Câu chuyện ngày xuân

Xuân về Tết đến. Những ngày thiêng liêng nhất trong năm đang đến gần, những cảm xúc ấm cúng đoàn viên, những lời chúc nhau đầy tình cảm và cung bậc tốt đẹp sắp diễn ra. Niềm vui lan tỏa, nên không nhắc những điều không hay về dịch bệnh diễn ra 2 năm qua, nhưng mượn đó làm nền để bày chuyện bàn về chuyện rủi và may. Từ kép may rủi nói lên 2 sự việc tương phản nhưng hay gắn liền nhau. Nói đầy đủ hơn là các câu tục ngữ, thành ngữ: 'Trong rủi có may', 'Qua cơn mưa trời lại sáng', 'Qua đêm đen tới bình minh', 'Thất bại là mẹ thành công', 'Tái ông mất ngựa', 'Họa phúc tương sinh'… Gần đây là 'Lũ đi qua phù sa ở lại'!

Không nhắc điều không hay, nhưng nhắc các cảm xúc còn lưu lại lâu dài trong ký ức để cảm nhận được sự quý báu của những điều đã từng rất bình thường, nhưng có lúc cảm nhận về nó thấy quý giá… vô cùng. Được cười tươi hết cỡ, được ôm chặt nhau phút trùng phùng; được tha hồ ồn ào ngày cuối tuần nơi quán khá vắng nào đó mà quanh bàn bia toàn những bạn hữu cùng thời; được hưởng không khí hoan hỉ ở lễ cưới đông vui ngày cuối tuần… tất cả giờ là hàng hiếm, khó kiếm và không thể tìm ra cho đến khi dịch đi qua! Nói ra để thấy… tiếc nhưng đọc hết những bình luận về Covid-19 sẽ an ủi...

Gần 3 tháng mới gặp lại người anh, trông anh ta có vẻ rắn rỏi, mạnh mẽ lên dù tuổi đã cao. Ảnh nói tại Covid-19 nên ít gặp bạn bè, ít tiếp xúc bên ngoài, không bia rượu và chỉ lo ra đồng coi lúa. Nhờ có vận động như vậy nên người khỏe lên! Chuyện lớn một chút, trại tôm của hãng tôi, khi vào vụ nuôi luôn quy định người lao động ăn ở tại chỗ, không ra vào nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh cho tôm. Quy định là vậy, nhưng người lao động có trăm cách để xin ra vào bằng được. Chủ yếu là chuyện nhà vợ bệnh, rồi con đau, rồi cha mẹ sức khỏe không tốt, rồi bản thân cần đi khám bệnh… Tuồng cũ soạn hoài nhưng vẫn hiệu quả. Nay, thời Covid-19 có khác. Ở tại chỗ lo cho ao tôm nên có đủ thù lao, có thêm nguồn lo cho gia đình; ở tại chỗ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh so với về nhà, ao tôm được chăm sóc chu đáo hơn và ít ra vào, ít lây dịch bệnh, tôm phát triển tốt hơn, tiền thưởng sẽ nhiều hơn. Dịch bệnh khiến người lao động trại tôm thực thi 3 tại chỗ hết sức nghiêm túc và tự giác. Chắc đó là nguyên nhân không nhỏ khiến 4 vụ nuôi 2 năm qua của trại tôm đều có kết quả khả quan, nhất là năm 2021, dịch bùng phát mạnh hơn thì trại tôm trúng đậm hơn bao giờ hết! Một vụ tôm, mất 4 - 5 tháng, không ít lao động trại tôm bỏ túi trên trăm triệu tiền thưởng. Rõ là trong rủi có may!

Lớn hơn chút, chuyện liên quan tới doanh nghiệp. Chế biến tôm đông lạnh, thế mạnh tỉnh nhà, là công việc vất vả vì cái lạnh, cái ẩm trong khu làm việc. Do vậy, các doanh nghiệp chế biến này không thu hút lao động bằng ngành may, công việc mang tính chất kỹ năng nhưng cũng dễ tiếp thu vì đơn giản do chia nhỏ công việc. Tháng 10 vừa qua, người lao động trong tỉnh nhà phải xa xứ tìm việc, do khó khăn từ dịch bệnh nên quay về xứ sở và một số sẽ không có ý định đi xa nữa. Vậy là các doanh nghiệp chế biến tôm tự dưng có thêm nguồn lao động không nhỏ. Rõ là trong rủi có may. Mà hơn nữa, qua tình hình này các nhà điều hành doanh nghiệp sẽ mạnh tay cho các dự án mở rộng quy mô chế biến. Đây là xu thế tất yếu khi lĩnh vực nuôi tôm đang được khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng. Cũng nói thêm, trong kinh doanh hơn nhau là chạy trước. Chạy trước trong việc cung ứng các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng. Covid-19 đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ và hành vi người tiêu dùng, họ muốn thực phẩm tích hợp nhiều tiện ích, dễ dàng chế biến thành món ăn. Đây là chuyện hợp lý, là dòng chảy xuôi chiều, nhưng Covid-19 thúc đẩy làm rõ nét và sớm hơn thị hiếu này. Vậy là các doanh nghiệp năng động, có bộ phận nghiên cứu sản phẩm mới sẽ sớm đón đầu, tranh thủ được cơ hội này. Trong rủi có may!

Mở ra phạm vi xã hội, Covid-19 khiến bao cuộc họp toàn quốc của tất cả ban ngành, nay diễn ra trực tuyến, hết sức đúng giờ, hết sức gọn nhẹ nhưng tính nghiêm túc như là hơn hẳn. Chuyện này tiết kiệm chẳng những chỉ thời gian mà còn chi phí và nhất là tăng tính hiệu quả. Các sự kiện hiếu hỉ như lễ cưới cũng đơn giản, bù lại là sự ấm cúng thắm tình. Lễ tang cũng diễn ra thời gian ngắn để an toàn nhưng qua đó cũng bớt đi sự rườm rà không đáng. Nhiều nếp sống có vẻ văn minh hơn. Việc cải cách thủ tục hành chính tiến triển nhanh hơn! Lý do nghe chưa thuyết phục lắm, là do “nỗ lực” rút ngắn thời gian. Há lẽ trước đây là “đủng đỉnh”! Mà thôi, dù sao cải thiện công việc là có mặt tích cực rồi...

Xuân về Tết đến, cũng may giai đoạn này đất nước đã căn bản kiểm soát được dịch. Người dân cơ bản đã được tiêm mũi 2 và đang ổn thỏa cho mũi tăng cường, có thể tạo nên sự yên tâm khi mở cửa lại các hoạt động, nhất là hoạt động mở, có nhiều tiếp xúc như nhà hàng, du lịch, điểm vui chơi… Xuân về, người lao động tự do cũng đã có nhiều việc để dần ổn định cuộc sống. Công nhân trong các nhà máy cũng đã trở lại guồng hoạt động cũ, từng bước trở về trạng thái bình thường. Nông dân cũng an tâm hơn với việc đồng áng của mình, giảm nỗi lo ứ đọng nông phẩm. Qua bão giông, ai cũng thấy trời như sáng hơn bao giờ. Xuân về, nỗi đau từ Covid-19 đang đi qua, niềm vui từ bình thường mới, niềm vui từ xuân về Tết tới… Tất cả cộng hưởng tạo nên cảm xúc đầy cung bậc theo hoàn cảnh mọi người. Dù tới đây dịch bệnh còn biến động ồn ào gì nữa, tính sau. Tất cả cùng nhau chia sẻ, cùng nhau lo toan để có mùa xuân vui, cái tết đầy cảm xúc đầm ấm, hạnh phúc… bù đắp phần nào nỗi vất vả quá lớn đã trải qua. Cũng mong là “Lũ đi qua phù sa ở lại”!

HỒ QUỐC LỰC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/cau-chuyen-ngay-xuan-54310.html