệ nằm cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 5km về phía tây, nằm cạnh ngã tư Cầu giấy góc đường Kim Mã giao với đường Bưởi, giáp khách sạn Daewoo. Vườn bách thú được xây dựng từ năm 1975 và là nơi nuôi nhốt nhiều động vật hoang dã, nhiều loài chim quý, cá quý, đồng thời đây là nơi được bố trí rất nhiều khu vui chơi giải trí cho các em thiếu nhi kèm theo thảm cỏ, vườn hoa.

Theo tìm hiểu, hiện nay Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân giống, bảo tồn gần 700 cá thể với hơn 90 loài động vật khác nhau, trong đó có những loài thú đặc biệt quý hiếm trong sách đỏ.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cau-chuyen-it-biet-ve-chu-ho-hoang-da-cuoi-cung-duoc-giai-cuu-o-thua-thien-hue-326958.html