Thiếu đòn bẩy gây áp lực cho Nga, ông Trump 'vỡ mộng' đàm phán hòa bình?

Lời kêu gọi mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin dừng các cuộc tấn công vào Ukraine nêu bật rủi ro mà ông có thể đối mặt trong nỗ lực chấm dứt xung đột nhanh chóng.

Rủi ro đối với mục tiêu của chính quyền ông Trump

Đã 3 tháng trôi qua, ông Trump vẫn chưa đạt được nhiều thành quả trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Việc giao tranh vẫn diễn ra liên tiếp sau các cuộc đàm phán con thoi giữa 3 bên khiến Tổng thống Mỹ ngày càng thất vọng.

Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt trên chiến trường bất chấp nỗ lực hòa giải của chính quyền ông Trump. Ảnh: Getty

Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt trên chiến trường bất chấp nỗ lực hòa giải của chính quyền ông Trump. Ảnh: Getty

Trong thông báo trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết: “Tổng thống Vladimir Putin, hãy dừng lại”, “5.000 binh sỹ đang thiệt mạng mỗi tuần. Hãy chấp nhận thỏa thuận hòa bình”.

Câu hỏi hiện giờ là liệu ông có sẵn sàng gây sức ép buộc Nga phải nhượng bộ đáng kể để đạt được thỏa thuận hay không, giống như cách ông đã gây sức ép cho Ukraine. Tuy vậy, đây được cho là bước đi đầy rủi ro khiến mục tiêu lớn hơn của ông là đưa Mỹ xích lại gần Nga khó đạt được.

Tổng thống Trump khẳng định ông sẵn sàng cho Nga và Ukraine thêm thời gian để đạt được thỏa thuận trước khi Mỹ rút lui khỏi việc hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình.

"Chúng tôi nghĩ rằng cả hai bên đều muốn hòa bình nhưng họ phải ngồi vào bàn đàm phán", ông Trump phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng ngày 24/4, đồng thời nói thêm ông đã nghĩ đến một thời hạn mà ông không tiết lộ.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump hiếm khi chỉ trích Nga. Nhưng các trợ lý của ông cho biết, thời gian gần đây, ông Trump tỏ ra rất bực bội vì cho rằng Tổng thống Putin đáng lẽ ra nên thể hiện sự linh hoạt hơn.

Thomas Graham – thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định, Tổng thống Trump đã hướng sự không hài lòng của ông vào Ukraine, thay vì Nga, vì Kiev dễ bị gây ảnh hưởng hơn. Sau vụ tranh cãi nảy lửa giữa ông Trump và ông Zelensky tại Phòng Bầu dục vào tháng 2/2024, ông Trump đã tạm thời cắt đứt việc chia sẻ thông tin tình báo và đình chỉ cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev trong thời gian ngắn trước khi nối lại hoạt động này.

Thiếu đòn bẩy gâp áp lực cho Nga

Theo quan chức này, ông Trump không có nhiều đòn bẩy để gây áp lực cho Nga. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã áp dụng các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga nhưng Moscow đã nhanh chóng định hướng lại hoạt động xuất khẩu sang các đối tác thương mại mới và tìm nguồn cung cấp nguyên vật liệu mới.

Trước đó, Tổng thống Trump cảnh báo ông có thể nhắm mục tiêu vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bằng các lệnh trừng phạt tiếp theo nếu Tổng thống Putin phản đối một thỏa thuận hòa bình. Nhưng ông không đề cập đến ý tưởng này trong phát biểu ngày 24/4. Nhiều khả năng ông nghĩ rằng Nga sẽ đưa ra chút nhượng bộ bằng cách không chiếm phần còn lại của Ukraine.

Khi được hỏi Tổng thống Putin đã đưa ra những nhượng bộ nào trong các cuộc đàm phán, ông Trump trả lời: "Dừng xung đột và ngừng chiếm toàn bộ đất nước Ukraine. Theo giới phân tích, đến thời điểm hiện tại, ông Trump vẫn khá kiềm chế trong việc gây sức ép với Nga và tin tưởng ông có thể thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình khi gây dựng mối quan hệ tốt hơn với Tổng thống Putin.

Đặc phái viên Mỹ Stephen Witkoff dự kiến sẽ có chuyến thăm Nga lần thứ 4 để gặp Tổng thống Putin trong những ngày tới. Sau các chuyến thăm trước, ông đã đánh giá cao thái độ của Tổng thống Putin và cho biết, các bên “có khả năng” đạt được một thỏa thuận. Tuy vậy, theo ông Thomas Graham, sự thiếu kinh nghiệm của đặc phái viên Witkoff trong các cuộc đàm phán với Nga có thể khiến ông Trump đánh giá quá lạc quan về cơ hội hòa bình.

Ông Graham – người từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ phụ trách quan hệ với Nga dưới thời Tổng thống George W. Bush lưu ý rằng, đặc phái viên Witkoff có lẽ chưa nắm bắt đầy đủ các yêu cầu của Nga đối với Ukraine.

Tổng thống Putin ít có khuynh hướng ký một thỏa thuận hòa bình sớm với Ukraine, mặc dù ông có thể cân nhắc ý tưởng này để xoa dịu ông Trump, Tatyana Stanovaya - thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia ở Berlin nhận định.

Bà cho rằng, Điện Kremlin có thể lo lắng về việc làm mất lòng ông Trump, nhưng mong muốn giành chiến thắng của họ vẫn lớn hơn mối lo ngại đó. Khi ông Witkoff đến Moscow, Tổng thống Putin có thể sẽ tìm cách xoa dịu sự bất hòa về Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga và Mỹ có thể thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp thông qua các thỏa thuận về những vấn đề khác chẳng hạn như Iran hay khoáng sản.

“Tổng thống Putin sẽ giải thích rằng Nga không thể từ bỏ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vì điều này có ý nghĩa sống còn đối với Nga. Nhưng ông ấy sẽ nhấn mạnh Nga và Mỹ là hai quốc gia lớn vì thế cần phải bình thường hóa mối quan hệ và hợp tác hiệu quả để đóng góp vào hòa bình thế giới”, bà Tatyana Stanovaya lưu ý.

Tổng thống Putin đã yêu cầu chính quyền ông Trump đưa ra một số nhượng bộ, trong đó có việc công nhận Crimea là một phần của Nga, ngăn Ukraine gia nhập NATO và chấp nhận việc Moscow kiểm soát một số vùng lãnh thổ ở Ukraine.

Theo giới phân tích, cách tiếp cận của ông Trump có thể làm giảm bớt sự kìm kẹp của phương Tây với Nga, nhưng lại gây căng thẳng với các đồng minh của Mỹ tại châu Âu – những nước ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Moscow.

Eric Green, cựu trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Biden, cho rằng: “Nga có thể chưa vội vàng ký kết thỏa thuận hòa bình khi họ tiếp tục đạt được những bước tiến mới chiến trường và nhận được nhiều sự nhượng bộ hơn từ Mỹ”.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Wall Street Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thieu-don-bay-gay-ap-luc-cho-nga-ong-trump-vo-mong-dam-phan-hoa-binh-post1194710.vov