Câu hỏi về Mariupol

Quân đội Nga và lực lượng ly khai thân Nga đang giành được các thành công nhất định trên chiến trường Donbas, nhưng câu hỏi chưa có lời giải là họ đã chiếm được Mariupol hay chưa.

Khi chiến sự gần bước sang tháng thứ ba, người Nga dường như đang quyết tâm kiểm soát toàn bộ vùng Donbas, miền Đông Ukraine. Moscow đã chiếm thêm được một số thành phố, thị trấn trong vùng, cũng như đưa cuộc chiến tại Mariupol gần đến hồi kết thúc. Nga tuyên bố chiếm được Mariupol, trừ nhà máy thép Azovstal, trong khi Ukraine không xác nhận thông tin này.

Cùng với câu hỏi về Mariupol là số phận của người dân nơi đây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng 120.000 dân thường đang bị mắc kẹt không thể rời khỏi nơi này.

Dù vậy, xung đột vẫn chưa hoàn toàn khép lại ở các thành phố khác. Thương vong với dân thường Ukraine do các cuộc tấn công của Nga vẫn được ghi nhận tại Kharkiv, theo chính quyền địa phương.

Nga chiếm thêm thành phố ở Donbas

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 21/4 tuyên bố Mariupol đã được “giải phóng”, theo Sputnik. Theo ông Shoigu, tình hình tại thành phố đã lắng dịu, mở đường cho cư dân quay trở lại.

Trước đó, vào đầu ngày 21/4, Ramzan Kadyrov, người đứng đầu nước Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, tự tin rằng lực lượng của Moscow sẽ kiểm soát hoàn toàn nhà máy thép Azovstal trong ngày. Tuy nhiên, đến chiều, dù tuyên bố "giải phóng" được Mariupol, Moscow vẫn thừa nhận còn nhà máy thép chưa đầu hàng.

Ông Shoigu cũng xác nhận một phần lực lượng Ukraine vẫn cố thủ trong thành phố.

“Nhóm còn lại, gồm hơn 2.000 người, đã bị phong tỏa tại khu vực công nghiệp của nhà máy Azovstal”, ông nói.

Tổng thống Putin chúc mừng việc chiếm được Mariupol nhưng lại hủy kế hoạch tấn công thẳng vào thành trì cuối cùng - Azovstal. Tổng thống Nga nhận định việc tấn công nhà máy Azovstal là “phi thực tế”, và tuyên bố cần nghĩ đến việc bảo toàn tính mạng của binh sĩ.

 Nhà máy thép Azovstal đang là cứ điểm phòng ngự cuối cùng của người Ukraine tại Mariupol. Ảnh: Reuters.

Nhà máy thép Azovstal đang là cứ điểm phòng ngự cuối cùng của người Ukraine tại Mariupol. Ảnh: Reuters.

Ông Putin chỉ đạo lực lượng Nga "không cần phải xông vào nhà máy thép Azovstal, thay vào đó phong tỏa nó đến mức 'một con ruồi' cũng không thể lọt ra", theo Interfax.

Vài ngày qua, Mariupol luôn trong tình trạng giằng co. Lực lượng Ukraine phòng thủ tại Mariupol nhiều lần kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài.

“Chúng tôi có hơn 500 binh sĩ bị thương và hàng trăm người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em”, một sĩ quan thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine tuyên bố trong đoạn video được đăng tải hôm 20/4. “Đây có thể là lời kêu gọi cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi có thể chỉ còn vài ngày, thậm chí vài giờ”.

Ukraine đang kêu gọi sớm mở hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường và binh lính bị thương trong nhà máy thép Azovstal, theo AFP.

"Hàng trăm dân thường, trẻ em, binh lính Ukraine bị thương đang mắc kẹt trong nhà máy. Họ không có thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm. Cần phải mở hành lang nhân đạo khẩn cấp tại Azovstal và đảm bảo mọi người sẽ an toàn”, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trong tuyên bố tối 21/4.

Cùng ngày 21/4, lực lượng ly khai tỉnh Luhansk tuyên bố đã tiến tới biên giới với tỉnh Kharkiv. Cùng ngày, CNN cũng xác nhận độ chân thực của các đoạn video đăng tải một ngày trước đó cho thấy lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát khu vực trung tâm thành phố Rubizhne thuộc tỉnh Luhansk.

Theo các đoạn video, khu vực trung tâm và quận phía bắc thành phố đã bị phá hủy đáng kể. Trong khi đó, quân đội Nga và lực lượng ly khai thân Nga dường như có thể di chuyển tự do trong thành phố mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Rubizhne vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine từ năm 2014. Dù vậy, thành phố cách lãnh thổ mà lực lượng ly khai kiểm soát không xa. Hôm 6/4, Thống đốc tỉnh Luhansk Serhiy Haidai cho biết 60% thành phố đã rơi vào tay quân đội Nga.

Bên cạnh đó, một số đoạn video về lực lượng Nga tại thị trấn Kreminna, nơi cách Rubizhne chỉ hơn 10 km, cũng được đăng tải. Kreminna đã được ông Haidai xác nhận rơi vào tay quân đội Nga kể từ hôm 18/4.

Mặt trận ngoại giao vẫn nóng bỏng

Dù quân đội Nga chuyển hướng chiến lược sang vùng Donbas, người dân ở các khu vực khác vẫn chưa thoát hẳn tiếng súng hay tiếng bom.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/4 tuyên bố đã tấn công 1.001 mục tiêu của Ukraine trong đêm trước đó, bao gồm 162 điểm hỏa lực, bằng tên lửa và pháo binh.

Theo Thị trưởng Kharkiv Igor Terekhov, thành phố này vẫn bị pháo kích mãnh liệt, khiến hai ngôi chợ và một khu dân cư đã bị trúng đạn trong đêm. Trong khi đó, Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Synyehubov tuyên bố Moscow sử dụng “nhiều hệ thống vũ khí” để tấn công thành phố, khiến 5 dân thường bị thương.

Ông Terekhov cho biết khoảng một triệu người vẫn ở lại thành phố, dù khoảng 30% dân số đã rời đi, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Những người mất nhà cửa đã được chuyển đến ở tạm tại các trường học.

 Một khu vực tại Kharkiv bị bom đạn phá hủy. Ảnh: AFP.

Một khu vực tại Kharkiv bị bom đạn phá hủy. Ảnh: AFP.

Thành phố không có kế hoạch sơ tán cư dân. Tình hình “căng thẳng, nhưng trong tầm kiểm soát”, thị trưởng Kharkiv cho biết.

Trong khi đó, triển vọng hòa đàm vẫn đang khá mờ mịt. Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/4 cáo buộc lập trường của Ukraine “chao đảo từ bên này sang bên kia”.

Dù vậy, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhận định cuộc xung đột “có thể kết thúc qua đối thoại trực tiếp” giữa ông Zelensky và ông Putin.

Trong bối cảnh này, phương Tây tiếp tục các nỗ lực nhằm hỗ trợ Ukraine và chống lại Nga. Ngày 21/4, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã có chuyến thăm tới thủ đô Kyiv của Ukraine như động thái thể hiện sự ủng hộ.

Trong chuyến thăm, bà Frederiksen tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí tới Ukraine “vì đây là điều cần thiết nhất”, bà tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự kiến công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine, một quan chức Mỹ nói với CNN. Trước đó, Mỹ đã chuẩn bị một gói viện trợ bổ sung trị giá 800 triệu USD, bằng với gói hỗ trợ được đưa ra đầu tháng 4.

Trong khi đó, chính phủ Anh áp đặt thêm một loại biện pháp trừng phạt chống lại Nga, bao gồm một số chỉ huy quân đội tham chiến tại Ukraine.

Về phần mình, Moscow cũng đưa ra các biện pháp đáp trả các nước phương Tây, bao gồm lãnh sự quán Estonia, Latvia và Lithuania tại St. Petersburg và Pskov. Trước đó, các nước này từng đóng cửa lãnh sự quán hoặc trục xuất các nhà ngoại giao Nga để phản ứng trước hành động của Nga tại Ukraine.

Cảnh hoang tàn bên trong Mariupol Đoạn video quay ngày 21/4 cho thấy thành phố cảng Mariupol của Ukraine bị tàn phá nặng nề sau nhiều tuần bị lực lượng Nga tấn công.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-ve-mariupol-post1311398.html