Câu lạc bộ quyền lực siêu quốc gia
Câu lạc bộ Bilderberg là 'phiên bản quốc tế' của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mỹ, do các nhà tài phiệt ngân hàng, chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà báo và các học giả nổi tiếng tạo nên.
Câu lạc bộ Bilderberg
Nếu như những năm đó công khai mọi điều cho công chúng biết thì chúng ta đã không thể hoạch định kế hoạch phát triển cho thế giới. Hiện nay, thế giới ngày càng phức tạp, còn chúng ta thì chuẩn bị tiến bước mạnh mẽ để thành lập Chính phủ Thế giới. Bởi những người nắm giữ chủ quyền siêu quốc gia đều là các tầng lớp ưu tú và các ông chủ Ngân hàng Thế giới, nên lựa chọn tốt hơn cả là chúng ta nên nắm trong tay quyền tự quyết quốc gia hơn là giữ cách làm cũ như nhiều thế kỷ trước.
John Davison Rockefeller - Năm 1991
Câu lạc bộ Bilderberg lấy từ tên một khách sạn của Hà Lan, do ông hoàng người Hà Lan - Bernhard sáng lập năm 1954. Câu lạc bộ Bilderberg là “phiên bản quốc tế” của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mỹ, do các nhà tài phiệt ngân hàng, chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà báo và các học giả nổi tiếng tạo nên.
Tất cả các thành viên này đều do Rothschild và Rockefeller chọn ra. Trong đó rất nhiều người còn là thành viên của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mỹ, Hiệp hội Pilgrims Society, Hiệp hội Bàn tròn và cả Ủy ban Ba bên. Câu lạc bộ Bilderberg này hầu như đã kiểm soát hết toàn bộ hệ thống tổ chức của Hiệp hội châu Âu hiện có trong Liên minh châu Âu. Mục đích cuối cùng của họ chính là xây dựng một Chính phủ Thế giới.

Tên câu lạc bộ của những nhà tài phiệt được đặt theo tên một khách sạn. Ảnh: The Times.
Đặc điểm hoạt động lớn nhất của câu lạc bộ Bilderberg chính là “bí mật”. Cơ quan đầu não của tổ chức này đặt tại Leiden thuộc miền Tây Hà Lan, có số điện thoại nhưng lại không có kết nối. Chỉ một số ít thám tử tự do như Tony Gosling của Anh hay James Tucker của Mỹ mới có thể thu thập được những thông tin có liên quan đến địa điểm và lịch trình hội nghị của Câu lạc bộ này sau khi phải bỏ ra rất nhiều công sức và mưu mẹo.
Tucker đã theo dõi câu lạc bộ này suốt 30 năm và cuối cùng xuất bản một cuốn sách nói về nó. Nhà sử học Pierre de Villemarest cũng từng cộng tác cùng William Wolf để xuất bản bộ sách Facts and Chronicles Denied to the Public (Tạm dịch: Sự thật và biên niên sử bị giấu kín); với tập một và hai miêu tả lịch sử phát triển bí mật của Câu lạc bộ Bilderberg. Một cuốn sách khác được viết bởi nhà xã hội học Geoffrey Geuens của Vương quốc Bỉ cũng có một chương tập trung miêu tả về Câu lạc bộ này.
Étienne Davignon - cựu Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, thành viên của Câu lạc bộ Bilderberg - khẳng định rằng: “Đây không phải là âm mưu thao túng thế giới của các nhà tư bản.” Còn Thierry de Montbrial - Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, gia nhập Câu lạc bộ này đã gần 30 năm, thì khẳng định rằng đây chẳng qua chỉ là một “câu lạc bộ” mà thôi.
Sở dĩ những người này có những lời phát biểu như trên vì trong thông báo chính thức hội nghị năm 2002 của Câu lạc bộ Bilderberg có đoạn nêu: “Hoạt động duy nhất của câu lạc bộ là tiến hành hội nghị thường niên. Hội nghị này không đề ra bất cứ nghị quyết nào, không tiến hành bỏ phiếu và cũng không phát biểu để thanh minh cho bất cứ chính sách nào.” Câu lạc bộ Bilderberg chỉ là “một diễn đàn quốc tế nhỏ, linh hoạt và không chính thức. Các đại biểu tham gia hội nghị có thể phát biểu mọi quan điểm để tăng cường hiểu biết giữa các bên”.
Nhưng theo Will Hutton - nhà kinh tế học người Anh thì “ý kiến thống nhất trong mỗi lần hội nghị của Câu lạc bộ Bilderberg” chính là “lập ra chính sách thế giới”. Cách nói của ông thể hiện sự tiếp cận với sự thật ở mức độ tương đối bởi những quyết định đưa ra tại hội nghị của Câu lạc bộ Bilderberg về sau đều dần trở thành phương châm của các nước thuộc Nhóm G8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Đối với Câu lạc bộ Bilderberg, giới truyền thông luôn tỏ ra im lặng và phục tùng. Năm 2005, tờ Financial Times từng đưa tin về vấn đề này, nhưng sau đó đã phải giải quyết theo hướng làm giảm nhẹ “thuyết âm mưu” đang gây xôn xao dư luận. Trên thực tế, bất cứ ai có chất vấn hay nghi ngờ người của câu lạc bộ hùng mạnh nhất thế giới này đều sẽ bị biến thành đối tượng bị đàm tiếu trong các “tác phẩm” phê bình lý luận. Các thành viên của Câu lạc bộ Bilderberg như các nghị sĩ Anh hoặc những quan chức cao cấp Mỹ thì đều nói rằng chẳng qua đó chỉ là một nơi để bàn luận, một diễn đàn mà người người đều có thể “tự do phát biểu ý kiến”.
William Engdahl, tác giả cuốn A Century of War: Anglo-American Oil Politics and the New World Order (Cuộc chiến trăm năm: Chính trị Dầu mỏ Anh-Mỹ và Trật tự giới mới), đã giải thích tỉ mỉ một đoạn bí mật mà rất ít người biết từng xảy ra trong Hội nghị Bilderberg tổ chức ở Thụy Điển năm 1973.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-lac-bo-quyen-luc-sieu-quoc-gia-post1548615.html