'Câu đối và những giai thoại' - nỗ lực, tâm huyết lưu giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa

Nguyên là cán bộ Thư viện tỉnh, ông Lê Văn Bài là người nặng lòng với việc tìm hiểu, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc. Trong đó, ông dành nhiều tình cảm, niềm say mê cho câu đối - một thể loại văn học đặc biệt, thú chơi tao nhã, lắm công phu. 'Câu đối và những giai thoại' là cuốn sách được ông dày công viết nên từ những tâm huyết, nỗ lực như thế.

Toàn cảnh buổi tọa đàm cuốn sách “Câu đối và những giai thoại” của tác giả Lê Văn Bài do Thư viện tỉnh tổ chức.

Ông Lê Văn Bài bén duyên với thể loại văn học đặc biệt này một cách rất tự nhiên. Ông tâm sự: “Tôi bắt đầu tiếp xúc với câu đối từ hơn 50 năm trước, qua các số báo tết. Vào cái thuở ban đầu ấy, tôi cũng như bao người khác, chưa hiểu biết gì nhiều về câu đối cả. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, tôi vẫn thấy ham thích, hấp dẫn nhiều”. Từ sự thích thú đó, ông Bài quyết tâm, chủ động tự học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu thông qua việc chịu khó đọc sách, tham khảo tài liệu, nắm vững cấu trúc, nguyên tắc của thể loại này và thực hành viết câu đối. “Càng đi sâu vào tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu, tôi càng bị thu hút bởi vẻ đẹp, tinh hoa và tác dụng của câu đối đến sự hình thành nhân cách, trí tuệ, tâm hồn và tình cảm cho con người, cho đời sống văn hóa - xã hội” - ông Bài thành thật cho biết. “Nhỏ nhưng có võ” - câu nói dân gian này rất phù hợp khi dành để nói về câu đối. Với đặc tính ngắn gọn, sắc sảo, tính biểu đạt cao, câu đối là sản phẩm, kết tinh của tâm hồn, trí tuệ, cốt cách người Việt: Tinh tế, văn minh trong cách hành xử, nhẹ nhàng mà kiên quyết, khéo léo, linh hoạt trong các mối quan hệ, thâm thúy, sâu sắc trong suy nghĩ, tư tưởng.

Chính tình yêu, niềm đam mê, tâm huyết cùng với những hiểu biết của ông về câu đối, ông càng cảm thấy băn khoăn, trăn trở trước thực trạnh hiện nay: Phần lớn mọi người thờ ơ với câu đối. Nhiều gia đình treo câu đối nhưng mục đích chủ yếu là để trang trí cho đẹp nhà hoặc theo kiểu “học làm sang”. Câu đối trình bày rất đẹp, sơn son thiếp vàng, tốn kém chi phí nhưng thực chất nhiều người trong số đó không hiểu câu đối là gì, không biết câu đối nhà mình nói điều gì. Có nhiều câu đối chưa hay, chưa đúng luật mà treo trang trọng, khách khứa ai đến cũng khoe. Ngay cả trên các ấn phẩm, giai phẩm, báo tết hằng năm, tòa soạn nào cũng sắm sửa cho báo mình dăm ba câu đối như một cách lưu giữ, vinh danh giá trị văn hóa đẹp. Thế nhưng, bên cạnh nhiều câu đối hay, đáng đọc, gọi lên nhiều điều đáng suy ngẫm thì cũng có những câu đối chưa hay, sai sót cơ bản về luật đối, xào xáo lại hoặc “đạo” của người khác... Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn ấy là gì? Ông Bài cẩn trọng phân tích: “Có sự đáng tiếc này vì phần lớn mọi người không hiểu, thờ ơ với câu đối nên chưa cảm nhận được cái hay, cái đẹp và những giá trị mà nó mang lại cho cuộc sống của chúng ta. Vì thế, vai trò của câu đối cũng chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, xứng tầm”.

Từ những trăn trở, băn khoăn trước thực trạng đáng buồn ấy, bằng những kiến thức, kinh nghiệm đúc rút, tích lũy được qua quá trình tự học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu nghiêm túc, ông Bài đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách có tựa đề: “Câu đối và những giai thoại”. Với cấu trúc gồm 10 chương, “Câu đối và những giai thoại”, cung cấp cho độc giả một số kiến thức về câu đối trên các phương diện: Khái niệm về câu đối, các biện pháp tu từ nâng cao chất lượng câu đối, câu đối tết, tiêu chí đánh giá câu đối, đối trong văn chương, chức năng của câu đối, các tác giả câu đối nổi tiếng trong lịch sử, đối đáp sứ Tàu bằng câu đối, câu đối trong đời sống xã hội...

Sau khi đã đi qua nhiều kiến giải chi tiết, cặn kẽ, tác giả tổng hợp, khái quát lại vấn đề về tổng thể câu đối Việt Nam để thấy được sự vận động và phát triển của thể loại văn học đặc biệt này: “Càng về sau, mọi hoạt động của con người được mở rộng hơn, bình diện cuộc sống lớn hơn, con người giao lưu nhiều hơn... Với nội dung và nghệ thuật của nó, câu đối ngày càng thoát khỏi tính chất kinh viện, đi vào cuộc sống, phản ánh thực tế cuộc sống nhiều hơn, do đó, phục vụ cuộc sống tốt hơn”.

Mặc dù không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót nhưng cuốn sách “Câu đối và những giai thoại” đã cho thấy nỗ lực, tâm huyết của một người nặng lòng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Qua cuốn sách này, ông Bài mong muốn truyền cảm hứng đến người đọc, để từ đây sẽ có thêm nhiều người hiểu câu đối, yêu thích câu đối, say mê câu đối, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của thể loại văn học này và tiến tới sáng tác câu đối, đóng góp cho đời nhiều câu đối hay, tiếp nối truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cha ông chúng ta đã làm suốt chiều dài lịch sử.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cau-doi-va-nhung-giai-thoai-no-luc-tam-huyet-luu-giu-nbsp-lan-toa-net-dep-van-hoa/134119.htm