Câu đố Tiếng Việt: Vì sao nói 'cãi chày cãi cối'?
Đố bạn, nguồn gốc câu 'cãi chày cãi cối' từ đâu?
Khi nói về việc cãi cố mà không đưa ra được lý lẽ thuyết phục, chúng ta thường dùng câu "cãi chày cãi cối". Nhưng tại sao lại có chày, cối ở đây? Chẳng lẽ điều này ám chỉ khi cãi không được, người ta sẵn sàng lao vào xung sát bằng chày và cối? Câu đố này quả thật "hack não", ít người đoán đúng ngữ nghĩa của nó.
Thực tế không phải như vậy. Trong Tiếng Việt có một lối chơi chữ thú vị: Sử dụng từ gần âm để tạo nên những cụm từ nhiều màu sắc, chẳng hạn như "tiếng Anh, tiếng em", "văn nghệ, văn gừng",… Tương tự như vậy, người ta đã lồng ghép hai chữ "chày" và "cối" khác nhau để tạo nên câu "cãi chày cãi cối".
Chữ "chày" gốc trong "cãi chày" vốn là biến âm của "chầy", tức là "chậm, muộn, lâu" (Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức). Còn học giả Lê Văn Đức đã giảng về từ này rất chi tiết như sau:
- "Chầy (trạng từ): Muộn, chậm".
Nghĩa này từng xuất hiện trong câu ca dao "Đời xưa trả báo còn chầy/Đời nay trả báo một giây nhãn tiền".
- "Chầy: Hiểu theo nghĩa rộng là "dài, kéo dài".
Nghĩa này từng xuất hiện trong câu ca dao "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/Năm canh chầy thức đủ vừa năm".
Chữ "chầy" còn xuất hiện trong nhiều thành ngữ, tục ngữ khác như "chẳng kíp thì chầy" (không kịp thì trễ), "đau chóng, đã chầy" (mắc bệnh thì nhanh, khỏi bệnh thì lâu),…
Như thế, "cãi chầy" là cãi dai, cãi lâu. Theo thời gian, người ta biến âm "chầy" thành "chày" và đánh đồng với cái chày giã gạo tạo nên câu "cãi chày cái cối". Do chữ "chầy" ngày càng ít được sử dụng trong cuộc sống thường ngày nên nguồn gốc sâu xa của "cãi chày cái cối" bị ẩn đi khiến câu thành ngữ trở nên thú vị.
Ngoài ra, một số cụm từ gần âm có nguồn gốc thú vị như:
- "Không nhưng không nhị": "Nhị" vốn là bộ phận sinh sản của hoa. Nhưng bạn có thắc mắc tại sao người ta lại ghép "nhị" với từ "nhưng"? Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Chữ "nhưng" theo phát âm của người Nam Bộ gần âm với "nhưn" – cách nói khác của từ "nhân". "Nhưn/nhân/nhị" đều có chung một đặc điểm là "vật nằm bên trong của một vật khác lớn hơn". Chính vì vậy, chúng được đặt cạnh nhau tạo thành cụm từ "không nhưng không nhị".
- "Lý do lý trấu": Chữ "do" theo phát âm người Bắc Bộ gần âm với chữ "gio" – cách gọi khác của "tro", tức là một chất nhuyễn như bột, là phần còn lại của một vật bị đốt cháy. "Tro/gio" là khái niệm khiến ta liên tưởng đến "trấu", tức là vỏ thóc, có thể dùng để rấm bếp. Như vậy, "tro/gio" và "trấu" là hai danh từ có một đặc điểm chung là đều liên quan đến công việc bếp núc.
Người ta đã tận dụng những điều kiện đó mà đánh đồng "do" trong "lý do" với "gio" thành "lý do lý trấu". Câu này được dùng để tỏ thái độ không đồng tình, cho rằng lý do đó không chính xác.