Cầu Kè - điểm đến du lịch tâm linh lễ hội Vu lan Thắng hội

Vu lan Thắng hội là lễ hội tín ngưỡng dân gian của người dân huyện Cầu Kè được hình thành và bảo tồn hơn một thế kỷ, kết hợp giao thoa các nguồn văn hóa giữa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer hòa quyện các yếu tố Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo lễ hội đã mang lại giá trị đặc sắc về yếu tố đạo đức, giá trị nhân văn và duy trì đức tin thiêng liêng trong cộng đồng.

Vu Lan Thắng Hội còn được người dân địa phương gọi là lễ cúng cô hồn, chẩn tế cô hồn hay lễ làm chay, thời gian diễn ra bắt đầu từ mùng 8 tháng 7 âm lịch đến cuối tháng. Hằng năm số lượng khách hành hương đến dự có trên 10.000 lượt người, không những người dân địa phương mà cả du khách phương xa đều ghi nhớ thời gian diễn ra lễ hội ở các cung thờ Ông Bổn để rồi "tới hẹn lại đến".

Vu Lan Thắng Hội còn được người dân địa phương gọi là lễ cúng cô hồn, chẩn tế cô hồn hay lễ làm chay, thời gian diễn ra bắt đầu từ mùng 8 tháng 7 âm lịch đến cuối tháng. Hằng năm số lượng khách hành hương đến dự có trên 10.000 lượt người, không những người dân địa phương mà cả du khách phương xa đều ghi nhớ thời gian diễn ra lễ hội ở các cung thờ Ông Bổn để rồi "tới hẹn lại đến".

Do có niềm tin và mục tiêu chung, hoạt động tín ngưỡng Vu lan Thắng hội giúp mọi người ý thức tự hào dân tộc, nâng cao truyền thông “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, đồng thời giáo hóa con người về nhân nghĩa, hiếu hòa, trọng đạo đức, lễ nghĩa, thờ kính tổ tiên… Trong quá trình diễn ra Lễ hội, tất cả những phần lễ đều nghiêm nhặt về nghi tiết, trang trọng về nghi thức, sự đan xen cân đối, hài hòa giữa lễ và hội đã tạo nên giá trị đặc sắc riêng và sức sống bền bỉ trong ký ức cộng đồng.

Lễ Thỉnh thần: là nghi thức quan trong tiến hành vào ngày “vào đám” diễn ra từ nơi tổ chức lễ hội đến các điểm tín ngưỡng trên địa bàn huyện. Lễ Thỉnh thần là hình thức rước kiệu đi đầu có hai người cầm cờ lệnh và một người đánh thanh la, mười sáu người trang phục chỉnh tề cầm cờ có thêu bốn chữ Vu Lan Thắng Hội và bát bửu binh khí chia làm hai hàng như đội binh hộ vệ. Kế tiếp là ban nhạc Tùa Lò - Cấu (Đại La - Cổ) của người Hoa, nổi bật nhất trong đám rước thần là Long đình (ngôi đình thu nhỏ làm bằng gỗ, trạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng), đi sau Long đình gồm ban tổ chức, ban quản trị và người dân địa phương.

Lễ Thỉnh kinh: được thể hiện bằng hình thức diễn xướng với Đường tăng cưỡi Bạch mã cùng các đệ tử: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tịnh, Bạch mã trên đường thỉnh kinh họ gặp và chiến đấu với ác quỷ dữ đang trú ngụ trong những hang động. Cuộc chiến ác liệt bằng hình thức phun dầu lữa vào những cây đuốc làm bừng sáng, tiếng trống Lò - Cấu dồn dập thúc giục tạo nên không gian náo nhiệt, oai hùng thu hút hàng ngàn người xem.

Lễ Khai quang (Châu phê): Khai quang là khai mắt cho tượng, dân gian tin rằng nếu không làm lễ khai quang tức là đưa sức mạnh của thế giới siêu nhiên ngự vào trong tượng, nghi thức khai quan nhằm củng cố niềm tin về sự hiện diện của các đấng thần linh qua đó nhắc nhỡ, khích lệ bản thân mỗi người năng làm việc thiện, tránh gây điều ác.

Ngoài ra còn rất nhiều nghi thức mang sắc thái tín ngưỡng dân gian song song với yếu tố Phật giáo như: lễ Hưng tác - Trình Thần Hoàng Bổn Cảnh, lễ Trình Tổ, khai Chung - Cổ, khai kinh, lễ Thỉnh Thùng Bổn mạng, lễ Tiền Hiền Từ Nghĩa, lễ Cúng Ngọ,… điểm nhấn trong chuổi các lễ hội là nghi thức Chẩn tế cô hồn.

Chẩn tế cô hồn: có thể được xem là khuôn mẫu, quy chuẩn nhất bao hàm khía cạnh văn chương và triết lý. Gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại Thừa Mật Tông, tư tưởng Nho giáo, Lão giáo được gói trọn vào đây, chẩn tế cô hồn đáp ứng được những nhu cầu về mặt tinh thần, tâm linh kết qua đó kết nối được tình thương giữa người và người, giữa hai bờ sống chết, kiến tạo nên tình đoàn kết trong cộng đồng nhằm hướng đến một cuộc sống hoàn mỹ và hoàn thiện hơn.

Điểm nổi bật trong lễ hội Vu lan Thắng hội là hoạt động Shaman giáo với hình thức “nhập xác, rách lưỡi vẽ bùa”, ngồi trên kiệu dao, kiểm tra phẩm vật cúng tế,… Hiện tượng “Ông Bổn về phần” được cộng đồng nhìn nhận là những chủ thể duy trì nghi lễ, tập quán lễ hội được lưu truyền hơn một thế kỷ qua.

Lễ hội Vu lan Thắng hội được “nuôi dưỡng” từ thế hệ trước truyền cho thế hệ tiếp theo với những quy chuẩn, khuôn mẫu mang giá trị tâm linh đặc sắc tác động nhiều mặt trong đời sống xã hội, giúp người dân nâng cao ý thức uống nước nhờ nguồn, giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống và xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Hoạt động lễ hội không chỉ là không gian văn hóa tâm linh, đây còn là cơ hội để mọi người cùng nhau thụ hưởng lộc thánh thần, ăn uống vui vẽ, chúc tụng nhau, học hỏi chia sẽ những kinh nghiệm trong cuộc sống và thưởng thức giá trị các loại hình nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật diễn xướng, văn hóa ẩm thực, âm nhạc, mỹ thuật, …

Với vị trí địa lý thuận lợi, các tuyến đường giao thông kết nối thông thoáng, nhiều điểm tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo Kinh, Khmer, Hoa đa dạng phong phú sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

Bài, ảnh: TRẦN PHONG QUANG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/cau-ke-diem-den-du-lich-tam-linh-le-hoi-vu-lan-thang-hoi-39574.html